Nỗi niềm chăm sóc người già đãng trí

07/10/2018 09:58

Nhiều người khi về già không còn giữ được sự minh mẫn, tỉnh táo mà thường xuyên trong trạng thái nhớ nhớ, quên quên do bệnh đãng trí (BĐT) tuổi già...

Do mắc bệnh đãng trí nên cụ Nguyễn Thị Nhị (bên trái) thường nghĩ mình đang ở thời kỳ còn trẻ với nhiều vất vả, lo toan

Giận ít, thương nhiều

Đã gần 4 năm nay, cụ Lê Thị Q. (87 tuổi) ở đường Lê Viết Hưng (TP Hải Dương) thường xuyên trong cảnh nhớ nhớ, quên quên. Cụ luôn nghĩ mình mới chỉ là người phụ nữ còn trẻ, đã có chồng và các con đều còn nhỏ. Vì mắc nhiều bệnh cùng lúc như tiểu đường, huyết áp cao, xương khớp nên cụ Q. không đi lại được, mọi việc chăm sóc đều dựa vào bà Phạm Thị Th. con dâu của cụ. Cụ lẫn tới mức không còn nhớ nổi mặt các con mình. Mỗi khi các con vào chơi, cụ đều gọi các con là các anh chị, rồi hỏi đường về nhà, hỏi xem có ai nhìn thấy chồng con của cụ không. Rồi cụ lại kể rất nhiều chuyện từ thời trẻ của mình như mới vừa xảy ra ngày hôm qua. “Vì mẹ tôi lẫn quá nên mỗi lần nói chuyện với cụ đều phải nhắc đi nhắc lại 2-3 lần. Cụ ừ đấy, nhưng lát hỏi lại quên. Nhiều lúc chăm sóc vừa giận vì mẹ không nhớ ra mình, nhưng lại thương vì cụ cả đời vất vả, giờ lại bị đãng trí”, bà Th. chia sẻ.

Gia đình và hàng xóm cụ Nguyễn Thị Nhị (95 tuổi) ở khu 5 thị trấn Thanh Hà cũng đã quen với việc cụ bị lẫn. Cuộc sống khi còn trẻ khá vất vả, ngoài làm nông nghiệp, cụ Nhị còn tranh thủ chạy chợ kiếm thêm chút tiền nuôi các con thơ dại. Có lẽ những tháng ngày vất vả ấy ám ảnh tâm trí nên khi bị đãng trí tuổi già, cụ vẫn luôn nghĩ mình ở thời kỳ đó. Trong vườn nhà, con gái cụ trồng thêm ít rau để cải thiện, hôm nào cụ cũng ra trông nom. Rồi cụ tự tưởng tượng ra rau bị mất cắp nên chửi om sòm. Những lần đầu, các con cụ đều phải muối mặt sang xin lỗi hàng xóm. Lâu dần mọi người cũng quen vì thương cụ lẫn quá rồi. Cụ Nhị dù bị đãng trí nhưng vẫn tự đi lại được, mọi sinh hoạt vẫn có thể tự chủ. Những lúc nhớ thì cụ có thể làm mọi việc mà không cần sự giúp đỡ, nhưng khi quên có lần cụ đi vệ sinh giữa nhà. Còn chuyện cụ không nhớ mình đã ăn cơm hay chưa là bình thường, lắm hôm cụ vừa ăn cơm xong lại quên ngay nên có ngày cụ ăn đến mấy bữa. Nhiều lúc các con cụ phải dỗ dành cụ mới làm theo. Các con nào ở gần thì cụ nhớ mặt, nhớ tên, còn những cô con gái ở xa lâu lâu mới về cụ không nhận ra, thậm chí còn không cho ngủ cùng. Cụ Nhị có một con trai là liệt sĩ, trước cụ rất nhớ con mình đã hy sinh vì dân vì nước, còn bây giờ đến ngày giỗ của chồng, của con cụ cũng không thể nhớ nổi. “Vì cụ đãng trí nên lúc nào cũng phải có người ở gần chăm sóc, cửa lúc nào cũng phải khóa để tránh cụ đi ra ngoài. Nhưng với gia đình, dù mẹ có lẫn thế nào thì chỉ cần còn nhìn thấy mẹ, còn được nghe tiếng nói của mẹ đã là hạnh phúc rồi”, ông Nguyễn Văn Lân, con trai của cụ vui vẻ nói.

Còn rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về những người già bị mắc BĐT. Có nhiều người già không tự ý thức việc vệ sinh, đi lung tung ra khắp nhà. Có người vẫn giữ thói quen ai cho gì cũng cất đi, nên nhiều khi mọi người cho thức ăn cũng cất vào tủ khóa lại cẩn thận. Đến khi người nhà phát hiện ra thì thức ăn đã bốc mùi hôi thối… Cũng có người không còn nhớ nổi mình là ai, đến từ đâu nên khi đi lạc không biết đường về, các con cháu lại được phen tá hỏa đi tìm…

Hiểu và sẻ chia

"Một già, một trẻ như nhau" - câu thành ngữ này đúng với nhiều trường hợp người cao tuổi bị mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Bởi từ cách chăm sóc đến cách trò chuyện với người già không đơn giản giữa những người trưởng thành với nhau, mà nhiều khi vừa phải nựng, phải dỗ dành như một đứa trẻ. Theo một bác sĩ Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh), BĐT hay quên là một căn bệnh phổ biến ở những người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến BĐT là do nhiều người mắc bệnh Alzheimer (mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ) hoặc do trầm cảm, dư chấn của lần bị tai biến ảnh hưởng tới não hoặc do di truyền. Sự lão hóa của hệ thần kinh cũng là nguyên nhân làm cho người cao tuổi dễ mắc BĐT.

Việc chăm sóc người mắc BĐT rất khó khăn, đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn từ phía người thân. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm giữa những người trong gia đình. Để chăm sóc người già mắc BĐT, mọi người trong gia đình cần hiểu và chia sẻ với người bị bệnh, không nên tạo thêm áp lực cho người bệnh. Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng người bệnh. Không nên để họ tự làm việc nhà, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Với những người mất trí nhớ, người nhà cần thường xuyên ở bên cạnh, không nên để họ tự ý đi ra ngoài tránh bị lạc đường. Người nhà cũng nên thường xuyên trò chuyện khơi gợi lại ký ức cho người cao tuổi để kích thích trí nhớ của họ...

Người già luôn cần có sự chăm sóc và tình cảm của con cháu. Với người đãng trí càng cần hơn sự quan tâm ân cần từ những người thân. Vì thế, ngoài thực hiện bổn phận con cháu nên dành nhiều thời gian cho các ông bà, cha mẹ bị mắc bệnh này. Để phòng tránh bệnh mất trí nhớ, người cao tuổi nên thường xuyên rèn luyện sức khỏe, rèn luyện trí não, lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái...

THANH HOA

(0) Bình luận
Nỗi niềm chăm sóc người già đãng trí