Tăng cường phối hợp, ngăn chặn nạn giấy tờ giả

08/11/2018 12:41

Thời gian qua, một số đối tượng trên địa bàn tỉnh đã sử dụng giấy tờ giả để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.


 Việc phát hiện các văn bản, giấy tờ giả mạo rất khó, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề của công chứng viên. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh 

Tháng 6.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, ra lệnh truy nã Lê Thị Hạnh (45 tuổi, ở thôn Đồng Bửa, xã Thanh Bính, Thanh Hà) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, đơn vị. Đến cuối tháng 7, Hạnh bị cơ quan điều tra bắt khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Theo kết quả điều tra ban đầu, vì nợ tiền nhiều người, không có khả năng trả, Hạnh nghĩ cách làm giả giấy tờ, tài liệu để lừa đảo. Đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất ở xã Thanh Bính rồi bán với giá 400 triệu đồng. Hạnh còn làm giả giấy cam kết và khế ước nhận nợ của một ngân hàng thương mại tại Hải Dương để lừa vay đáo hạn 3,4 tỷ đồng rồi bỏ đi khỏi địa phương…

Trước đó, tháng 2.2018, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự, tuyên phạt Lưu Thị Ly (sinh năm1985) và Nguyễn Đình Hòa (sinh năm 1985, cùng trú tại phường Tân Bình, TP Hải Dương) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ly và Hòa đã thuê người làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của nhiều người dân tại TP Hải Dương. Tòa đã tuyên phạt Ly 14 năm tù, Hòa 9 năm tù.

Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, nhiều giấy tờ, hồ sơ được làm giả rất tinh vi, bằng mắt thường khó phát hiện. Các đối tượng không chỉ làm giả chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, bằng tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng mà còn làm giả các giấy tờ gắn với tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đăng ký xe ô tô, xe máy...

Theo ông Phạm Văn Vĩnh, Trưởng Phòng công chứng số 1, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, các hành vi giả mạo trong công chứng ngày càng tinh vi và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thủ đoạn của chúng là dùng giấy tờ giả mạo đến các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện giao dịch. Nếu công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực không vững chuyên môn, nghiệp vụ rất có thể bị các đối tượng trên “qua mặt”. Thực tế, thời gian qua, một số công chứng viên trên địa bàn tỉnh đã để xảy ra sai sót trong việc chứng nhận các hợp đồng giao dịch liên quan đến “sổ hồng” giả gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc phát hiện các văn bản, giấy tờ giả mạo rất khó, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề của người thực hiện công chứng, chứng thực và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng đối với nhiều loại giấy tờ sử dụng công nghệ cao, người thực hiện công chứng, chứng thực cũng không dám khẳng định chắc chắn 100% giấy tờ là thật hay giả.

Khoản 2, điều 7 của Luật Công chứng năm 2014 quy định: nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng… Người vi phạm tùy vào mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, khi công chứng viên phát hiện hoặc nghi ngờ giấy tờ giả mạo thì có quyền lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng khi lập biên bản, người vi phạm thường bỏ chạy. Công chứng viên không có quyền giữ người, vật nghi giả mạo, chỉ cơ quan điều tra hoặc thanh tra mới có chức năng làm việc này.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các tranh chấp và các giao dịch trái pháp luật, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về công chứng và đưa vào hoạt động từ năm 2016. Hiện nay, phần mềm đang tiếp tục được nâng cấp để kết nối phần mềm cơ sở dữ liệu về công chứng với chứng thực trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ giải pháp trên thôi chưa đủ. Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và tổ chức, các cơ quan liên quan cần có quy chế phối hợp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng giấy tờ giả mạo. Cụ thể, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa văn phòng công chứng, cơ quan công an trong trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, tạm giữ giấy tờ của người vi phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý các hợp đồng, văn bản công chứng. Cơ quan công an hỗ trợ cho tổ chức hành nghề công chứng trong tiếp nhận nhanh gọn, kịp thời các thông tin, văn bản trình báo và hồ sơ, tài liệu kèm theo...

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường phối hợp, ngăn chặn nạn giấy tờ giả