Bão số 6 đi nhanh, gây mưa rất to ở các tỉnh Đông Bắc Bộ

15/09/2018 05:12

Từ ngày 17-19.9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, lượng mưa từ 200-300mm.


Dự báo đường đi của bão số 6

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 770km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165km/giờ), giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 380km tính từ vùng tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 190km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 16 giờ ngày 16.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 360km tính từ vùng tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 160km tính từ vùng tâm bão.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền phía Nam các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 17.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 22,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng khoảng 100km về phía  Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong ngày 17.9, ở Quảng Ninh có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Kạn Hà Giang có gió giật cấp 6-7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 18.9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 101,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Từ ngày 17-19.9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm. Trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Hòa Bình.


Bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut​​

Hộ nuôi cá lồng ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) kiểm tra mối nối, lưới chắn lồng cá. Ảnh: Tư liệu

Chiều 14.9,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan quyết liệt chỉ đạo thực hiện một số giải pháp ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do siêu bão Mangkhut gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

Chủ động tiêu thoát nước đệm để tránh gây ngập úng cho lúa, rau màu, cây ăn quả. Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị bơm điện, bơm dầu kết hợp tiêu thoát tự chảy theo các cống qua đê, sẵn sàng tiêu úng khi mưa lớn kéo dài. Có kế hoạch khoanh vùng ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích có khả năng bị ngập nặng.

Đối với lúa mùa, gạn tháo và giữ nước nông trên mặt ruộng cho diện tích lúa đang chắc xanh, vừa mới trỗ và chưa trỗ. Tháo cạn nước ở khu vực lúa đã chắc xanh và đang đỏ đuôi. Sau khi mưa bão tan, chỉ đạo phòng trừ bệnh bạc lá theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Với rau màu, chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích cây rau màu hè thu đã đến kỳ thu hoạch. Tạm dừng gieo trồng cây vụ đông sớm. Che phủ nilon, bơm tiêu cho diện tích rau vụ đông mới gieo trồng. Chuẩn bị hạt giống để đáp ứng đủ yêu cầu của sản xuất và dự phòng trong trường hợp phải gieo trồng lại. Tập trung nạo vét kênh tiêu, đầu khâu, đầu luống và chủ động phương án tiêu động lực.

Đối với cây ăn quả, hướng dẫn nông dân cắt bỏ những cành lá sum suê, cành bẹ, lá khô. Chằng chống cành chính và vun, lấp đất vào gốc cây. Đào rãnh xung quanh vườn, be cao bờ vùng để thoát nước nhanh.

Với thuỷ sản nội đồng, chỉ đạo nông dân chuẩn bị lưới để đăng chắn, ngăn cá thoát ra ngoài. Tôn cao bờ vùng, nhất là vùng nuôi thủy sản tập trung. Kiểm tra, khắc phục các đoạn bờ ao bị rò rỉ, vị trí bờ ao yếu, có khả năng bị tràn. Bám sát dự báo diễn biến của siêu bão để tổ chức thu cá, chuyển cá khi cần thiết. Đối với những cơ sở nuôi cá lồng, cần tuyên truyền đến từng hộ nuôi không chủ quan, tăng cường dây neo giữ, cố định các lồng nuôi. Bổ sung phao nổi, lưới bảo vệ lồng, chuẩn bị phao cứu sinh cho lao động làm việc trên lồng. Thu gom dụng cụ, vật tư trên lồng để hạn chế cản gió. Chủ động phương án ứng phó khi nước sông dâng cao để bảo đảm an toàn về người, tài sản.

Đến ngày 14.9, toàn tỉnh có 42.577 ha lúa mùa trỗ bông, đạt 73,4% diện tích gieo cấy, trong đó có 2.530 ha đang đỏ đuôi, 17.591 ha chắc xanh, còn lại đang trỗ hoặc vừa trỗ thoát. Diện tích cây rau màu vụ đông đã trồng khoảng 2.088 ha.​


Gần 400.000 quân ứng trực

Theo Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Bộ đã có công điện gửi các quân khu, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng phó với siêu bão.

“Đến nay các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân dự bị đã được giao nhiệm vụ ứng trực với gần 400.000 quân và gần 3.000 phương tiện, trong đó 44 tàu trên biển và 8 máy bay”, ông nói.


Bắc Bộ sẽ có mưa rất to do ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết tỉnh sẽ khuyến cáo hạn chế hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, các tuyến du lịch đảo và chủ nhật ngày 16.9 sẽ cấm biển.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cho hay ngoài kế hoạch cấm biển, thành phố lên phương án cấm người và phương tiện qua một số cầu: Tân Vũ, Lạch Huyện, Bính.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut, trong đó dự kiến sơ tán dân vùng ven sông, vùng trũng có khả năng úng ngập.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão số 6 đi nhanh, gây mưa rất to ở các tỉnh Đông Bắc Bộ