Ứng xử chưa đẹp trong mùa lễ hội

26/02/2018 05:57

Ăn mặc phản cảm, chen lấn, đốt vàng mã tràn lan, xả rác bừa bãi... là những hành vi kém văn minh đang làm xấu hình ảnh lễ hội truyền thống...


Công khai xem bói ở đền Đoan (thị trấn Ninh Giang)

Đi lễ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Tuy nhiên, những cách ứng xử kém văn minh của một số người trong các lễ hội đã làm ảnh hưởng tới vẻ trang nghiêm ở chốn linh thiêng, gây bức xúc cho những người chứng kiến.

Trang phục, hành động phản cảm

Những năm gần đây, cứ đến mùa lễ hội là trên mạng xã hội lại  xuất hiện những hình ảnh ăn mặc phản cảm khi đi lễ đầu năm, bị nhiều người phản đối. Không ít du khách mặc váy ngắn, áo hở hang kiểu "xuyên thấu" vẫn vô tư vào thắp hương, làm lễ. Chiều mùng 1 Tết, tôi cùng nhóm bạn đi lễ ở đền Tranh (Ninh Giang) bắt gặp một phụ nữ mặc váy rất ngắn. Không chỉ mình tôi mà những người xung quanh đều  cảm thấy ái ngại, ngượng ngùng thay trong khi "chính chủ" vẫn vô tư quỳ lạy.

Tại các khu di tích, lễ cúng đặt lộn xộn trước ban thờ, nhiều du khách còn chen lấn, xô đẩy nhau. Tình trạng đốt tiền vàng, đồ mã tràn lan không chỉ lãng phí mà còn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Xem bói toán, xem thẻ đầu năm, đổi tiền lẻ... vẫn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng ăn xin vẫn tồn tại ở phía bên ngoài khu di tích đền Tranh. Phía ngoài cổng chùa Trông ở xã Hưng Long (Ninh Giang) vẫn có người xem tay đoán tướng, tài lộc, công danh, tình cảm.

Hái lộc đầu xuân là một phong tục đẹp trong ngày Tết. Sau thời khắc giao thừa, người dân đổ về các đình, chùa xin lộc. Tuy nhiên, nét đẹp này bị ảnh hưởng khi một số người hái hoa, bẻ cành các cây xanh... Nghi thức rước kiệu ở các lễ hội vẫn còn tình trạng ném tiền lên kiệu, xô đẩy nhau bất kể trẻ em hay người già. Chị Nguyễn Thị Xuân ở đường Khúc Thừa Dụ (TP Hải Dương) chia sẻ: "Lễ hội vốn là không gian văn hóa thiêng liêng nhưng nhiều bạn trẻ chỉ đến để chụp ảnh "tự sướng", hành xử lố bịch mà không hiểu ý nghĩa, giá trị của nó. Nhiều người đến các di tích mà không biết nơi đây thờ ai, nguồn gốc, sự tích... của nơi mình đang đến là gì".     

Vào những ngày lễ, Tết, việc tăng giá phòng nghỉ, giá dịch vụ ăn uống, giá gửi xe, "chèo kéo" du khách... vẫn xảy ra ở nhiều di tích. Anh Nguyễn Văn Quyết ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) cho biết: "Chiều 30 Tết, khi gửi xe ở ngoài đền Tranh, người trông xe không đưa vé cho tôi và thu tiền cao hơn 5.000 đồng so với ngày thường. Khi tôi hỏi lại thì chỉ được trả lời là ngày Tết nên giá phải cao hơn".

Nâng cao ý thức trong mỗi cá nhân

Việc nâng cao ý thức, cách ứng xử văn minh trong lễ hội là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- thể thao huyện Bình Giang đề xuất: "Để các lễ hội giữ được bản sắc truyền thống, cần phải nâng cao ý thức người tham gia lễ hội. Các cấp, các ngành cần sớm xây dựng, ban hành bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong điểm du lịch thông qua hình ảnh để hình thành thái độ ứng xử văn minh cho du khách. Chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội để ngăn chặn, xử lý các biểu hiện tiêu cực...".


Người dân đi lễ thả tiền xuống giếng trong khuôn viên đền Sượt (TP Hải Dương)

Người dân khi tham gia lễ hội nên tìm hiểu về giá trị di tích, lễ hội để từ đó có cách ứng xử phù hợp. Các ban quản lý di tích cũng cần tích cực tuyên truyền, giới thiệu dễ hiểu, sinh động về lễ hội để du khách nắm được những thông tin cần thiết. Chị Phạm Thủy ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Năm nào tôi cũng đến thăm một số di tích ở Hải Dương. Ngoài các di tích lớn thì một vài di tích nhỏ không có gì giới thiệu về nguồn gốc ý nghĩa nên không rõ thờ ai. Tôi mong muốn có thêm nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân đến đây hiểu rõ hơn về di tích”.

Để nâng cao văn hóa ứng xử, trước tiên, cần phải điều chỉnh ý thức từ thế hệ trẻ. Các bậc làm cha, làm mẹ cần phải làm gương cho con cái mình. Từ những hành động, cử chỉ nhỏ nhưng có ý nghĩa như bỏ rác đúng nơi quy định, cúi chào khi gặp người lớn tuổi,... cũng tạo nên nếp ứng xử. Nhà trường cần phối hợp với gia đình trong giáo dục để hình thành nên văn hóa ứng xử phù hợp cho giới trẻ, nhất là ở nơi công cộng. Từ việc xây dựng ý thức về văn hóa trong mỗi cá nhân sẽ là tiền đề để xây dựng văn hóa ứng xử của cả cộng đồng.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử chưa đẹp trong mùa lễ hội