Từ ngày 1.9: Karaoke không hoạt động sau 0h, cho mượn xe công bị phạt đến 60 triệu đồng

31/08/2019 15:14

Kể từ ngày 1.9, một số nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Trong đó, đáng lưu ý là Nghị định 154/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công...

Quán karaoke không được hoạt động sau 0h

Đây là điểm mới quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ ngày 1.9.

Theo đó, để kinh doanh dịch vụ karaoke, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự.

Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh phải bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình, phù hợp văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Đáng lưu ý là quán karaoke không được hoạt động từ 0h đến 8h sáng.

Như vậy, so với hiện hành thì quy định mới đã bỏ luôn trường hợp cho phép phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 0h nhưng không quá 2h sáng.

Tương tự, cơ sở hoạt động dịch vụ vũ trường phải bảo đảm phòng vũ trường có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ và địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200m trở lên.

Đồng thời nghị định quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường không hoạt động từ 2h sáng đến 8h sáng và không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.

Cho mượn ôtô công: bỏ tiền túi nộp phạt đến 60 triệu đồng

Theo nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước thì hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) sẽ bị xử phạt gồm 3 mức:

- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng.

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, ôtô.

Đáng lưu ý, nghị định có quy định rõ tổ chức, cá nhân bị xử phạt không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Đối tượng bị xử phạt bao gồm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ngày 1.9: Karaoke không hoạt động sau 0h, cho mượn xe công bị phạt đến 60 triệu đồng