Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở

01/07/2019 09:13

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đời sống văn hóa cơ sở đã ngày một nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014  của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"

Thêm nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở

Theo tờ trình về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014  của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" do đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức quán triệt, triển khai và ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá Nghị quyết 33 thành các chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp.

Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tiến hành 250 cuộc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, phát hiện thu giữ nhiều đĩa hình, ấn phẩm tài liệu phát hành trái phép, yêu cầu tháo dỡ các băng rôn và biển hiệu không đúng quy định.  

Việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng con người mới trong công cuộc đổi mới đất nước.

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động phong trào trong toàn tỉnh như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, việc thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến sâu sắc, rõ nét, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã có sự thay đổi cơ bản về số lượng, quy mô và chất lượng. Nhiều công trình, thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, khu dân cư đã phát huy tốt công năng sử dụng, góp phần tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở...

Chậm đổi mới công tác quản lý văn hóa

Tờ trình nêu rõ các hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 33. Đáng chú ý là việc xây dựng kế hoạch hành động có nơi còn chưa cụ thể, chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn chậm đổi mới ở một số lĩnh vực. Một số cán bộ văn hóa (nhất là ở cơ sở) còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số công trình thờ tự xây dựng trái phép và hoạt động tín ngưỡng, tâm linh không đúng quy định của pháp luật; hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội ở một số địa phương chưa được ngăn chặn kịp thời; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội một số nơi còn có mặt hạn chế.

Tỉnh chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá; các tác phẩm văn học nghệ thuật chưa phản ánh sâu sắc các vấn đề bức xúc xã hội quan tâm; chưa phát huy hết vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là ca trù, hát chèo, hát trống quân....

  Việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời ở một số địa phương còn hạn chế so với yêu cầu. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân của một bộ phận người dân, học sinh, sinh viên... chậm được khắc phục.

 Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn hạn chế. Phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa ở một số địa phương tuy phát triển nhưng chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức. Hình thức, nội dung sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao và vui chơi giải trí ở một số cộng đồng dân cư còn nghèo nàn.

Chất lượng một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, lẻ; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề.


Quang cảnh Hội nghị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33. Trong đó, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ.

Rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường quản lý nhà nước về văn hoá, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng thương mại hóa hoạt động văn hóa. Kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để du nhập các sản phẩm, loại hình văn hóa thiếu lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, các thông tin xấu, độc ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Tiếp tục triển khai thực hiện, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, thực chất.

Quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các di sản văn hóa phi vật thể (ca trù, hát chèo...).

TM - TC

(0) Bình luận
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở