Hiểm họa từ túi nilon

06/06/2018 06:21

Rẻ, bền, tiện dụng, túi nilon ngày càng gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Nhưng cũng chính vì thế, túi nilon lại trở thành hiểm họa cực lớn cho môi trường sống của con người.


Dùng loại túi sử dụng nhiều lần sẽ giảm lượng túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường

Thói quen khó bỏ

Hôm nay, nhà bà Ngớt ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) có giỗ. Từ sáng sớm, bà đã đi chợ sắm đồ nấu cỗ. Mặc dù đã mang theo làn nhựa nhưng bà vẫn phải dùng tới hơn chục chiếc túi nilon. Gừng, sả, chanh, ớt, rau thơm, hoa quả, bánh kẹo, thịt, cá… mỗi loại đều được cho vào từng túi riêng rồi mới để vào làn nhựa. Bao năm nay, thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ, mua sắm hàng hóa của bà vẫn không hề thay đổi. Trung bình mỗi buổi chợ bà sử dụng ít thì 2 - 3 cái, nhiều lên tới cả chục túi nilon to nhỏ các loại. 

Đối với những người bán hàng, túi nilon cũng đã trở thành đồ vật không thể thiếu. Chiều thứ bảy, tại quầy rau của cô Nguyễn Thị Lành trong chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) khách đến mua hàng đông hơn mọi ngày. Chỉ cần mua vài quả chanh, mấy quả ớt hay một chút rau thơm, cô Lành cũng cẩn thận bỏ vào túi nilon trước khi đưa cho khách. Mỗi buổi chợ, cô có thể dùng hết hàng trăm túi nilon các loại. Theo cô Lành, do túi nilon vừa rẻ, vừa bền lại tiện lợi nên những người bán hàng hay dùng. Hiện vẫn chưa có loại túi nào có thể thay thế được. 

Thói quen sử dụng túi nilon của bà Ngớt và cô Lành cũng là thói quen của hàng triệu bà nội trợ, người bán hàng trên khắp cả nước. Thói quen này xuất phát từ sự dễ dãi của cả người bán và người mua hàng. Với quá nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, rẻ, không thấm nước, túi nilon đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm thế giới sản xuất và tiêu thụ khoảng 500 tỷ túi nhựa các loại, đủ trải quanh trái đất 4 lần. Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn rác nhựa được thải ra môi trường. Ở Hải Dương, số rác thải nhựa khoảng 16 tấn/ngày, trong đó riêng TPHải Dương khoảng 10 tấn.

Ô nhiễm môi trường

Sự phát triển của kinh tế - xã hội khiến lượng rác thải, trong đó có rác thải khó phân hủy như nhựa và túi nilon ngày càng tăng, khó kiểm soát. Thời gian phân hủy của túi nilon phải mất mấy chục năm. Có thể thấy rõ điều này tại các bãi chôn lấp rác thải tập trung ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Hàng vạn túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Dưới tác động của thời tiết, những loại phế thải khác đã phân hủy nhưng túi nilon vẫn không hề suy suyển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, để phân hủy được túi nilon hoặc các phế thải làm từ nhựa cần ít nhất vài chục năm. Túi nilon khi chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại thực vật, là nguyên nhân gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong vùng. Nếu đốt, nilon khi cháy tạo ra khí thải có chứa chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, có thể gây ung thư. Chính việc lạm dụng túi nilon cùng thói quen vứt rác bừa bãi của người dân khiến túi nilon trở thành thứ rác phổ biến nhất. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội. 

Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng để ngăn chặn tác hại của túi nilon đến sức khỏe con người, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon đối với môi trường. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường ở các gia đình, khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Tích cực hướng dẫn người dân phân loại chất thải tại nguồn, đặc biệt là các loại nhựa, túi nilon khó phân hủy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái sử dụng và tái chế. Có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây dựng mô hình điểm về thu gom, phân loại, tái chế túi nilon. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhựa, các cơ sở sản xuất các sản phẩm nhựa và túi nilon. Tập trung giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đời sống của người dân. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng các nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn cho con người và thân thiện với môi trường. Xem xét việc tăng thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilon khó phân hủy. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Hiểm họa từ túi nilon