"Chảy máu" đội ngũ bác sĩ

22/07/2018 11:37

Những năm gần đây, tại nhiều bệnh viện công lập trong tỉnh đã xảy ra tình trạng bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác đến khu vực y tế tư nhân.


Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý để các bác sĩ yên tâm công tác (ảnh chỉ có tính minh họa)

Điều này không chỉ gây khó khăn cho các bệnh viện về bố trí, sắp xếp lại nhân lực để không ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh mà lâu dài còn đặt ra thách thức trong việc giữ chân, thu hút các bác sĩ giỏi ở lại làm việc.

Dứt áo ra đi

Dù đã có gần 10 năm gắn bó với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thậm chí có cả cơ hội thăng tiến trong công việc, nhưng đến đầu năm 2018, bác sĩ H.X.T. đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển tới công tác tại một bệnh viện tư nhân. Anh T. cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu khiến tôi bỏ việc ở bệnh viện công lập là do công việc của bác sĩ áp lực, ca kíp vất vả trong khi thu nhập lại chưa tương xứng, chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Nhiều bệnh viện tư nhân đang có chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn với các bác sĩ. Nếu đầu quân cho những bệnh viện này, các bác sĩ có thể cải thiện thu nhập đáng kể. Sau khi ổn định tại nơi làm việc mới, tôi đã có thu nhập 18-20 triệu đồng/tháng". 

Theo một bác sĩ đã từng giữ chức vụ Phó Trưởng khoa tại một bệnh viện công lập trong tỉnh, trước khi quyết định nghỉ việc ở bệnh viện, họ cũng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân khiến họ chuyển công việc. Có một số bác sĩ bị phân công làm ở những vị trí không phù hợp (bác sĩ ở khoa ngoại chấn thương chuyển lên ngoại sọ não, bác sĩ ngoại sọ não chuyển lên giám định pháp y...), khó có cơ hội phát triển chuyên môn. Bên cạnh đó, công việc vất vả, gần như các bác sĩ không được nghỉ bù sau ca trực, làm việc liên tục, đông bệnh nhân dẫn đến việc dễ nhầm lẫn, sai sót... Nhân viên y tế không được bảo vệ, làm việc nơi không an toàn, có trường hợp bị người nhà bệnh nhân đánh, bạo hành trong khi làm nhiệm vụ, đặc biệt ở những khu vực như cấp cứu, phòng khám.

Trong năm 2018, bác sĩ B.T.Đ. đang giữ chức vụ trưởng một khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã chuyển tới làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở TP Hải Phòng với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở Y tế, từ năm 2015 đến tháng 4.2018, có 68 bác sĩ tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu là bỏ việc. Số lượng bác sĩ rời bỏ các cơ sở y tế công lập tăng qua từng năm. Nếu năm 2015, có 12 bác sĩ bỏ việc thì năm 2016 là 22 bác sĩ, đến năm 2017 tăng lên 26 bác sĩ và chỉ tính riêng từ đầu năm đến tháng 4.2018 đã có 8 bác sĩ. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiều nhất với 15 trường hợp, tiếp đến là Bệnh viện Nhi Hải Dương… Ở tuyến huyện, những bệnh viện có nhiều bác sĩ bỏ việc là các Bệnh viện Đa khoa: Kim Thành, Gia Lộc, Cẩm Giàng. Đáng chú ý, trong số 68 người có 43 bác sĩ, 12 thạc sĩ y, 12 bác sĩ chuyên khoa I và 1 bác sĩ chuyên khoa II; 19 người giữ chức vụ trưởng, phó các khoa, phòng. Nguyên nhân chủ yếu do họ mong muốn tìm được công việc với mức lương thỏa đáng hơn. Nhiều người muốn đến nơi có thể phát triển trình độ chuyên môn hơn. 

Làm gì để giữ chân?

Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường, tình trạng các bác sĩ bỏ việc ở các bệnh viện công lập để hướng đến khu vực y tế tư nhân không chỉ xảy ra tại Hải Dương mà là thực trạng chung của cả nước. Nguyên nhân do trên địa bàn tỉnh hệ thống y tế ngoài công lập đã phát triển mạnh mẽ với một bệnh viện tư nhân và hàng chục phòng khám đa khoa tư nhân. Y tế tư nhân thường có mức thu nhập cao hơn, có cơ hội phát triển chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ khi có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại. Điều này tạo sự cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực giữa khu vực y tế công lập và ngoài công lập. Đó là chưa kể rất nhiều bệnh viện ở ngoài tỉnh đang có chế độ thu hút, đãi ngộ khá hấp dẫn đối với bác sĩ, nhất là những bác sĩ có kinh nghiệm, uy tín. Vì vậy, nếu không có một chế độ đãi ngộ phù hợp, chính sách tiền lương được cải thiện, điều kiện làm việc tốt cùng chương trình đào tạo hợp lý thì rất khó để có đủ số lượng bác sĩ cần thiết để phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước thực trạng này, Sở Y tế đã báo cáo UBND tỉnh để có các biện pháp khắc phục trước mắt. Trước hết, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện kịp thời động viên, làm công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Khi cử các bác sĩ đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, các bệnh viện cần có cam kết cụ thể, rõ ràng yêu cầu các bác sĩ phải công tác ít nhất 5 năm tại bệnh viện sau khi được đào tạo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện linh động đối với các bệnh viện đã đủ chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn có thể nhận thêm bác sĩ giỏi để họ yên tâm công tác. Có cơ chế đãi ngộ, thu hút đối với bác sĩ có tay nghề cao. Trước cơ chế tự chủ hoặc tự chủ một phần, các bệnh viện cũng phải cân nhắc lựa chọn cách thu hút bác sĩ trẻ, bác sĩ giỏi về với bệnh viện và có các giải pháp để giữ chân các bác sĩ yên tâm công tác, cống hiến. Để giữ chân lâu dài đội ngũ y bác sĩ giỏi, bệnh viện phải tiếp tục phát triển các khoa, phòng với chuyên môn kỹ thuật cao, mở thêm khám dịch vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giúp bác sĩ có thêm thu nhập, yên tâm công tác.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
"Chảy máu" đội ngũ bác sĩ