Chuyện những người đưa cơm

22/08/2021 18:11

Trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19" có một lực lượng vẫn ngày đêm âm thầm tình nguyện chăm lo từng bữa ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và người trong khu vực cách ly tập trung.


Các đoàn viên xã Gia Khánh (Gia Lộc) đã tình nguyện làm công việc đưa cơm cho cán bộ làm nhiệm vụ và bà con trong khu cách ly hơn nửa tháng qua

“Người ướt nhưng cơm thì không”

11 giờ trưa một ngày giữa tháng 8, chị Phạm Thị Huế, Bí thư Đoàn xã Gia Khánh (Gia Lộc) đứng trước điểm cách ly tập trung tại Trường Mầm non xã dõng dạc nói qua chiếc loa cầm tay: “Xin thông báo, đã đến giờ ăn trưa. Mời các cán bộ làm nhiệm vụ và bà con ra nhận cơm. Mọi người chú ý giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch”. 

Những suất cơm nóng hổi đựng trong hộp xốp được chị Huế và một thanh niên tình nguyện sắp xếp ngay ngắn trên chiếc bàn gỗ đặt trước cổng trường. Người phục vụ bên trong khu cách ly chuyển từng suất ăn đến tận tay mọi người đang đứng phía sau. 

Chị Huế và các đoàn viên đã tình nguyện làm công việc này hơn nửa tháng qua, tính từ thời điểm xã Gia Khánh có ca mắc Covid-19. Hằng ngày, cứ vào 5 giờ 30, 11 giờ và 17 giờ, chị Huế lại ra trụ sở UBND xã nhận cơm rồi cùng một đoàn viên chuyển vào khu cách ly. Thời gian còn lại, chị tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho bà con trong vùng phong tỏa. Dù bận nhiều việc nhưng chị Huế không bao giờ để muộn giờ đưa cơm. “Có hôm trong lúc hai chị em đang mang cơm cho khu cách ly bỗng trời mưa to. Lúc đó tôi và bạn đoàn viên ướt hết người vì đã dùng cả hai chiếc ô để che cơm. Người ướt cũng được nhưng cơm thì không”, chị Huế chia sẻ.

Hơn 20 ngày qua, hàng chục hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Nam Sách đã tình nguyện tham gia nấu cơm “0 đồng” cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Họ còn nấu cơm phát cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Mọi người chia ca, nấu cơm luân phiên tại nhà riêng của hai hội viên. Một số hội viên năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn hăng hái dậy sớm đi chợ mua đồ, nấu và vận chuyển cơm. Những suất cơm nóng hổi, đầy đủ dưỡng chất chứa đựng tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân được đích thân các bà, các chị mang đến các chốt. Chị Đỗ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nam Sách cho biết: “Ngày 13.8 vừa rồi, trời mưa tầm tã cả ngày. Thế mà các bà, các chị vẫn hăng hái đi chợ, nấu cơm rồi vận chuyển đến cho các lực lượng đúng giờ. Có hội viên còn cởi áo mưa đang mặc trên người ra che chắn cho thùng xốp đựng cơm”. 

Bảo đảm dinh dưỡng

Chị Oanh bảo hơn 20 ngày qua, Hội Phụ nữ thị trấn Nam Sách đã vận động được các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 400 triệu đồng để tặng quà và nấu cơm “0 đồng” phục vụ bà con trong khu cách ly tập trung cũng như lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt. Mỗi suất ăn trị giá 40.000 đồng, thực đơn thay đổi theo ngày để người ăn không bị chán. Thực phẩm do chị em chọn mua ở những cửa hàng có uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ít người ủng hộ trứng, thịt, cá, rau xanh của gia đình nên suất ăn càng giàu dinh dưỡng. Một số nhóm hội viên còn nấu xôi, cháo, mua thêm bánh mỳ, sữa mang ra cho lực lượng trực đêm tại các chốt.

Với không ít chủ cơ sở cung cấp bữa ăn theo suất, những ngày này, chuyện lỗ hay lãi trong kinh doanh không còn quan trọng. Điều duy nhất họ hướng tới là làm sao tạo ra những suất ăn đúng giờ, đủ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Cơ sở cung cấp cơm hộp của gia đình chị Dương Thị Sánh ở thị trấn Gia Lộc mỗi ngày cung cấp khoảng 500 suất ăn cho các điểm cách ly tập trung, chốt kiểm soát dịch ở hai xã Gia Khánh, Gia Tân và trạm thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Để có thể chuẩn bị một lượng lớn suất ăn như vậy, hằng ngày hàng chục nhân viên của gia đình chị phải làm việc liên tục từ 5-18 giờ. Mọi người chỉ có khoảng 1 tiếng để ăn uống và nghỉ trưa. 

Thực phẩm được chị Sánh nhập từ các cơ sở uy tín. Nguyên liệu đầu vào được kiểm tra kỹ lưỡng. Suất ăn không chỉ phong phú về món mà còn được thay đổi theo từng bữa. “Để bảo đảm các suất ăn luôn nóng sốt, mọi công đoạn đều được chúng tôi xử lý nhanh chóng và đưa đến các địa điểm kịp thời. Tôi không quan tâm đến lỗ hay lãi, điều quan trọng nhất lúc này là lực lượng tuyến đầu và bà con cảm thấy ăn ngon, có đủ sức khỏe để sớm đẩy lùi dịch bệnh”, chị Sánh nói.

Chị Nguyễn Vân Khánh ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh đang ở trong khu cách ly tập trung tại Trường Mầm non xã cho biết cơm đến tay người trong khu cách ly lúc nào cũng ấm nóng, thơm ngon, đa dạng các món. Sau mỗi bữa ăn, những người đưa cơm còn gọi điện hỏi han bà con suất ăn như vậy có đủ no không, mặn nhạt thế nào... để điều chỉnh kịp thời. “Chúng tôi rất cảm kích trước hình ảnh lực lượng làm nhiệm vụ hằng ngày vất vả chăm lo cho bà con từng bữa cơm tươm tất. Đây là động lực để chúng tôi chấp hành tốt quy định, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”, chị Khánh nói. 

TIẾN ANH

(0) Bình luận
Chuyện những người đưa cơm