Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

20/06/2018 21:37

Khác với những năm trước, năm nay ngay từ đầu hè số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám và điều trị tăng đột biến.

Số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương tăng đột biến

Khác với năm trước, những ngày đầu hè năm nay dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã có những diễn biến khó lường và nguy cơ lan rộng.

Tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, trong nửa đầu tháng 6, lượng bệnh nhi đến nhập viện tăng cao, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm tăng đột biến. Điển hình như bệnh tay - chân - miệng có khoảng 40 ca, gần bằng tổng số trẻ mắc trong 5 tháng đầu năm nay. Bệnh viêm não, viêm màng não có 6 ca, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Một số bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, tiêu chảy, sốt phát ban cũng xuất hiện. 

Chị Vũ Thị Thường, mẹ cháu Nguyễn Duy Anh (2 tuổi), ở xã Văn Thai (Cẩm Giàng) cho biết: "Ban đầu cháu chỉ có mấy mụn nhỏ ở miệng nên gia đình tưởng cháu bị nhiệt nhưng sau 2 ngày thì cháu bị sốt. Khi vào viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc tay - chân - miệng và đã có hiện tượng liệt nửa chân trái".

Ông Vũ Đức Cung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: Khác với những năm trước, năm nay ngay từ đầu hè số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám và điều trị tăng đột biến. Hiện mỗi ngày bệnh viện đón tiếp trên 200 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 70 trẻ tình trạng diễn biến nặng phải vào viện điều trị. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho trên 340 bệnh nhi, tập trung đông ở các Khoa Truyền nhiễm, Tiêu hóa, Hô hấp.

Trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh tay - chân - miệng chiếm số lượng đông nhất. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 80 ca mắc và tập trung chủ yếu trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6. Thông thường mọi năm trẻ mắc tay - chân - miệng thường ở chủng virus Coxsackie nên độc lực yếu ít bị di chứng, song năm nay đã có trên 30 trường hợp mắc chủng virus EV71. Chủng virus này có độc tính mạnh, dễ gây biến chứng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương và để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Hầu hết bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương phần nhiều ở mức độ 2b có biểu hiện sốt cao, bị giật mình nhiều, cơ thể loạng choạng, chân tay run… Trong đó có 3 trẻ do gia đình đưa đến muộn đã bị biến chứng nặng và được chuyển lên tuyến trên để lọc máu, điều trị tích cực. 

Trước nguy cơ bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã bố trí phòng khám truyền nhiễm riêng tại khu khám bệnh để phát hiện sớm các ca bệnh. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi  Hải Dương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ khi có các biểu hiện như ngủ khoảng 15-20 phút lại tỉnh dậy quấy khóc, sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt. Trẻ giật mình và tần suất tăng dần, đó là các dấu hiệu đã bị nhiễm độc thần kinh. Thực tế trẻ mắc tay - chân - miệng thường tự khỏi sau 5 - 7 ngày khi trẻ được chăm sóc đúng cách. Thạc sĩ Nhàn khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước mát, thức ăn dễ tiêu. Vệ sinh miệng thường xuyên cho trẻ bằng thuốc sát khuẩn. Tại các vị trí tổn thương da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm…

THÀNH HÀ 

(0) Bình luận
Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm