Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng

17/01/2019 07:30

Từ đầu tháng 1 đến nay, tại Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, cứ 100 người tới khám mắt có 15 - 20 người mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó trẻ em chiếm trên 50%.


Khám mắt cho người bệnh

Theo bác sĩ Trần Thị Tuyến, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, những ngày gần đây bệnh viêm kết mạc (dân gian gọi là bệnh đau mắt đỏ) đang có chiều hướng gia tăng với mức tăng 30% so với thông thường. Dịch bệnh hiện chưa bùng phát, nhưng số lượng bệnh nhân đến khám đông, một số bệnh nhân mắc bệnh nặng mới đến khám.

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện nhiều khi thời tiết mưa nồm, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa, đặc biệt vào mùa xuân… Đây là thời điểm cơ thể nhạy cảm với thời tiết, dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Trong khi đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây, có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay... Đặc biệt, nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus...

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng Khoa Mắt, biểu hiện đau mắt đỏ là mắt có dử. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử. Buổi sáng ngủ dậy, hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch, bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh khuyến cáo: người bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Cách phòng bệnh đau mắt đỏ tốt nhất là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hằng ngày; không dùng tay dụi mắt…Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh gây những biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.

Người bệnh phải được vệ sinh đúng cách: lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Tránh khói bụi và đeo kính mát. Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn). Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Tuyệt đối không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...

Theo VTV

(0) Bình luận
Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng