Đi qua bóng tối

02/12/2018 18:05

Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh, nghị lực để bước qua nghịch cảnh, làm lại cuộc đời như chị Nguyễn Thị Phượng, 55 tuổi, ở thị trấn Thanh Hà...

Cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Hà thường xuyên động viên, giúp chị Phượng vươn lên

Đoạn đường đời “nhúng chàm”

Sau nhiều lần động viên, chị Phượng đã mở lòng chia sẻ với chúng tôi về quá khứ lầm lỗi mà nhiều lúc chị muốn quên đi để lương tâm bớt cắn rứt. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, không ai nghĩ rằng người phụ nữ với gương mặt phúc hậu và giọng nói ấm áp ấy đã từng một lần “nhúng chàm”. Nhấp ngụm trà nóng, chị Phượng ngậm ngùi tâm sự: “Nếu ngày đó tôi nhận thức được việc làm sai trái của mình, có lẽ tôi đã không phải trả cái giá đắt như vậy”.

Hồi đó gia đình nghèo lại đông con nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng làm lụng nuôi con cái ăn học. Tốt nghiệp cấp 3, chị Phượng viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 năm trong quân đội, chị Phượng phục viên trở về địa phương. Một năm sau, chị lập gia đình với một người cùng huyện nhưng cuộc sống hôn nhân không giống như chị mong đợi. Vợ chồng chị thường xuyên cãi vã, bất hòa. Sau khi ly hôn, một mình chị nuôi mẹ già và 3 con nên kinh tế rất khó khăn. Thu nhập từ cày cấy không đủ trang trải, cuộc sống bức bách lại bị bạn bè lôi kéo, chị Phượng dấn thân vào con đường phạm pháp.

Một thời gian sau, hoạt động môi giới mại dâm của chị đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an. Năm 2007, chị bị bắt và thụ án 8 năm tù giam. Ngày chị Phượng bị bắt, gia đình và người dân địa phương ai cũng sốc trước thông tin này. Thời điểm đó, con gái lớn của chị đang học đại học thì mắc bạo bệnh, đột ngột qua đời. Con gái thứ hai học lớp 10, con gái út học lớp 1 ở cùng với bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Nỗi đau mất con chưa nguôi, lại lâm vào vòng lao lý, chị Phượng tưởng chừng gục ngã không thể đứng dậy được. Bi quan, tuyệt vọng, chị đã nghĩ đến cái chết, kết thúc cuộc đời mình trong trại giam. Kể đến đây, nước mắt chị trào ra...

Đó là những tháng ngày đen tối và tồi tệ nhất mà chị từng trải qua. “Tôi vừa không làm tròn chữ hiếu với bố mẹ mình vừa không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Chỉ khi mặc lên mình bộ quần áo dành cho phạm nhân, tôi mới tỉnh ngộ với cái giá quá đắt. Tôi đã đẩy gia đình vào cảnh khốn khó. Thời gian ở trong trại giam là những ngày tháng thật dài. Tôi dồn hết tâm sự của mình vào cuốn nhật ký. Những trang đầu là hình ảnh các con tôi, ghi chép những lần các con vào thăm, nhiều suy nghĩ của tôi về cuộc sống, tình cảm…”, chị Phượng nói. Hình ảnh hai đứa con và mẹ già đang ở nhà ngóng chờ đã thôi thúc chị Phượng phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Những ngày ở trong tù, chồng cũ và các con của chị cũng thường xuyên đến thăm, động viên, giúp chị càng có thêm động lực để cải tạo tốt hơn. Nhờ gương mẫu lao động, chấp hành tốt kỷ luật ở nơi giam giữ, cải tạo, chị nhận được sự tin tưởng, quý mến của cán bộ quản giáo và các phạm nhân khác. Chị đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mạnh dạn làm người dẫn chương trình, là tổ trưởng tổ tự quản… Chị cũng luôn chia sẻ và giúp đỡ các chị em có cùng cảnh ngộ. Sau những năm tháng nỗ lực cải tạo, đến năm 2013, chị Phượng được hưởng ân xá và ra tù trước thời hạn hơn 1 năm.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Quyết tâm làm giàu, vợ chồng chị Phượng xin thuê, gom ruộng của người dân thành ruộng lớn để cấy lúa, trồng rau màu

Sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, chị Phượng luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm, tự ti. Chị lo ngại mọi người sẽ nhìn mình bằng ánh mắt coi thường, kỳ thị. 3 tháng liền, chị không dám ra ngoài, gần như không tiếp xúc với mọi người xung quanh. Lúc đó cuộc sống gia đình chị rất túng thiếu, bản thân chị lại chưa biết bắt đầu từ đâu. Làm lại cuộc đời với người phụ nữ đã từng vào tù càng khó khăn gấp bội bởi cái nhìn khắt khe của người đời. Nhưng chị vẫn quyết tâm từ chối mọi lời rủ rê làm việc phạm pháp, chị không cho phép bản thân mắc sai lầm thêm và phải làm lại cuộc đời bằng được.

Từ khi chị Phượng bị bắt, chồng chị thi thoảng quay lại chăm sóc các con cùng mẹ già. Khi chị trở về, hai người đã quay lại với nhau, cùng chăm chỉ làm ăn. “Xác định ngã ở đâu thì sẽ đứng dậy ở đó, tôi không thể buông xuôi để làm khổ con cái thêm. Một thời tôi đã đánh mất đi hạnh phúc của chính mình. Thời gian ở tù cũng là lúc tôi thấm thía được hai chữ gia đình quan trọng như thế nào. Bây giờ, tôi phải trân trọng và quyết tâm giữ lấy hạnh phúc đó”, chị Phượng chia sẻ. May mắn là trong những ngày tháng đầy khó khăn ấy, chị Phượng được sưởi ấm bằng tình yêu thương của chồng và các con.

Với sự giúp đỡ, động viên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, đặc biệt là sự gần gũi của các chị em trong Chi hội Phụ nữ ở khu 1, thị trấn Thanh Hà, chị Phượng đã dần bước qua tự ti để hòa nhập với cuộc sống đời thường. Vốn là người nhanh nhẹn, nhiệt tình nên chị dần lấy lại lòng tin của mọi người. Chị tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội ở địa phương. Trong một lần hội làng, chị Phượng được mời làm người dẫn chương trình và tham gia giao lưu văn nghệ. “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày được đứng trên sân khấu quê hương hát cho mọi người nghe. Lúc đó, tôi như tìm lại được chính mình của ngày xưa”, chị Phượng vui vẻ nói.

Trở về với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Phượng nuôi ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thấy nhiều người bỏ ruộng, chị tới từng hộ xin thuê, mượn, gom thành ruộng lớn để cấy lúa, trồng rau màu. Quần quật làm việc không ngơi tay, vụ mùa đầu tiên gia đình chị thu về hàng chục triệu đồng. Được một số đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện, chị Phượng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua máy gặt lúa, máy cày. Nhờ bạn bè, người thân, chị xin nhận 4 mẫu ruộng ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) để tập trung phát triển kinh tế. Gia đình chị nhận gặt lúa, cày thuê cho người dân ở cả trong và ngoài huyện. Hết ngày mùa, vợ chồng chị lại tranh thủ mở quán nước giải khát để có thêm thu nhập. “Có những ngày đi làm về, hai tay chai sạn, đau nhức vì cầm cuốc, cầm liềm nhiều nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc và tâm hồn thanh thản lắm”, chị Phượng cho biết. Rồi chị đưa chúng tôi đi thăm vườn rau, chuồng nuôi gà chọi.

Nhờ sự chịu thương chịu khó, vợ chồng chị đã trả được số tiền vay để mua máy móc, còn lại chị sửa sang ngôi nhà cho chắc chắn. Hiện gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định. Có chút vốn liếng, chị Phượng vay mượn thêm cho vợ chồng con gái thứ hai đi xuất khẩu lao động và chăm lo con gái út đang học lớp 12. “Tôi sẽ phấn đấu để trở thành một nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, một công dân có ích cho xã hội”, chị Phượng chia sẻ về mong ước tương lai của mình.

Được sự tín nhiệm của mọi người, hiện chị được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ tình nghĩa, trưởng liên gia của khu dân cư. Chị thường xuyên vận động các gia đình thực hiện tốt các quy định của địa phương, đứng ra thăm hỏi, giúp đỡ bà con xóm giềng khi nhà có ma chay, hiếu hỷ… Chị còn là thành viên trong đội văn nghệ của khu, luôn hăng hái tham gia các chương trình giao lưu, hội thi văn nghệ. Tháng 11.2016, chị Phượng là một trong những phụ nữ điển hình vươn lên sau lầm lỗi, được tham dự chương trình "Ước mơ ngày trở về" do Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh). Trong chương trình này, chị Phương đã chia sẻ về những nỗ lực của bản thân cho hơn 600 nữ phạm nhân tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 1, thị trấn Thanh Hà cho biết: “Chị Phượng sau khi ra tù trở về địa phương đã vượt qua được mặc cảm. Chị có ý chí để vươn lên hòa nhập với mọi người trong khu dân cư và tích cực tham gia các phong trào của hội, địa phương”.

Chia tay với chị Phượng khi đã xế chiều, chúng tôi vẫn nhớ cái nắm tay thật chặt và nụ cười thân thiện của chị. “Quả ngọt” sau những năm tháng gian khó chưa bao giờ là dễ dàng nhưng nó sẽ là thứ cho những ai còn niềm tin, nghị lực biết vươn lên vì những điều tốt đẹp.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi qua bóng tối