Tấm gương vượt lên nỗi đau da cam

10/08/2018 17:00

Với ý chí và nghị lực của người lính, ông Phạm Minh Phú ở thôn Cát Khê, xã Hiệp Cát (Nam Sách) đã vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên phát triển kinh tế.

Mỗi năm, ông Phú tiết kiệm được 70 triệu đồng từ mô hình trang trại  VAC

Năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Phạm Minh Phú rời quê hương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1971, cuộc chiến khốc liệt tại mặt trận Đường 9 – Nam Lào đã cướp đi của ông một bên chân trái. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Phú mang trong mình 55% thương tật, 45% ảnh hưởng chất độc da cam.

Cuộc sống của một người lính phục viên thật vất vả; sức khỏe của vợ ông lại yếu, 3 đứa con lần lượt ra đời nên kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Ông Phú chia sẻ: “Năm 1990, tôi phục viên về quê, thời điểm này xã đã chia hết ruộng. Gia đình 5 nhân khẩu nhưng không có ruộng để canh tác".

Nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Phú cố gắng động viên gia đình phải phấn đấu vươn lên. 2 vợ chồng ông đã đi khai hoang, phục hóa những khu đất thừa, đất xấu không ai sử dụng để trồng chuối, trồng rau. Nhờ thế cuộc sống của gia đình ông vẫn được bảo đảm. Năm 1993, gia đình ông đã được xã chia ruộng nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.

Với sự nhạy bén, tính chịu thương chịu khó cùng với sự hỗ trợ của họ hàng, người thân, ông Phạm Minh Phú đã đầu tư phát triển kinh tế. Ban đầu ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng dần dần đã trở thành mô hình VAC với tổng diện tích hơn 2 ha. Trong đó, gia đình ông Phú có khoảng 4 mẫu ao nuôi cá; thường xuyên nuôi trên 100 con lợn thịt, hơn 100 con gà đẻ, trồng khoảng 700 gốc chuối cùng một số cây ăn quả khác. Hằng năm trừ các khoản chi phí bao gồm cả sinh hoạt của gia đình, ông tiết kiệm được trên 70 triệu đồng. Từ một hộ nghèo trong xã, hiện nay kinh tế gia đình ông đã ổn định; ba người con đều đã trưởng thành.

Ông Phú được người dân trong xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; ủy viên Ủy ban MTTQ xã; ủy viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã. Trên cương vị nào, ông cũng luôn đi sâu đi sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng hội viên, quan tâm, giúp đỡ động viên các hội viên cùng vươn lên trong cuộc sống.

Khi tôi hỏi ông có mong muốn gì không, ông Phú trả lời: “Đối với gia đình tôi như thế này cũng đã tạm ổn. Nhưng đại bộ phận hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã tôi còn rất khó khăn. Mong nhà nước quan tâm đến nhà ở vì hiện nay khoảng 90% số hội viên trong xã chưa có nhà ở kiên cố, trong khi trợ cấp lại thấp, sức khỏe yếu".

Ông Nguyễn Văn Phách, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở thôn Kim Độ nhận xét: “Ông Phú là một người rất nhiệt tình năng nổ, có trách nhiệm trong công việc. Đối với đồng đội luôn quan tâm giúp đỡ nhiệt tình, thường xuyên thăm hỏi động viên anh em khi gia đình gặp khó khăn. Ông rất sâu sát với những nạn nhân chất độc da cam chưa có chế độ, tích cực cùng với cơ quan chức năng hướng dẫn cho các nạn nhân làm thủ tục để được hưởng chế độ”.

KIM ÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm gương vượt lên nỗi đau da cam