Thực hiện dịch vụ hành chính công qua bưu điện: Lợi cả hai phía

23/11/2017 04:13

Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân và các cơ quan hành chính nhà nước...

Bưu điện tỉnh đã chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn cho cán bộ, bưu tá để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 16.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ không chỉ tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân mà còn cho cả các cơ quan hành chính nhà nước.

Minh bạch bộ máy

Việc triển khai thực hiện các TTHC với các quy định rõ ràng, công khai sẽ tạo thuận lợi, giảm các chi phí phát sinh, giảm thời gian đi lại của người dân. “Nếu thực hiện TTHC qua bưu điện, chúng tôi sẽ chỉ phải trả phí, lệ phí, phí dịch vụ bưu gửi theo quy định mà không phải trả thêm bất cứ một khoản phí phát sinh ngoài quy định nào. Trong khi nếu làm trực tiếp, rất có thể phải trả thêm các khoản “tiêu cực phí” vì  tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn của một số cán bộ”, ông Nguyễn Văn Sáng (khu 15, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết.

Quy định tại Quyết định 45 cũng rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, công dân khi nhận và nộp phí, lệ phí. Theo đó, nếu các cá nhân, tổ chức không thể trực tiếp nhận hồ sơ, kết quả từ nhân viên bưu chính thì có thể ủy quyền cho người khác nhận thay. Các cá nhân, tổ chức có thể nộp trực tuyến hoặc chuyển khoản cho cơ quan có thẩm quyền, cũng như trực tiếp nộp, chuyển khoản cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích các khoản phí, lệ phí giải quyết TTHC để nhân viên bưu chính chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.

Không chỉ thuận lợi cho người dân, việc giải quyết TTHC cũng tạo thuận lợi rất nhiều cho cán bộ bộ phận “một cửa”. “Có những thời điểm, người dân đến làm TTHC rất đông, nhất là lĩnh vực đất đai. Cán bộ vừa phải tiếp nhận, vừa phải trả kết quả nên nhiều khi quá tải. Khi người dân lựa chọn việc thực hiện giải quyết các TTHC qua bưu điện, khối lượng công việc này sẽ được san bớt cho các nhân viên của bưu điện. Do đó, giảm tải rất nhiều cho chúng tôi, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, làm tăng sự hài lòng của người dân”, bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, Trưởng bộ phận “một cửa” huyện Kim Thành cho biết.  

Chuẩn bị kỹ

Được UBND tỉnh chọn là đơn vị thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và một số địa phương nghiên cứu kỹ và lựa chọn các danh mục TTHC sẽ được thực hiện qua dịch vụ bưu chính; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, bưu tá các loại thủ tục, hồ sơ đối với mỗi loại TTHC để có thể hướng dẫn tốt cho công dân khi tiếp nhận TTHC. Bưu điện tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ quy trình tiếp nhận, vận chuyển đối với các bưu gửi là các TTHC. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có phong bì, con dấu dành riêng cho các bưu gửi là các TTHC.


Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn triển khai Quyết định 45 cho cán bộ bộ phận "một cửa" của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo, nhân viên Bưu điện tỉnh, Bưu điện các huyện, thị xã, thành phố

Bưu điện tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân, công khai bảng phí dịch vụ tại các bưu cục, các điểm bưu điện văn hóa xã, bộ phận “một cửa” của các đơn vị, sở, ngành, địa phương; trên trang thông tin điện tử của các đơn vị.

Trên thực tế, gần như ngày nào cũng có công dân bị trả lại hồ sơ do thiếu các loại giấy tờ cần thiết khi đến thực hiện các TTHC nên nhiều cán bộ bộ phận “một cửa” các địa phương lo ngại cán bộ bưu điện không thể hướng dẫn tốt công dân, tổ chức chuẩn bị các loại hồ sơ, giấy tờ cần thiết của các TTHC khi tiếp nhận. Để giải quyết vấn đề này, Bưu điện tỉnh đã thống nhất với các sở, ngành, địa phương, bước đầu sẽ chỉ thực hiện tiếp nhận một số TTHC đơn giản, còn phần lớn thực hiện việc trả kết quả.  

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính, Bưu điện tỉnh cho biết: “Bưu điện tỉnh đã có kinh nghiệm thực hiện dịch vụ như tiếp nhận và trả chứng minh nhân dân, hộ chiếu, cấp đổi giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy thông báo trúng tuyển, hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ xét tuyển, hồ sơ bảo hiểm xã hội… Hằng năm, lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả khá lớn nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa để xảy ra tình trạng mất mát, bị tổ chức, công dân, cơ quan, đơn vị khiếu nại”.

Đến nay, hầu hết các sở, ngành có giải quyết TTHC cấp tỉnh và UBND các huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn đã ký thỏa thuận với Bưu điện tỉnh để triển khai thực hiện các TTHC qua dịch vụ bưu điện. 40 bưu cục và 19 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, con người được Bưu điện tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ rút kinh nghiệm, triển khai tiếp ở các điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ khác.


HOÀNG NGÂN

Theo Quyết định 45, các tổ chức, công dân có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức sau khi thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, gồm: gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Tại tỉnh ta, Bưu điện tỉnh được chọn là đơn vị để thực hiện các dịch vụ này.
(0) Bình luận
Thực hiện dịch vụ hành chính công qua bưu điện: Lợi cả hai phía