Quản lý chặt chẽ quy trình xử lý chất thải rắn công nghiệp

08/12/2018 18:27

Mỗi năm tại Hải Dương có hàng chục nghìn tấn chất thải rắn (CTR) công nghiệp phát sinh. Nhưng việc thu gom, xử lý loại rác này đang nảy sinh nhiều vướng mắc.

Xử lý rác thải nguy hại bằng lò đốt ở Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Môi trường xanh

Chồng chéo

Thông tin Quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Cầu cho thấy, hiện mỗi ngày Hải Dương phát sinh khoảng 420 tấn CTR công nghiệp, có khoảng 1/3 lượng rác phát sinh từ các khu công nghiệp (KCN) và tăng bình quân hơn 15%/năm. Trong đó, có khoảng 52% CTR thông thường có thể thu hồi tái chế, khoảng 28% loại thông thường không thể tái chế và số còn lại là CTR nguy hại.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2017 toàn tỉnh phát sinh khoảng 69.875 tấn CTR nguy hại, chưa kể 17,2 tấn từ năm2016 chuyển sang. Trong 417 chủ nguồn thải có 332 đơn vị đã ký hợp đồng chuyển giao, xử lý 20.635 tấn CTR nguy hại, nhưng có tới 49.113 tấn CTR nguy hại được tự xử lý và tự tái sử dụng tại cơ sở sản xuất và khoảng 144,2tấn được chuyển tiếp sang năm nay. Trong các KCN vẫn còn hơn 40 doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục cấp sổ đăng ký hoặc đăng ký số lượng CTR nguy hại phát sinh…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7doanh nghiệp được cấp phép chuyên xử lý CTR nguy hại là các Công ty TNHH: Sản xuất, dịch vụ, thương mại Môi trường xanh; Saehan Green Vina; Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam; các Công ty CP: Tập đoàn Thành Công; Môi trường xanh Minh Phúc; Công nghệ môi trường An Sinh; Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường. Tổng công suất xử lý CTR của 7 doanh nghiệp này theo giấy phép là 339.790 tấn/năm. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh hiện có tới 20 cơ sở thu gom, chuyên chở và 13 doanh nghiệp xử lý CTR trong các KCN của Hải Dương. Ngoài 22 đơn vị có địa chỉ tại Hải Dương, 11 cơ sở ở các tỉnh, TPHà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng nên không dễ thẩm định năng lực hoạt động của họ.

Năm 2017, trừ Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường chưa hoạt động, 6doanh nghiệp còn lại đã xử lý hơn 94.800 tấn CTR nguy hại, trong đó chỉ có khoảng 14.400tấn CTR nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh. Như vậy, năm 2017 có tới trên 80.400tấn CTR nguy hại từ các nơi khác chuyển tới Hải Dương để xử lý; hơn 6.200 tấn CTR nguy hại được chở đi xử lý ở ngoài tỉnh hoặc nếu xử lý ở trong tỉnh thì là những cơ sở không bảo đảm năng lực. 

Tăng cường quản lý

Ông Phạm Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang, chủ đầu tư 3 KCN Nam Sách, Tân Trường và Phúc Điền khẳng định: “Bảo đảm sản xuất an toàn, ổn định là một yêu cầu sống còn đối với chúng tôi, nhất là thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có quản lý CTR. Ngoài phối hợp tuyên truyền, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa các đơn vị thuê đất sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo quy định chúng tôi chỉ được hỗ trợ các đơn vị nhỏ”. Còn ông Vũ Đắc Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án KCN Tân Trường cho biết: “Các doanh nghiệp thuê đất trong KCN thường tự tìm đối tác xử lý môi trường, bao gồm cả chuyên chở, xử lý CTR. Về nguyên tắc, chúng tôi không được kiểm tra quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của các đơn vị đầu tư thứ cấp”. 

Để tăng cường bảo vệ môi trường các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh vừa khảo sát công tác bảo vệ môi trường, quy trình thu gom, quản lý, xử lý CTR ở 166 doanh nghiệp trong 10 KCN đang vận hành. Khảo sát cho thấy tỷ lệ thu gom CTR công nghiệp đạt hơn 90% lượng phát sinh. Tỷ lệ này đạt được do chủ nguồn thải xác định và có đăng ký với Ban Quản lý các KCN tỉnh.

Trong quy hoạch phát triển KCN tỉnh Hải Dương hiện có 10KCN đã hoạt động. Trong tổng diện tích hơn 1.470 ha xây dựng KCN có gần 1.013 ha cho thuê sản xuất, kinh doanh, đến nay đã lấp đầy gần 660 ha. Nhưng quy mô sản xuất tăng cũng làm gia tăng phát thải lượng CTR ra môi trường. Đến nay, hoạt động quản lý không chỉ tập trung vào thu gom, tập kết đến nơi đổ thải mà đã mở rộng hơn, bao gồm từ thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý hợp vệ sinh... Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, công tác quản lý cần được điều chỉnh bằng hệ thống các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ. Các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức và năng lực bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. "Để quản lý môi trường KCN cần xây dựng cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị liên quan, có phân cấp rõ ràng", ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh nhấn mạnh.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý chặt chẽ quy trình xử lý chất thải rắn công nghiệp