Ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong công việc

16/01/2019 10:27

​Tương tác nhanh, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, nhiều cơ quan, đơn vị đang ứng dụng hiệu quả các dịch vụ mạng xã hội (MXH) trong công việc chuyên môn.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh ứng dụng nhiều tính năng của mạng xã hội phục vụ công tác chuyên môn

Tương tác cao

Phó Trưởng Phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Lương Hoàng Hải cho biết cán bộ, nhân viên của phòng đang tham gia 3 nhóm chat qua Skype (ứng dụng chat video, gọi điện thoại và gửi tin nhắn miễn phí). Các nhóm gồm: nhóm trực tuyến từ BHXH Việt Nam tới toàn bộ BHXH các tỉnh, thành phố và cấp huyện; nhóm nội bộ của phòng và nhóm cán bộ phòng, cán bộ thực hiện nghiệp vụ thu cấp huyện. Ngoài ra, trong ngành còn nhiều nhóm tự hình thành theo nhiệm vụ chuyên môn. Tính tương tác cao tạo hiệu quả rõ rệt trong công việc đó là nhóm "Hỗ trợ Hải Dương" kết nối 250 người gồm cán bộ nghiệp vụ, các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý người lao động và các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh. Ở đây, mọi thông tin, thắc mắc, ý kiến đều được cập nhật lập tức, được trao đổi và nhanh chóng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các đơn vị theo dõi, quản lý người tham gia BHXH.

Việc ứng dụng Skype được Phòng Quản lý thu đưa vào sử dụng từ năm 2010.  Đến nay, BHXH tỉnh vẫn duy trì và sử dụng rộng rãi Skype do đây là ứng dụng có nhiều lợi thế như hình thành nhóm tối đa tới 600 người, sử dụng được trên nhiều nền tảng từ máy tính cho đến các thiết bị di động... Trong nhóm "Cán bộ tổng hợp Hải Dương" gồm hơn 100 cán bộ làm nghiệp vụ thu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, anh Hải vừa gửi một văn bản dự thảo và đề nghị các cán bộ nghiên cứu, cùng góp ý. Ngay lập tức, nhiều ý kiến của cán bộ nghiệp vụ các cấp cùng thảo luận; góp ý chỉnh sửa nội dung cho phù hợp. Anh Hải cho biết bằng cách trao đổi này, các văn bản sau khi ban hành cơ bản không phải chỉnh sửa; đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của người thụ hưởng các chính sách.

Viễn thông Hải Dương (VNPT) hiện ứng dụng nhiều tính năng của MXH phục vụ công tác chuyên môn. Để tương tác với khách hàng, Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương có trang Facebook “VNPT - VinaPhone Hải Dương” là trang giới thiệu dịch vụ của đơn vị, đồng thời nhân viên có thể nhắn tin trực tiếp tiếp nhận xử lý báo lỗi, phản ánh, phản hồi của khách hàng. Theo Phó Giám đốc VNPT Hải Dương Nguyễn Trọng Việt, từ năm 2016, đơn vị đã triển khai ứng dụng MXH trong nhiều hoạt động chuyên môn, truyền thông. Từ lãnh đạo đơn vị đến các tổ, phòng đều hình thành các nhóm sử dụng Zalo để thông tin nội bộ kịp thời, trao đổi nhiều công việc giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động.

Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, trong đó có MXH vào công tác quản lý, điều hành, thực hiện công việc chuyên môn là hướng đi tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với nhiều tiện ích, việc sử dụng các dịch vụ của MXH đang trở nên phổ biến ở nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương.


Trang Facebook tương tác với khách hàng của VNPT Hải Dương

Cần quy định chặt chẽ

Tuy nhiên, công nghệ hiện đại, thao tác càng tiện lợi thì tiềm ẩn rủi ro càng cao. Do lo ngại về bảo mật và cán bộ, nhân viên không tập trung vào công việc, một số cơ quan, địa phương trong tỉnh vẫn cấm cán bộ, nhân viên sử dụng MXH trong giờ làm việc. Ở một số nơi, việc ứng dụng MXH chưa hiệu quả do cán bộ, nhân viên không tập trung làm việc chuyên môn, chủ yếu sử dụng các ứng dụng MXH để tán gẫu.

Ở một số tỉnh, thành phố khác, việc ứng dụng MXH vào cải cách hành chính, tương tác trực tiếp với nhân dân, khách hàng; tiếp nhận, xử lý các thông tin chuyên biệt đã được triển khai hiệu quả. Hải Dương đang quyết tâm cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nên cũng cần tính đến việc ứng dụng MXH nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, nhân dân. Không chỉ hình thành các mạng lưới trực tuyến trong nội bộ để giải quyết công việc, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần mở rộng các kênh trực tuyến đến công dân, doanh nghiệp nhằm công khai, minh bạch thông tin; tiếp nhận và kịp thời giải quyết các thủ tục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Để ứng dụng MXH giải quyết việc công hiệu quả, bảo đảm an toàn đòi hỏi phải có quy định chặt chẽ, bước đi phù hợp. Ví dụ, song song với các nhóm dùng MXH, để bảo mật thông tin nhiều cơ quan sử dụng phần mềm quản lý văn bản nội bộ riêng; có nơi quy định chỉ được phép đăng tải những thông tin nào trên các nhóm, trang MXH. Quan trọng nhất là cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng MXH phục vụ chuyên môn. Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH ở Việt Nam đang được Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo và lấy ý kiến đóng góp. Trong khi chờ bộ quy tắc chính thức, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng MXH, nhằm chỉ khai thác, ứng dụng những mặt tích cực của MXH phục vụ công việc chuyên môn.

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong công việc