Cựu chiến binh hơn 30 năm cần mẫn làm từ thiện

25/11/2018 18:49

Đã 32 năm kể từ ngày khởi nghiệp, người cựu chiến binh này đã bắt đầu làm từ thiện. Để có tiền làm việc nghĩa, ông Đoàn Văn Đạt đã tập trung sản xuất bánh đậu Nguyên Hương ở TP Hải Dương.

Ông Đoàn Văn Đạt thăm các bệnh nhi nghèo khó chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Sẵn sàng chìa tay

Mỗi khi nghe tin về những người có hoàn cảnh éo le, thật sự khốn cùng, ông tìm đến tận nơi trao tiền tận tay để phần nào giúp họ giải quyết khó khăn và phục hồi cuộc sống…

Biết tin một người ở Hà Tĩnh bị cháy nhà, không nơi ăn ở, ông vào tận nơi tặng 90 triệu đồng để xây dựng nhà. Cô con gái làm ăn ở xa nghe tin nhà cháy, trên đường về thì bị tai nạn giao thông. Thế là tai họa chất chồng. Cảm động quá, ông lại giúp thêm 10 triệu mua thuốc thang và cho thêm 3 triệu đồng để mua gạo ăn hằng ngày...

Đặc biệt với gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông lại càng hay động lòng trắc ẩn. Từ năm 90 của thế kỷ trước, ông đã gửi biếu tiền 32 gia đình bị lũ lụt ở Sơn La, tặng 5 sổ tiết kiệm cho 5 gia đình liệt sĩ. Biết tin mẹ Lục ở Nghệ An đã 46 năm chờ giải quyết chế độ vợ liệt sĩ, ông tìm vào tận nhà thăm hỏi và tự nguyện tặng mẹ với số tiền tương đương chế độ liệt sĩ khi đó… Ông còn tổ chức cả một chuyến xe cho vợ con liệt sĩ vào tận nghĩa trang Trường Sơn thăm viếng người thân. Mọi chi phí ông chịu hết. Gần đến Ngày Thương binh, liệt sĩ năm 2018, ông Đạt vượt chặng đường xa xôi, vào xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để trao tặng 170 triệu đồng cho địa phương, góp phần xây dựng đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh oanh liệt thời kháng chiến chống Mỹ…

Mái ấm Dưỡng Thiện

Không chỉ làm từ thiện bên ngoài, ông "Nguyên Hương" đã bỏ tiền mua một khu đất rộng 1.500 m2 ở ven sông Thái Bình thuộc địa phận phường Bình Hàn (TP Hải Dương), xây ngôi nhà Dưỡng Thiện có đầy đủ tiện nghi. Ông vất vả đi tìm đón các cụ già, trẻ em về đây nuôi dưỡng. Đó là những cụ già cô độc không nơi nương tựa, là những em bé côi cút, tật nguyền, sống lang thang hành khất ở các bến xe, góc chợ vùng quê. Họ đang bơ vơ như thân cò trước bão giông… nay được về sống trong tổ ấm: nhà Dưỡng Thiện Nguyên Hương. Tính ra, trước sau ông đã đón được 5 cụ già và 25 em bé côi cút về nuôi dưỡng. Một trong số 5 cụ già sống dưới mái nhà Dưỡng Thiện, cụ bà Phạm Thị Vin quy tiên ở tuổi 102. Dẫu chẳng máu mủ ruột rà, nhưng gia đình ông đã tổ chức tang lễ, hiếu kính như với cha mẹ của mình, xây mộ cụ ở nghĩa trang thành phố và duy trì viếng thăm hương khói. Còn những đứa trẻ được ông nuôi dưỡng, từ chỗ vất vưởng, bị bỏ rơi thành những em bé có gia đình. Đối với họ, ông Đạt là ân nhân, là người cha, người ông đã cho họ một mái ấm tình thương, còn nhỏ được học văn hóa, lớn lên học nghề làm bánh. Rồi có những cặp đôi yêu nhau, được ông tác thành vợ chồng, hạnh phúc.

Chị Phạm Thị Thúy, một công nhân quê ở phường Thái Học (Chí Linh), được ông đón về nuôi từ khi 9 tuổi vì mồ côi cha mẹ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị đã khóc nghẹn ngào kể rằng: “Ngày mới về, một lần ông hỏi: ngôi nhà này của ai? Em bảo nhà của ông. Ông trả lời: Không, đấy là nhà của cháu. Em xúc động lắm. Không ngờ em đã về ngôi nhà Dưỡng Thiện này 20 năm rồi. Ở đây em được ông cho ăn học, làm việc. Năm em 27 tuổi, ông gả chồng cho em. Ngày em sinh con, ông còn đưa em đi đẻ, thật không thể nào kể hết công ơn…”.

Một lần đọc trên báo đưa tin có một cô gái 19 tuổi quê Vĩnh Phúc, lầm lỡ, nhẹ dạ cả tin mang thai và đẻ non ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), không có tiền viện phí, ông lên tận nơi thanh toán giúp, rồi đón cả 2 mẹ con về nhà Dưỡng Thiện, chăm nuôi cho qua những ngày khó khăn. Mới đây, nghe tin em bé 11 tháng tuổi ở quận 12 TP Hồ Chí Minh bị người mẹ nghèo lại mắc bệnh tâm thần đâm thủng ruột, phải vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu, ông đến tận nơi thăm và biếu 100 triệu đồng để chữa bệnh cho cả hai mẹ con. Ông cũng ngỏ ý muốn đón cháu bé về nhà Dưỡng Thiện Nguyên Hương để nuôi dưỡng và học hành cho đến khi khôn lớn. Đã mấy chục năm nay, dù chỉ vô tình nghe tin ở đâu có người gặp cảnh éo le, thương tâm, là ông chạnh lòng, tìm mọi cách đến tận nơi đề nghị được trợ giúp…

Tấm lòng nhân ái thương người của ông Đạt xuất phát từ một nguồn gốc sâu xa… Quê ông ở Thái Bình, tuổi trẻ khó nghèo, học hành dang dở, đi làm thợ mộc, rồi vào quân ngũ, từng chiến đấu ở mặt trận B5 Quảng Trị khét lửa kiên cường. 5 năm nếm trải gian nan đời lính chiến, gian khổ, đạn bom, yếu sức khỏe, năm 1969 ông chuyển ngành với quân hàm thượng sĩ. Ra ngoài, ông quăng quật làm đủ mọi nghề tìm kế mưu sinh, trước sau vẫn giữ phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Cuộc đời ông xê dịch khắp nơi, rồi cuối cùng dừng lại ở TPHải Dương và trụ lại làm nghề bánh đậu xanh, vốn là nghề cổ truyền của vùng đất xứ Đông. Ông tâm niệm "nghiệp thịnh bởi có lòng nhân”. Khởi nghiệp từ năm 1986, hơn ba chục năm kinh doanh cũng là ngần ấy năm ông làm từ thiện, với con số trên 5 tỷ đồng. Con số ấy cũng chưa phải là nhiều giữa thương trường, nhưng đó là những giọt nước mát lành đem lại màu xanh cho những mảnh đời khô héo.

Tấm lòng ấy đã lan tỏa trong cộng đồng, mấy chục năm qua được dư luận gần xa chia sẻ cảm kích. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, quân đội đã gửi thư động viên, khuyến khích hoặc tới nhà thăm hỏi, chia vui.

Năm nay đã ngoài tám chục tuổi, người cựu chiến binh ấy vẫn say mê hoạt động kinh doanh, vẫn tìm địa chỉ những người có số phận éo le, không may cơ nhỡ để lên đường, sẵn lòng sẻ chia giúp đỡ.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Cựu chiến binh hơn 30 năm cần mẫn làm từ thiện