Nghĩa đồng bào thời dịch

25/04/2021 16:31

Hải Dương vừa trải qua những tháng ngày cam go chống Covid-19. Trong nguy khó, nhiều nghĩa cử cao đẹp đùm bọc lẫn nhau được nhân lên.


Đoàn viên thanh niên thu hoạch nông sản giúp bà con nông dân

Những câu chuyện thấm đẫm tình người, nặng nghĩa đồng bào là minh chứng sống động về truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

"Thương người như thể thương thân"

Hơn 2 tháng trước, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) là nơi tình hình dịch bệnh phức tạp. Chị Ninh Thị Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Trường kể thời điểm đó xã nhận được rất nhiều ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Có những người sẵn sàng nhận chở các mặt hàng, đồ tiếp tế cho các chốt kiểm dịch ở xã. Có những người không dư dả về điều kiện kinh tế, thậm chí còn nợ nần do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lại sẵn lòng ủng hộ hàng nghìn suất ăn. Thậm chí có gia đình thịt lợn rồi phát miễn phí cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chủ phòng trọ miễn, giảm giá phòng trọ để san sẻ phần nào khó khăn với công nhân, người lao động.

Khi cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, anh Bùi Xuân Hoàn ở xã Tân Trường lại tất bật với công việc thường ngày là chụp ảnh cưới. Ít ai biết trong lúc dịch bệnh nguy nan, anh Hoàn lái xe chở những trường hợp cấp cứu đến bệnh viện miễn phí. Xuất phát từ câu chuyện của một người hàng xóm bị huyết áp cao nhưng không thể gọi xe để đến bệnh viện, anh Hoàn đã nhận chở họ, rồi sau đó anh nảy ra ý tưởng sẽ có nhiều hơn chuyến xe miễn phí đưa người đi cấp cứu trong thời điểm dịch bệnh. Anh Hoàn đã chia sẻ thông tin này lên nhóm Facebook Người Cẩm Giàng và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Từ khi bắt đầu công việc ấy đến lúc tình hình dịch bệnh được kiểm soát, anh Hoàn đã chở hơn 40 người tới bệnh viện điều trị. Có trường hợp là sản phụ đi sinh, em nhỏ bị bỏng nặng do nước sôi, người tăng huyết áp đột ngột, bệnh nhân ung thư... Mỗi khi nhận được điện thoại, anh Hoàn lại nhanh chóng lên đường không kể đêm hôm. Anh còn nhận chở hàng tiếp tế từ UBND xã đến các chốt trực kiểm dịch; chuyển lương thực, thực phẩm cho những hộ dân cần hỗ trợ. Khi được hỏi điều gì thôi thúc anh làm công việc thiện nguyện, anh cười bảo: "Khi đưa người bệnh đi cấp cứu tôi cũng coi họ như người thân của mình. Họ được điều trị bệnh kịp thời, sinh nở mẹ tròn con vuông là tôi cảm thấy rất hạnh phúc".

Thời điểm Hải Dương căng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19 là những tháng ngày không thể nào quên với ông Lê Truyền, Trưởng Ban Liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tại Hà Nội. Lúc đó, ông thường xuyên gọi điện, hỏi thăm tình hình của những người thân ở quê nhà -xã Yết Kiêu (Gia Lộc). Mỗi ngày, nghe tin tức cập nhật có thêm những ca bệnh, tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp, lòng ông như lửa đốt. Ông cùng Ban liên lạc đã kêu gọi các hội viên Hội Đồng hương Hải Dương tại Hà Nội ủng hộ công tác phòng chống dịch ở quê hương bằng những việc làm thiết thực. Hội đã ủng hộ 100 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh. Ngoài ra, Ban Liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương tại Hà Nội cũng ủng hộ 20 triệu đồng. Hội còn kêu gọi những người con Hải Dương ở nhiều địa phương khác tích cực hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. 

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Trong lúc khó khăn bởi đại dịch lại càng thấy tình nghĩa đồng bào, tình người thấm đẫm. Những người dân chờ đợi nông sản Hải Dương ở những điểm "giải cứu" trở thành hình ảnh xúc động về tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Họ mua nông sản nhiều hơn so với nhu cầu của gia đình để rồi tặng lại những chiếc cải bắp, củ su hào, quả cà chua, quả ổi cho bà con cùng khu, cùng tổ dân phố.

Tại các khu dân cư, thôn xóm, không khó để bắt gặp hình ảnh những cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân cấy lúa chiêm xuân, thu hoạch hoa màu đêm hôm. Thời điểm dịch bệnh phức tạp, trụ sở Hội Phụ nữ tỉnh trở thành nơi tập kết hàng hóa. Những chuyến hàng thiết yếu cứ đổ về rồi lại được chuyển đi các khu vực cách ly, phong tỏa. Hơn 20 cán bộ của Hội Phụ nữ tỉnh sẵn sàng bốc dỡ hàng hóa. Chị Nguyễn Vũ Xuân Thi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: "Bây giờ nhìn lại chúng tôi cũng không nghĩ mình có thể tham gia bốc dỡ nhiều hàng hóa đến thế. Lúc ấy chúng tôi chỉ nghĩ mỗi người cố gắng một chút là những món đồ thiết yếu có thể đến được nhanh hơn với những người đang rất cần ở các khu cách ly, phong tỏa".

Cuộc chiến chống Covid-19 của tỉnh, của đất nước sẽ còn dài nhưng những hình ảnh đẹp, ấm áp tình người trong bối cảnh dịch bệnh như tiếp thêm động lực, tinh thần lạc quan và góp phần làm nên chiến thắng.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa đồng bào thời dịch