Gỡ khó chỗ gửi con cho chị em

21/12/2018 08:58

Để hỗ trợ chị em có thêm lựa chọn về nơi gửi con, yên tâm làm kinh tế, từ năm2017, các cấp Hội Phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã triển khai mô hình “nhóm trẻ gia đình”.


Nhóm trẻ mầm non Sao Mai luôn có hai cô giáo phụ trách; phòng được trang trí đẹp, có điều hòa hai chiều và lắp camera giám sát

Đã 18 giờ nhưng tại nhóm trẻ mầm non Sao Mai, ở thôn Nam, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) vẫn còn khá nhiều cháu chưa được bố mẹ đón về. Hầu hết bố mẹ các bé đều là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp. Việc nhận trông trẻ đến giờ này không phải là chuyện lạ với các cô giáo ở nhóm trẻ mầm non Sao Mai. “Từ khi con theo học tại nhóm trẻ Sao Mai, tôi thấy rất yên tâm. Các cô chăm con rất chu đáo, đi học về con vui vẻ, nhanh nhẹn hơn. Mỗi ngày đi làm không còn phải lo lắng nhiều, yên tâm làm việc hơn”, chị Nguyễn Thị Ngân, ở thôn Nam có con gửi tại nhóm trẻ vui vẻ cho biết.

Mặc dù mới thành lập được hơn 3 tháng, nhưng nhóm trẻ này có hơn 20 cháu dưới 36 tháng tuổi được chia thành 2 nhóm. Hai phòng học đều được trang trí đẹp, có điều hòa hai chiều và lắp camera giám sát. Lớp học, sân chơi bảo đảm đầy đủ các điều kiện cho trẻ phát triển. Nhóm trẻ mầm non Sao Mai có 2 cô giáo và 2 cô nuôi phụ trách ăn uống. Nhóm nhận các bé từ 12 tháng tuổi trở lên, thời gian trông trẻ từ 6 giờ 30 đến 18 giờ, trông cả ngày thứ bảy với những gia đình có nhu cầu.

Trước đó, HPN xã Hồng Lạc đã vận động chị Lê Thị Hà, giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Hồng Lạc mở nhóm trẻ gia đình, đáp ứng nhu cầu của nhiều chị em muốn tìm chỗ gửi con dưới 36 tháng tuổi để đi làm hoặc muốn con được đi nhà trẻ sớm. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của HPN xã, nhóm trẻ mầm non Sao Mai đã đi vào hoạt động từ tháng 10. “Trước đây tôi đã từng mở nhóm trẻ gia đình cùng một người bạn nên khi mở nhóm trẻ mầm non Sao Mai tôi không gặp khó khăn. Hơn nữa, khi làm các thủ tục thành lập tôi được chính quyền cũng như HPN xã tích cực hỗ trợ nên càng thuận lợi”, chị Lê Thị Hà, chủ nhóm trẻ gia đình bày tỏ. 

Nhận thấy nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình, chị Đào Thị Như Quỳnh ở xóm 11, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) cũng mở lớp mẫu giáo tư thục Hoa Tường Vi. Được mở từ tháng 6.2017, lúc đầu chỉ có 7 cháu theo học, nhưng nhờ chăm sóc trẻ chu đáo, có sân chơi, phòng học sạch sẽ nên đến nay nhóm trẻ này đã có 50 bé theo học ở 2 nhóm 4 và 5 tuổi. Đây là lớp mẫu giáo tư thục đầu tiên của huyện Ninh Giang. Mức học phí mỗi tháng gửi trẻ tại đây chỉ gần 600.000 đồng/trẻ bao gồm cả tiền ăn, học phí, trông trẻ ngoài giờ. Ở nông thôn, đây không phải mức học phí lớn nên nhiều gia đình có thể cho con theo học. Lớp học khá rộng rãi, có lắp điều hòa và đầy đủ dụng cụ dạy, học. “Vì là nhóm trẻ tư thục nên chúng tôi luôn lấy chất lượng chăm trẻ làm đầu. Không chỉ hướng dẫn, giúp trẻ sinh hoạt nền nếp mà còn phải chăm trẻ tăng cân theo đúng lứa tuổi, có như vậy phụ huynh mới yên tâm gửi con”, cô Quỳnh chủ nhóm trẻ chia sẻ. Các phụ huynh đều làm việc ở các công ty hoặc đi chợ nên thường đi sớm về muộn, thậm chí làm cả ngày thứ bảy. Do vậy hằng ngày, các cô giáo nhận trông trẻ từ 6 giờ 30 và trả trẻ vào 17 giờ 30. Những gia đình có nhu cầu đón con muộn hơn cũng được các cô tạo điều kiện. 

Đến nay, các cấp HPN trong tỉnh đã vận động thành lập được 4 mô hình “nhóm trẻ gia đình” với gần 20 người tham gia. Tùy thuộc vào điều kiện của từng nơi, các cấp hội đều tìm cách hỗ trợ các hội viên thành lập mô hình này như hỗ trợ thủ tục thành lập nhóm trẻ, tổ chức tham quan học hỏi các mô hình hay… Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt tại các chi, tổ HPN các xã đều tuyên truyền, giới thiệu về các “nhóm trẻ gia đình” tới các chị em. HPN các địa phương sẽ cùng với chính quyền và trường học trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trông giữ trẻ…

Trên thực tế, nhu cầu gửi con của chị em đi làm tại các doanh nghiệp hoặc lao động tự do trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. 4 mô hình được thành lập hiện còn quá ít so với nhu cầu. Từ hiệu quả ban đầu của việc thành lập mô hình trông giữ trẻ gia đình, thiết nghĩ các cấp HPN cần tích cực hơn nữa, thành lập thêm nhiều mô hình để hỗ trợ chị em có nơi gửi con tin cậy.

THANH HOA

(0) Bình luận
Gỡ khó chỗ gửi con cho chị em