Phân tích nguyên nhân một loạt ca mắc COVID-19 sau thời gian cách ly

04/05/2021 17:51

Những ca bệnh “siêu lây nhiễm” sau thời gian hoàn thành tại các khu cách ly khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh, thành phố...

Phan tich nguyen nhan mot loat ca mac COVID-19 sau thoi gian cach ly hinh anh 1

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra tại 1 khu cách ly ở tỉnh Yên Bái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gần đây xuất hiện một loạt các trường hợp mắc COVID-19 sau khi hết thời gian cách ly đã trở về nhà và ra ngoài cộng đồng.

Đó là các trường hợp như ca bệnh được phát hiện ở Hà Nam và chuyên gia Trung Quốc cách ly tại Yên Bái hay gần đây nhất là một chuyên gia của Ấn Độ hết thời gian cách ly ở Hải Phòng... khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh, thành phố.

"Siêu lây nhiễm" sau cách ly

Điều đáng lo ngại là những trường hợp hoàn thành cách ly như trên lại trở thành những ca bệnh "siêu lây nhiễm" cho rất nhiều người như ở Hà Nam. Đến nay, ổ dịch này đã ghi nhận 20 ca bệnh, trong đó 14 ca được ghi nhận tại tỉnh Hà Nam; 1 ca tại TP Hồ Chí Minh; 3 ca tại Hà Nội và 2 ca tại Hưng Yên.

Ca siêu lây nhiễm ở Hà Nam là bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. sinh năm 1993 (mã BN2899), quê tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 7.4.2021 và hết cách ly tập trung ngày 21.4, về tỉnh Hà Nam bằng xe khách vào ngày 22.4.

Ngày 24.4, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, khó thở, sau đó, được lấy mẫu xét nghiệm và khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 28.4.

Một trường hợp khác, tính tới ngày 4.5, ổ dịch ở Vĩnh Phúc đã ghi nhận tổng số 15 ca bệnh liên quan bao gồm: 14 ca tại Vĩnh Phúc (9 trường hợp liên quan tới quán Bar-karaoke Sunny, gồm 6 nhân viên, 3 khách tới hát) và 5 trường hợp liên quan tới trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen. Ngoài ra, 1 ca tại Hà Nội có liên quan dịch tễ khi ngồi gần 2 chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh cách ly ngay từ ngày 9-23.4 tại tỉnh Yên Bái) trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 29.4.


Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ca đầu tiên tại ổ dịch Vĩnh Phúc là bệnh nhân sinh năm 1974, chuyên gia người Trung Quốc. Người này cùng 4 chuyên gia Trung Quốc khác nhập cảnh vào Việt Nam ngày 9.4.2021. Nhóm chuyên gia được cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái cùng ngày. Phía Trung Quốc đã ghi nhận 4/5 chuyên gia Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 23.4, năm chuyên gia trên hoàn thành cách ly, sau đó di chuyển về Công ty Vinatop tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Tối cùng ngày, đoàn chuyên gia và 2 nhân viên Công ty Vinatop có tới quán Bar-Karaoke Sunny, Phúc Yên.

Ngày 24-25.4, đoàn chuyên gia đến các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp dương tính có liên quan tại các tỉnh này. Sáng 26.4, đoàn quay lại Công ty Vinatop, Vĩnh Phúc. Tối 26.4, có chuyên gia đi massage tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen. Hiện đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính có liên quan tới Trung tâm Hoa Sen.

Từ ngày 27.4-29.4, đoàn 5 người tách thành 2 nhóm, 2 người đi Đà Nẵng cùng 2 nhân viên Công ty Vinatop; 3 người còn lại ở lại Công ty Vinatop, Vĩnh Phúc.

Theo Bộ Y tế, nguồn lây nghi ngờ từ đoàn chuyên gia Ấn Độ. Vào ngày 17.4 đoàn chuyên gia Ấn Độ cách ly tập trung tại khách sạn Như Nguyệt 2; có 4 chuyên gia của đoàn Ấn Độ dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, có thêm 1 nhân viên của khách sạn dương tính với SARS-CoV-2 ngày 26.4. Trong thời gian này, khách sạn chỉ phục vụ 3 đoàn chuyên gia cách ly tập trung. Trong đó đoàn Ấn Độ và đoàn Trung Quốc ở 2 tầng liền nhau, chung 1 cầu thang lên xuống.

Ba nguyên nhân lây lan nguồn bệnh

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết với một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hết thời gian cách ly tập trung như ca bệnh ở Hà Nam và chuyên gia người Trung Quốc được đưa ra nhiều giả thiết.

Theo ông Phu, thứ nhất là bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh.

Thứ 2, bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 sẽ không phát hiện ra dương tính.

Trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Do đó, ông Phu cho rằng nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sau đó tiếp tục về nhà giám sát chặt chẽ, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như theo quy định của Bộ Y tế hiện nay là rất chặt chẽ.

Nguyên nhân còn lại là trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác bệnh nhân đó đã lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây.


Đã có 9 trường hợp mắc COVID-19 liên quan tới quán Bar-karaoke Sunny, Vĩnh Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, thực tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly. Tuy nhiên, phải phân tích, điều tra thật kỹ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.

Nhiều trường hợp không tuân thủ quy định cách ly

Trước thông tin về việc có nên nâng thời gian cách ly tập trung nhiều hơn 14 ngày như hiện hành? Phó giáo sư Trần Đắc Phu khẳng định đến nay các quy định về cách ly tập trung của Việt Nam đều rất chặt chẽ. Hiện nay, các nước trên thế giới cũng thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, bởi đa số chỉ ủ bệnh trong 14 ngày, chỉ một số rất ít trường hợp ủ bệnh lâu hơn.

Theo ông Phu, việc lây bệnh trong khu vực cách ly là do các các trường hợp không tuân thủ các quy định (có thể ở khâu quần áo bảo hộ, khẩu trang, khử khuẩn…). Chẳng hạn, ca bệnh là nhân viên lễ tân ở một khách sạn tại Yên Bái có thể chưa tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.


Đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại nơi bệnh nhân cư trú, thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam chiều tối 29/4/2021. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Trước đó, ngày 19.1.2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có Công văn Số 425/CV-BCĐ, trong đó có hướng dẫn quản lí những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Quy định cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày. Sau đó họ cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương 14 ngày: Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo.

Người hoàn thành cách ly phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Như vậy, với những người sau khi hết thời gian cách ly tập trung dù không phải cách ly tại nhà nhưng phải giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Chẳng hạn như những người nhập cảnh, sau khi về nơi lưu trú họ phải theo dõi sức khoẻ, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác và áp dụng các biện pháp phòng bệnh (khẩu trang, khử khuẩn…).

Theo Phó giáo sư Phu, như trường hợp BN2899 ở Hà Nam đi uống bia, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người… là không đúng quy định. Những chuyên gia nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung vẫn có thể làm việc trong trường hợp cần thiết nhưng phải thực hiện các quy định về phòng bệnh và giãn cách trong thời gian làm việc cũng như tiếp xúc với người khác...

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân tích nguyên nhân một loạt ca mắc COVID-19 sau thời gian cách ly