Một số bộ phận tham mưu, giúp việc chưa thật sự vì mục tiêu phục vụ

12/12/2018 13:40

Chiều 12.12, các đại biểu HĐND tỉnh nghe báo cáo giám sát chuyên đề cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2018.

Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo giám sát chuyên đề

Nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư

Báo cáo cho đồng chí Phạm Quang Hưng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày nêu rõ: Trong những năm qua các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh được công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhiều thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến quá trình đầu tư kinh doanh đã được rà soát, cắt giảm. Việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” ở một số lĩnh vực được thực hiện tương đối tốt. Công tác xúc tiến đầu tư đã được quan tâm, xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh...

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, luân chuyển hồ sơ giải quyết các thủ tục đất đai, thuế, tài nguyên. Ngành thuế đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung, làm thêm giờ để lắng nghe và giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC được thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, thẩm định đầu tư, thuế, hải quan...

Để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ban hành đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Thành lập Tổ công tác PCI do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu. Các sở, ngành, UBND cấp huyện hàng năm đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao và quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó đã tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC; rà soát công bố công khai các TTHC. Thực thi các cơ chế, chính sách liên quan tới hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Chỉ số PCI liên tục giảm

Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là, giai đoạn 2015-2017, chỉ số PCI của tỉnh chậm được cải thiện và tụt hạng liên tục trong 3 năm, giảm 18 bậc (năm 2015 xếp thứ 34, giảm 3 bậc so với năm 2014; năm 2016 xếp thứ 36, giảm 2 bậc so với năm 2015, năm 2017 xếp thứ 49, giảm 13 bậc so với năm 2016). Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin là chỉ số thành phần có trọng số cao 20% trong bộ chỉ số PCI bị giảm điểm trong 3 năm liên tiếp. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng cũng liên tục giảm. Môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh đạt mức trung bình khá, chưa thực sự có những bước đột phá so với các tỉnh, thành khác trong vùng và trong cả nước.

Môi trường kinh doanh chưa được cải thiện rõ nét và chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, phần lớn các chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn ở mức trung bình, tập trung ở một số lĩnh vực như: việc thực hiện các TTHC trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, thuế, phòng chống cháy nổ, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý môi trường… Kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tại một sở, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số bộ phận tham mưu, giúp việc giải quyết trực tiếp các vấn đề của doanh nghiệp còn cứng nhắc, rập khuôn, chưa thực sự vì mục tiêu phục vụ, hướng dẫn các doanh nghiệp. 

Cải cách hành chính, nhất là TTHC ở một số ngành, lĩnh vực chuyển biến chậm. Vẫn còn có đơn vị giải quyết TTHC không theo cơ chế "một cửa". TTHC trong một số lĩnh vực còn rườm rà, khó thực hiện, như giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Việc triển khai chính quyền điện tử còn chậm. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC qua bưu chính công ích đạt thấp.

Số cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp còn nhiều, vẫn còn tình trạng chồng chéo gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thái độ, tác phong của công chức khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra có lúc, có nơi còn chưa đúng chuẩn mực.

Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên là do một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. TTHC một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực còn diễn ra, gây bức xúc cho người dân và tổ chức.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại một số cơ quan đơn vị; cập nhật thông tin trên trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần còn hạn chế, vận hành không thông suốt, không khai thác được và hoạt động hiệu quả không cao. Hệ thống một cửa điện tử chưa thống nhất trong toàn tỉnh, chưa liên thông được cơ sở dữ liệu. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc chưa đáp ứng được yêu cầu gửi và xử lý liên thông giữa các đơn vị, chưa tích hợp chữ ký số; chưa tích hợp được với hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến để chuyển và xử lý liên thông hồ sơ.

Việc thực thi chính sách luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước còn chậm. Một số cán bộ công chức thực hiện giải quyết công việc cho các doanh nghiệp năng lực chuyên môn còn yếu, ý thức trách nhiệm và hiệu quả công việc chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt trong cải cách TTHC, loại bỏ các thủ tục không phù hợp. Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục của doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC. Rút ngắn ít nhất 50% thời gian giải quyết các TTHC trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, điện, phòng chống cháy nổ, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội...
Các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định, kế hoạch. Chấm dứt tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc chính sách chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định; đặc biệt là các vị trí thực hiện giải quyết các công việc với doanh nghiệp.

ST - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số bộ phận tham mưu, giúp việc chưa thật sự vì mục tiêu phục vụ