Mạo danh từ thiện trên mạng để trục lợi

24/11/2019 17:17

Lợi dụng lòng hảo tâm của cộng đồng, nhiều đối tượng mạo danh từ thiện, kêu gọi đóng góp tiền để hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn... nhưng sau đó ôm tiền bỏ trốn.


Một số nội dung, hình ảnh đăng tải kêu gọi quyên góp trên mạng được Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận là mạo danh trục lợi

Những hình ảnh băng bó kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý của bệnh nhân B.H.M. (26 tuổi, quê Đồng Nai) đang điều trị phỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) bất ngờ được một người "không quen biết" tung lên mạng. "Gia đình em ấy rất nghèo, vợ làm công nhân, có hai con còn rất nhỏ. Tai nạn ập đến làm gia đình em khánh kiệt, giờ còn phải đối mặt với viễn cảnh phải chết do hết tiền điều trị" - trang Facebook này viết.

"Vẽ chuyện" kiếm tiền

Để tăng tính thuyết phục, trang Facebook này còn "vẽ" thêm để câu chuyện trở nên thương tâm hơn rằng bệnh nhân vừa trải qua hai lần phẫu thuật cấy da nhưng thất bại, tổng kinh phí phẫu thuật hơn 300 triệu đồng. Và tất cả những gì có thể bán để chữa trị đều đã bán, gia đình còn phải đi vay nợ khắp nơi trong khi chi phí điều trị đội lên rất nhiều!

Chỉ sau vài giờ đăng tải, trang Facebook của đối tượng này có gần 1.900 lượt người bày tỏ cảm xúc "đau buồn", có nhiều người tỏ vẻ sốt sắng sẵn sàng "bắn tiền" vào tài khoản ngay để giúp người bệnh. Thế nhưng, khó có ai ngờ rằng phía sau câu chuyện thảm thương ấy là một "vở kịch" mà đối tượng lừa đảo là "đạo diễn".

Một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định bệnh nhân M. không phải "nằm chờ chết" như lời "thỉnh cầu" trên mạng. Một người nhà của bệnh nhân M. cũng xác nhận trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc ghép da sau khi bị phỏng, anh M. đã có thể ngồi, ăn uống được bình thường.

Riêng khoản chi phí điều trị gần 442 triệu đồng, bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi trả gần 320 triệu đồng. "Số tài khoản đăng trên mạng không phải của gia đình và đến nay chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc kêu gọi hỗ trợ này", một người nhà của anh M. cho biết.

Cách đây ít ngày, một trang Facebook đưa tin về một bé trai tên L.Đ.B. (4 tuổi) bị phỏng nặng đang nằm cấp cứu tại khoa ngoại của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trang này "sáng tác" một câu chuyện ly kỳ không kém, đó là khi cậu bé vừa tròn 1 tuổi, mẹ cậu bé đã qua đời vì bệnh ung thư vú, bỏ lại người chồng một mình "gà trống nuôi con".

"Bi kịch" chưa dừng lại. Vào năm 2017, cha cậu bé bị té giàn giáo nằm liệt giường đến nay với khoản nợ lên tới hơn 100 triệu đồng. "Hãy mở rộng lòng nhân ái, bớt ly cà phê gói thuốc giúp đỡ con nhé mọi người, giúp đời một đời sẽ giúp lại ta gấp 10" - trang này viết và đăng kèm số tài khoản để "cô bác" gửi tiền.

Tuy nhiên, phía Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong bài viết trên trang Facebook này, đó là bệnh viện không có khoa ngoại. Khoa phỏng - tạo hình cũng không có tiếp nhận trường hợp nào có tên như trên. Và đặc biệt, trường hợp bệnh nhi 4 tuổi không điều trị ở bệnh viện.

"Cô bác đừng chuyển tiền. Nếu chuyển tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn, cô bác vui lòng gọi phòng công tác xã hội của bệnh viện để kiểm tra, tránh bị lừa đảo" - ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội (CTXH) của bệnh viện này, cảnh báo.

Chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với quỹ từ thiện Hằng Hữu tổ chức cũng vừa bị các đối tượng lập trang Facebook mạo danh chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP Hồ Chí Minh) để lừa đảo. Với gần 12.000 người theo dõi, chỉ sau ít ngày đăng thông tin kèm số tài khoản, có đến 1.500 người "thả" trạng thái cảm xúc, 263 bình luận và 48.000 lượt chia sẻ.

Lợi dụng bệnh nhân ung thư để lừa đảo

Không chỉ "vẽ chuyện kiếm tiền", các đối tượng lừa đảo còn dùng thủ đoạn giả làm nhà hảo tâm, hoặc mạo danh nhân viên của Phòng CTXH để lừa đảo. Theo ông Lê Minh Hiển, đã từng có một nhà hảo tâm khi biết hoàn cảnh éo le của một bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa hồi sức cấp cứu đến tặng 30 triệu đồng. Ngay sau đó, một đối tượng giả nhân viên của phòng CTXH yêu cầu bệnh nhân đưa số tiền vừa nhận để đóng viện phí rồi biến mất.

"Có cả chiêu thức sử dụng lại các bài báo uy tín viết về các hoàn cảnh khó khăn để đăng lên mạng kêu gọi ủng hộ vào số tài khoản cá nhân để trục lợi", ông Lê Minh Hiển chia sẻ và khuyến cáo người bệnh không nên đưa bất cứ giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc nộp tiền... cho người khác.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng phát hiện một trang fanpage giả mạo cả phòng CTXH thường xuyên đăng hình ảnh về các em bé bị bệnh não úng thủy, nhiễm trùng não, xương thủy tinh... Đặc biệt có một trường hợp kêu gọi ủng hộ cho một bé để qua Singapore điều trị. Phía sau các câu chuyện và hình ảnh xót thương ấy, các đối tượng này không quyên "đính kèm" nhiều số tài khoản ngân hàng khác nhau ở TP Hồ Chí Minh để nhận tiền ủng hộ.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo Phòng CTXH, có xuất hiện nhiều nhóm vào bệnh viện để quay phim, chụp hình thông tin bệnh nhân "tung" lên mạng kêu gọi ủng hộ. Thậm chí có trường hợp bệnh nhi xuất viện từ lâu nhưng các đối tượng vẫn lấy thông tin, ghi tài khoản để nhận tiền.

Ung thư là bệnh hiểm nghèo khó điều trị, chi phí điều trị bệnh rất tốn kém. Đó là lý do bệnh nhân ung thư được rất nhiều cá nhân, đoàn từ thiện chia sẻ thông tin trên mạng nhằm vận động, ủng hộ một cách thực sự.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Anh Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, từng xảy ra việc một số cá nhân cố tình tiếp cận, lợi dụng người có bệnh lý hiểm nghèo hoặc gia cảnh khó khăn để chụp hình, viết tin đăng trên các trang cá nhân kêu gọi quyên góp qua tài khoản. Do đó, theo bác sĩ Tuấn, các nhà hảo tâm muốn ủng hộ bệnh nhân nên đến liên hệ Phòng CTXH để được xác minh, thông tin một cách chính xác nhất cho từng trường hợp.

"Khi các nhà hảo tâm đến làm việc, Phòng CTXH sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về hoàn cảnh, bệnh lý, chế độ BHYT bệnh nhân được hưởng. Ngoài ra có các đánh giá về nhu cầu chi phí điều trị để nhà hảo tâm cân nhắc có phương án hỗ trợ hợp lý", bác sĩ Tuấn nói.

​* PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh):

Nên hướng đến tổ chức xã hội có uy tín

Người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân TP Hồ Chí Minh, luôn có tấm lòng bao dung, sẵn sàng sẻ chia cho người khó khăn. Phải khẳng định rằng đây là một việc làm rất nhân văn, đáng hoan nghênh nhưng cũng vô tình trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng xấu trục lợi, nếu người phát tâm không tỉnh táo.

Có nhiều đối tượng sống bằng "nghề lừa đảo", có người còn giả làm thương binh, tàn tật, bệnh nan y... để lừa gạt. Chính vì lẽ đó mà nhiều người mất niềm tin, có tâm lý ngại ngùng và không dám làm từ thiện. Để tránh bị lừa đảo, nhiều tổ chức và cá nhân tự bỏ thời gian đi xác minh tìm hiểu và đến trực tiếp gặp "người thật việc thật" để giúp đỡ. Theo tôi, đây đang là một khuynh hướng mới trong cộng đồng và có ý nghĩa khá tích cực.

Ngoài ra, nếu muốn ủng hộ, người dân nên hướng đến các tổ chức xã hội của Nhà nước có uy tín, có người chịu trách nhiệm có thể kiểm soát được đồng tiền hoặc quà tặng. Tránh việc quá tin vào các cuộc điện thoại kêu gọi, các thông tin đăng trên mạng từ các đối tượng mình không biết rõ họ là ai để quyên góp, ủng hộ. Có như thế vấn nạn lợi dụng lòng tốt để lừa đảo mới có thể hết đất sống.

* Nghệ sĩ Quyền Linh:

Tìm hiểu kỹ để không bị lợi dụng

Mạo danh các bệnh viện để lừa đảo trên nỗi đau của người bệnh là hành động mất đạo đức. Tôi mong người đã, đang và còn tiếp tục hành vi sai trái này hãy thức tỉnh và dừng lại. Bởi nếu tình trạng này tiếp diễn, dần dần các nhà hảo tâm cũng sẽ mất niềm tin.

Mười mấy năm nay tôi gắn bó với các chương trình xã hội, mỗi khi thấy hoàn cảnh khó khăn cần giúp, tôi đều kêu gọi, vận động đóng góp của cộng đồng để xây nhà, mổ tim... Với sự kết hợp hỗ trợ của cộng đồng, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, nhiều người được mổ tim.

Dù tự nguyện, nhưng quan điểm của tôi là việc kêu gọi, ủng hộ bắt buộc phải rất rõ ràng bằng giấy tờ, văn bản. Khi kết hợp với nhà hảo tâm nào, tôi chỉ là người kết nối, chính nhà hảo tâm phải là người trực tiếp trao món quà. Nếu không, tôi sẽ quay phim, chụp hình lưu lại để nhà hảo tâm thấy rằng số tiền và niềm tin ấy được trao đúng người.

Tôi có niềm tin rằng ai cũng có tấm lòng từ bi cả. Nhưng tôi chỉ muốn gửi gắm một điều rằng trước khi trao gửi niềm tin, mỗi bản thân phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Đừng quá nóng vội xót thương trước một bức ảnh, câu chuyện và gửi tiền bởi có thể niềm tin của mình bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

* Chuyên gia tâm lý Trang Nhung (Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh):

Không phải mọi thông tin, hình ảnh đều thật

Hiện tượng trục lợi từ thiện ngày càng trở nên phổ biến bởi lượng tiền đổ về là không ít dù mỗi người ủng hộ có thể chỉ chuyển khoản một chút, nhưng nhiều người sẽ là một con số lớn. Nếu không bị phát giác, những đối tượng này còn nhận được sự biết ơn, ghi nhận, khen ngợi của nhiều người.

Trong khi những người đứng ra kêu gọi và quản lý một cách chân chính chịu rất nhiều áp lực, thị phi và sự dò xét..., những kẻ trục lợi lại rất "vô tư" vì mục đích sử dụng đồng tiền này khác hẳn.

Để tránh bị sập bẫy, người dùng nên có xác minh thông tin cả người kêu gọi lẫn nhân vật cần được giúp đỡ. Phải hiểu rằng không phải mọi thông tin đều cung cấp sự thật, không phải mọi hình ảnh đều là sự thật, không phải tất cả các bài kêu gọi giúp đỡ đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân vật...

Phải hình thành thói quen thẩm định thông tin trước khi hành động để lòng tốt không bị sai chỗ, bản thân không bị mất niềm tin vào việc làm tốt. Đừng ngần ngại gõ tên nhân vật chính cần giúp đỡ vào các công cụ tìm kiếm để có thêm dữ liệu về nhân vật đó.

Đừng ngại đọc hết các bình luận phía dưới bởi sẽ có những bình luận của người thân nhân vật giúp chứng thực thông tin. Đừng ngần ngại gọi đến số điện thoại liên hệ phía sau mỗi bài kêu gọi hoặc hãy thu xếp thời gian đến tận nơi (nhà ở, bệnh viện) để chứng thực, trao quà và động viên. Đó chính là làm từ thiện trọn vẹn.

* Ông Ngô Trần Vũ (Giám đốc Công ty NTS):

Đừng sập bẫy kẻ xấu

Ngày càng nhiều người lên Facebook kêu gọi cộng đồng ủng hộ các chương trình từ thiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, một người dùng Facebook xúc động khi nhìn thấy tin kêu gọi giúp đỡ, lập tức chia sẻ mà không cần kiểm chứng. Bạn bè người đó thấy tin kêu gọi từ thiện, tưởng rằng bạn mình đã kiểm chứng nên lập tức chuyển tiền quyên góp cho luôn. Kết quả là nhiều người dùng đã vô tình tiếp tay và sập bẫy của những kẻ xấu lập ra chuyện kêu gọi từ thiện để trục lợi.

Để tìm ra mánh khóe lừa đảo của kẻ xấu núp bóng từ thiện cũng không phải là khó khăn. Người dùng có thể liên hệ với bên quyên góp để yêu cầu xác minh về thông tin người cần giúp, những yêu cầu phức tạp có thể làm cho kẻ xấu lúng túng. Bạn cũng có thể quyên góp cho bệnh nhân bằng cách đóng tiền chuyển khoản vào cho bệnh viện, trường học để giúp thay vì chuyển tiền vào một tài khoản không xác định.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Mạo danh từ thiện trên mạng để trục lợi