Lính cứu hỏa - Những người giành giật sự sống trong khói lửa

04/10/2021 13:54

Đầu năm 2021, hình ảnh một người lính cứu hỏa bọc em bé trong chiếc áo bảo hộ lao ra từ đám cháy ở Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm xôn xao cộng đồng mạng.


Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Hà Nội triển khai dập lửa. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Có lẽ, chỉ ít giây nếu không có hành động ấy, cháu bé đã mãi ra đi vì khí độc và nhiệt độ…

Đó chỉ là khoảnh khắc người dân bất ngờ ghi lại được trong vô số hành động dũng cảm của những người nguyện đem cả đời đối mặt với khói, lửa, cứu người trên khắp dải đất hình chữ S.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của lính cứu hỏa

Trong căn phòng nhỏ với những vật dụng của lính cứu hỏa được để ngăn nắp trên hộc tủ, Thiếu tá Đoàn Việt Bắc, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) – một trong hai nhân vật chính trong tấm ảnh dành thời gian nói nhiều về đồng đội cũng như công việc của mình. Khi nhắc tới tấm ảnh người dân chụp lại ở Phú Đô hồi đầu năm 2021, đôi mắt anh rực sáng: “Cho đến thời điểm này, tôi vẫn không quên âm thanh kêu cứu, tiếng lửa cháy và đặc biệt là tiếng em bé khóc trong lúc thập tử nhất sinh. Tiếng khóc ấy khiến tôi vô cùng hạnh phúc, bởi tôi chỉ sợ cháu ở trong trạng thái ngủ…”

Đưa mắt ra ngoài cửa sổ, nơi các chiến sỹ vẫn đang huấn luyện thể lực dưới tiết thu vàng của Hà Nội, Bắc kể rằng sau khi tốt nghiệp Đại học Phòng cháy chữa cháy, anh về Đội Phòng cháy chữa cháy Từ Liêm năm 2007.

“Trận chiến” đầu tiên của Bắc là phụ trách một tiểu đội tham gia chữa cháy ở xưởng gỗ tại Lạc Long Quân. Khói lửa mịt mùng, Bắc yêu cầu anh em phun nước chữa cháy nhưng có cảm giác như nước phun vào đám cháy lại dội ra. Khi đó, Bắc hỏi một công nhân và biết hướng phun nước của đồng đội có một nồi hơi. Bắc giật mình, bởi lẽ nếu lửa không giảm, áp lực lớn sẽ khiến nồi phát nổ và không biết thiệt hại sẽ thế nào. Lập tức, Bắc yêu cầu anh em phun nước “mở đường máu,” đưa mình và người công nhân (đã được trang bị bảo hộ) cùng tiếp cận nồi hơi, xả áp…

Thiếu tá Đoàn Việt Bắc và cháu bé được anh cứu trong vụ cháy ở Phú Đô do người dân ghi lại. Ảnh: NVCC

Kể về đám cháy xảy ở Phú Đô, Bắc bảo rằng anh nhận tin báo vào khoảng 5 giờ 46. Ở cái thời điểm mà người người đang co ro trong chăn ấm thì chưa đến 90 giây sau khi nhận được tin báo, còi hú vang, những người lính cứu hỏa đã trên xe để tới hiện trường. Trên đường đi, Đội trưởng Đoàn Việt Bắc nhanh chóng hỏi han vụ việc, hướng dẫn người bị nạn tìm cách hạn chế tiếp xúc khói độc, gọi chi viện, sắp xếp đội hình, vạch phương án tác chiến…

Sau 5 phút, họ đã có mặt trước ngôi nhà 5 tầng ngùn ngụt lửa khói. Lập tức hai mũi tấn công vào vị trí: Một đội dùng dụng cụ phá cửa cuốn, dùng lăng phun nước dập lửa; một đội theo Bắc tiếp cận từ phía sau để cứu người.

Trong không gian ngột ngạt, đặc quánh bởi khói lửa, Bắc cùng một nhóm anh em lần theo lối cầu thang tìm người bị nạn. Cầu thang là nơi khói độc lan truyền, tay vịn thì biến dạng vì cháy cộng với nước khiến các bậc đá trơn trượt, chỉ một chút xẩy chân, họ có thể bị ngã xuống dưới, thậm chí, dưới tác động của lửa, những mảng tường có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào nhưng họ vẫn không lùi bước. Mất vài giây định thần, nhóm cứu hộ lập tức lao vào những nơi phát ra tiếng kêu cứu.

Lên đến tầng bốn, Bắc thấy người bố bế theo một đứa trẻ bị ngã ở chiếu nghỉ cầu thang, cả hai bố con đều đã ít nhiều bị ngạt khói và hoảng loạn. “Lo sợ lớn nhất lúc ấy của tôi là cháu bé ở trong trạng thái quá yếu. Tôi cởi cúc áo bảo hộ bọc cháu vào sát người rồi một tay giữ cháu, một tay kẹp dìu người bố để đưa ra ngoài. Trong lúc đó, anh em cũng đã lần lượt cứu những người còn lại, đặc biệt trong đó có 1 cháu bé mới 6 tháng tuổi,” Thiếu tá Bắc kể, hai tay khuỳnh lên mô tả lại khoảnh khắc cứu sống hai mạng người. Vừa đi, anh vừa hò hét để cháu không rơi vào trạng thái ngủ…

Nhiều người lính cứu hỏa bảo rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của họ chính là nhận tin báo lúc nửa đêm. Bởi lẽ, thời điểm ấy mọi người đang ở trạng thái tĩnh (ngủ say), nếu nhà bị cháy, hít phải khói độc chỉ 30 giây là nạn nhân có thể rơi vào mê man, dễ nguy hiểm tính mạng. Đời làm lính, họ không sợ hiểm nguy, chỉ sợ đến nơi mọi thứ đã quá muộn, hiện trường không còn sự sống…

“Tìm cái còn trong cái mất”

Dấn thân vào nghiệp dập lửa cứu người, những người cầm lăng phun nước chỉ mong còi báo cháy không hú vang, bởi lẽ, chẳng có chiến thắng nào mà không mất mát: Ít nhất thì là của cải, nặng nữa thì là sinh mạng.

Đơn cử như vụ cháy ở Phú Đô, dù lực lượng đã đưa được cả 7 nạn nhân ra ngoài, nhưng một trong số đó đã ra đi. Hay ở đám cháy trên phố Đại Linh (phường Trung Văn) vào tháng 2.2021. 3 giờ sáng nghe tin báo cháy, Thiếu tá Đoàn Việt Bắc lập tức cùng anh em lên đường và xin chi viện từ các đội phòng cháy chữa cháy bạn. Đến nơi, anh lập tức cùng đồng đội lao lên cứu người. Trong làn khói đặc, Bắc vấp phải vật lạ. Anh quờ tay lại kiểm tra thì phát hiện đó là một người đã ngất trong trạng thái nằm ngửa. Lập tức, Bắc lật nghiêng nạn nhân rồi vỗ vào lưng, khi nghe tiếng ặc ặc, anh mới yên tâm nạn nhân còn sống, cùng anh em đưa xuống tầng 1 và đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, ở đám cháy ấy, dù đã cứu được người thì Bắc và đồng đội vẫn không khỏi buồn vì trước khi lực lượng có mặt, 5 nạn nhân đã tự tìm cách thoát thân khi nhảy từ tầng 4 xuống mái tôn tầng 2 nhà bên cạnh, trong đó một người bị chấn thương nặng và mãi ra đi…

Gương mặt đượm buồn, Bắc bảo nghề phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nếu để đúc kết một câu là “tìm cái còn trong cái mất.” Rồi anh kể tới đám cháy ở Trung Văn khiến 9 người thiệt mạng, những đồng đội của anh phải đi tìm từng nạn nhân, nhặt từng phần thi thể, thậm chí còn phải cắt những mảnh nhựa dính vào thi thể để bảo đảm tính nguyên vẹn. Hay chuyện đi cứu hộ, việc nhặt các bộ phận nội tạng để đưa vào lại vị trí cũng là chuyện thường gặp. Đây là những công việc thầm lặng của người lính cứu hỏa muốn trọn vẹn với người đã khuất và giảm nỗi đau cho người ở lại...

Nghề nghiệp đã khiến họ phải tự tôi rèn bản lĩnh. Bắc vẫn nhớ như in những lần dẫn "lính mới" đi chữa cháy, nhìn những thân thể đã cháy đen, thậm chí rời rạc, nhiều người đã nôn tại hiện trường. Có trường hợp về nhà không dám ăn cơm hai, ba ngày là chuyện thường gặp. Thế nhưng, họ đã học cách gạt qua nỗi sợ hãi để hoàn thành nhiệm vụ.

Ảnh: NVCC

Không chỉ tôi luyện bản lĩnh chiến đấu với giặc lửa, buồn nhất là người lính cứu hỏa phải luyện cả bản lĩnh khi nhận cả sự trách móc của người dân như sao đến muộn thế hoặc cả những câu nói nặng lời. Mỗi lần như vậy, Bắc đều dặn anh em phải đặt mình vào tâm lý của người bị nạn, bởi khi ở trong hoàn cảnh ấy, ai cũng muốn thật nhanh được dập lửa mà chưa hiểu hết rằng khi nhận được tin báo, chỉ 90 giây sau là xe cứu hỏa đã phải lăn bánh. Người chiến sỹ khi nghe tiếng còi báo, thì dù đang trong chăn ấm, đang ăn dở bát cơm, đang dở gội đầu cũng phải để nguyên xà phòng chạy lên xe lập tức, sau đó lấy khăn lau qua quýt để làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, những người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn phải trở thành “nhà tâm lý.” Bắc nhớ như in những lần anh phải trở thành… diễn viên “ngáo đá” khi nói chuyện và tìm cách thuyết phục những người đang trong trạng thái không thể kiểm soát mình, ngồi vắt vẻo lên các tòa cao tầng định tự tử. Có nhiều trường hợp lực lượng cứu nạn cứu hộ không thể triển khai các biện pháp cứu người khi họ ở vị trí rất khó tiếp cận, mà chỉ còn cách thuyết phục họ.

Đã rất nhiều lần, người ta thấy hình ảnh một người đàn ông cao lớn khoác vai “dân ngáo” như “anh em” đi từ lan can tòa nhà xuống dưới sau hàng giờ nói chuyện. Thiếu tá Đoàn Việc Bắc bảo muốn họ tin tưởng và nghe theo thì mình cũng phải giống họ từ cách ăn nói, cách “ngáo.” Thậm chí, Bắc còn phải tìm hiểu và biết những người bị ngáo đá hay khát nước, do đó anh mang theo nước và uống gần hết rồi đưa cho đối tượng uống (nhiều lần) để tạo cảm giác thân thiết, từ đó mới “dụ” được đối tượng rời khỏi vị trí nguy hiểm.

Thiếu tá Đoàn Việt Bắc (bìa trái) đưa được đối tượng ngáo đá từ vị trí rất nguy hiểm trên lan can xuống đất an toàn sau cuộc thương thuyết dài. Ảnh: NVCC

Chia tay tôi, Đoàn Việt Bắc bảo rằng mọi chiến công, thành tích cá nhân mình nhận được đều thuộc về tập thể. Đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ luyện tập tới thực chiến của những người lính trọn gắn đời mình với nghề phòng cháy, chữa cháy.

Anh cũng như bao đồng đội có một mong mỏi lớn nhất chính là lời chúc của Bác Hồ lúc sinh thời dành cho ngành: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp” trở thành hiện thực. Nhưng để đạt được điều ấy, anh khuyến nghị mỗi người dân phải nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, trang bị các thiết bị chữa cháy để xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và của khi “bà hỏa” ghé thăm...

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Lính cứu hỏa - Những người giành giật sự sống trong khói lửa