Món quà ý nghĩa

21/06/2020 20:09

Nhiều bài viết đăng trên báo Hải Dương thời gian qua đã trở thành món quà ý nghĩa với nhân vật và độc giả. Nó chứa đựng giá trị cho cả thế hệ sau.

Vợ chồng ông Chín và bài viết đăng trên báo Hải Dương đã được ông đóng khung cẩn thận

Trân trọng

Những tác phẩm báo chí thường đầy ắp thông tin, mang đậm hơi thở của cuộc sống thường ngày. Nhiều bài viết đi sâu vào những miền ký ức của con người, phản ánh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đối với nhiều người, bài báo đã trở thành món quà ý nghĩa, đáng trân trọng.

Số báo đặc biệt kỷ niệm 43 năm Chiến thắng 30.4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động 1.5.2018 của báo Hải Dương đã đăng bài "Can trường qua những ca mổ sống". Bài viết có phần nói về những tháng ngày ông Nguyễn Chuyên Chín ở phường An Phụ (Kinh Môn) vật lộn giữa lằn ranh sống chết, trải qua cơn phẫu thuật không có thuốc gây tê tại chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau cuộc chiến, ông là thương binh hạng 1/4. Bài viết kể lại ký ức của ông Chín về những tháng ngày gian khổ nhưng đầy tự hào. Bởi vậy, ông rất trân trọng. Ông đã cắt bài báo, đóng khung và treo trang trọng trong phòng khách của gia đình mình.

Phòng khách của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng treo trang trọng bài viết đăng trên báo Hải Dương số kỷ niệm 93năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018) với tiêu đề "Người có nhiều bức ảnh quý về Bác Hồ". Chắc hẳn nhiều người con xứ Đông không xa lạ với bức ảnh Bác Hồ đạp guồng nước ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) hay bức ảnh Bác viết dòng chữ "Phải cố gắng tiến bộ" lên chiếc lọ hoa tại Nhà máy Sứ Hải Dương... Những tấm ảnh ấy là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật  của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê. Bài báo đã nói lên những điều ấy và cả chặng đường ông đam mê với nhiếp ảnh sau này. Với ông, nó thực sự là món quà quý.

Báo Hải Dương hằng tháng tháng 6.2015 đăng bài "Hương vị Nam Bộ trong lòng xứ Đông". 5 năm đã qua nhưng bài báo vẫn là một sản phẩm tinh thần được chị Nguyễn Ngọc Huyền quê gốc ở TP Cần Thơ, chủ quán ăn bánh xèo Nam Bộ tại phố Tuy An (TP Hải Dương) trân trọng. Những ai đến quán của chị Huyền đều sẽ ấn tượng với bài báo được phóng to cỡ 2x1,5m, gắn trên tường. "Bài báo đã nói hộ những nét tinh túy trong món ăn dân dã của người dân Nam Bộ quê tôi. Những câu chữ càng làm tôi thêm yêu quê nhà và dành hết tâm huyết làm ra những chiếc bánh ngon phục vụ khách hàng trên mảnh đất xứ Đông này", chị Huyền chia sẻ. 

Giá trị đến mai sau

Những bài báo được trân trọng ấy có giá trị với cả thế hệ sau. Giờ đây, ông Chín đã 75 tuổi, sức khỏe giảm sút đi nhiều do di chứng của những vết thương từ chiến tranh. Những ngày này, thời tiết nóng nực càng khiến vết thương trên đỉnh đầu ông đau buốt hơn. Những kỷ niệm ông kể trong bài báo "Can trường qua những ca mổ sống" giống như lời nhắc nhở của ông với các con cháu mình về truyền thống gia đình, về tình yêu Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Thậm, vợ ông Chín bảo những chuyện này bình thường ông chỉ kể với bà. Các con cháu còn bận lo toan cuộc sống, học hành nên không mấy khi có thời gian nghe ông chia sẻ. Khi bài báo đăng, con gái ông bà đã mang về đọc, hiểu thêm những năm tháng cha vào sinh ra tử ở chiến trường. Đó là những điều quý giá ông để lại cho các thế hệ sau trong gia đình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê năm nay 89 tuổi. Ông bảo tuổi của ông đã "như chuối chín cây". Tài sản ông để lại cho con cháu chính là sự mẫu mực trong cuộc sống. Bài báo "Người có nhiều bức ảnh quý về Bác Hồ" cũng là kỷ vật khắc thêm sự mẫu mực trong hoạt động nghệ thuật của ông. Anh Nguyễn Đình Khoa, con trai ông Khuê cho biết cha anh rất trân trọng bài báo nên treo cùng nhiều tấm ảnh làm nên tên tuổi của mình. Các con cháu trong gia đình qua đó cũng hiểu thêm về tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông, thêm kính trọng ông, học ông để rèn luyện những đức tính tốt trong cuộc sống.

Ông Phạm Văn Ảnh ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cũng là một bạn đọc dành nhiều tình cảm cho báo Hải Dương. Trong nhà ông luôn cất giữ nhiều bài viết trên báo nói về các phong trào thi đua sản xuất ở địa phương, những tấm gương cựu chiến binh mẫu mực trong chiến đấu và xây dựng quê hương. Ông Ảnh cho biết ông là cán bộ cựu chiến binh của xã, vì thế những bài báo ông cất giữ không chỉ có ý nghĩa với ông mà cả thế hệ trẻ. Những bài báo ấy trở thành tư liệu để ông tuyên truyền tại những buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục truyền thống trong trường học ở địa phương.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món quà ý nghĩa