Kênh Đò Cậy - Tiên Kiều kêu cứu

17/03/2019 06:15

Cung cấp nước tưới và hỗ trợ tiêu cho các xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Cao An và thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) nhưng những năm gần đây, chất lượng nước kênh Đò Cậy - Tiên Kiều ngày càng ô nhiễm nặng.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên tuyến kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đang ở mức báo động

"Kênh chết"

Khu đồng Đường Gạo của xã Cẩm Đông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tưới từ kênh Tiên Kiều - Đò Cậy nên người dân lo ngại ô nhiễm trên tuyến kênh mỗi lúc một nghiêm trọng. Ông N.V.T. ở thôn Chùa phàn nàn: “Nước ở đầu nguồn mà đục ngầu, nhiều thời điểm tôi không dám đưa nước vào ruộng vì sợ lúa chết. Vì là lúa gieo vãi nên nếu dùng nước bẩn dễ bị lụi mấm. Đang trong thời gian lấy nước tưới dưỡng lúa mà nước kênh đen đục. Vài năm nay, năng suất lúa không ổn định có lẽ một phần cũng do nước tưới không bảo đảm. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn thì có khi nhiều hộ sẽ bỏ ruộng. Trước đây, nhiều hộ còn sử dụng nước trong kênh để nuôi cá, còn hiện tại không ai dám lấy mà phải dẫn nước từ sông lớn”.

Nước kênh Đò Cậy - Tiên Kiều ô nhiễm là chủ đề được nhiều người dân thôn Ngọ (thị trấn Lai Cách) bàn tán liên tục nhiều ngày qua. Ông N.V.Đ. là người nắm rõ những thay đổi của con kênh này từ nhiều năm nay. Ngày trước, người dân thường tìm tới gốc cây trồng cạnh bờ kênh để hóng mát, còn giờ đây cứ nhìn dòng nước kênh đen ngòm, ai cũng muốn tránh xa. Dù vậy, người dân vẫn phải chấp nhận dùng nguồn nước này để tưới cho lúa, rau màu vì không có nguồn thay thế. Không cam tâm trước việc nước trong kênh ô nhiễm nặng nề, ông Đ. thường xuyên theo dõi và biết được những thời điểm tuyến kênh bị "bức tử". “Đáng lẽ trời mưa nước kênh phải được pha loãng nhưng cứ mưa xong màu nước lại đen hơn. Phải chăng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thời điểm này để xả thải? Tôi hay đi bộ ven tuyến kênh vào sáng sớm thì thấy khoảng từ 5 - 6 giờ, một số đoạn gần khu công nghiệp Đại An sủi bọt trắng xóa, nước đen từ khu vực đó lan rộng ra cả tuyến”, ông Đ. băn khoăn.

Nhà ông Lê Phương Long ở khu dân cư 14 (thị trấn Lai Cách) chỉ cách tuyến kênh từ 4-5 m nên chịu tác động trực tiếp khi dòng kênh ô nhiễm. Ông Long bức xúc: “Nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà cá không sống được thì không biết mức độ nguy hại đến đâu. Đặc biệt vào mùa cạn, nước trong kênh không được thau rửa nên đặc quánh, tanh ngòm khiến mọi người cảm thấy ngột ngạt, bí bách. Kênh dân sinh mà tôm cá chết nhiều thì chỉ có thể bị đầu độc bằng hóa chất chứ không phải ô nhiễm thông thường!? Trước thực trạng này, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn song vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”. 

Chưa có giải pháp

Kênh Đò Cậy - Tiên Kiều là kênh thủy lợi cấp 2, dài khoảng 10 km tiếp nhận nguồn nước từ kênh Kim Sơn (hay còn gọi là sông Sặt) thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là một trong những tuyến kênh chính của huyện Cẩm Giàng, có vai trò bảo đảm tiêu, cấp nước thường xuyên cho toàn bộ diện tích đất canh tác tại các xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Cao An và thị trấn Lai Cách. Không chỉ tiếp nhận nước thải sinh hoạt và nước từ hoạt động chăn nuôi, tuyến kênh còn là đầu mối xả thải của KCN Đại An. Mặc dù KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung song trên thực tế, càng gần KCN thì nước càng đen đặc nên người dân có cơ sở để hoài nghi về nguyên nhân khiến kênh Đò Cậy - Tiên Kiều trở thành dòng "kênh chết”.

Theo kết quả quan trắc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước mặt kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đang ở mức báo động, các thông số kỹ thuật như NO2-N, NH4+-N, COD, E.coli đều vượt xa so với quy chuẩn cho phép. Thậm chí, nhiều chỉ số còn kém nhất trong các tuyến kênh được quan trắc.

Theo ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, vào mùa mưa, nước trong kênh được lưu thông liên tục nên không quá đáng ngại. Tuy nhiên, vào mùa khô thì vấn đề này trở nên cấp bách, căng thẳng. Bởi đây là tuyến kênh dẫn nước duy nhất cho khu vực này nên không có phương án thay thế. “Xí nghiệp đã đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm để đưa ra biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Trọng thông tin.
Theo đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong những lý do gây ô nhiễm tuyến kênh thì vi phạm về xả thải là khó phát hiện và cũng khó kiểm soát hơn cả. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đang ở mức trầm trọng, chất lượng nước mặt không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp xả thải không theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước của người dân. Mặc dù vậy, đến nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong kênh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Để kênh Đò Cậy - Tiên Kiều không còn là điểm đen về chất lượng nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kênh Đò Cậy - Tiên Kiều kêu cứu