Báo hỷ

30/04/2021 15:07

Nhân dịp kỷ niệm chiến thắng 30.4, ông Hiệu quyết định tổ chức tiệc báo hỷ cho con trai. Ông dự định làm khoảng chục mâm cỗ, chỉ mời họ hàng thân thích, hàng xóm cạnh nhà và mấy anh em trong hội đồng ngũ đến chung vui, đơn giản mà đầm ấm.


Nghe ông trình bày kế hoạch, bà Liễu vợ ông giãy nảy lên không đồng ý: “Ông tính hay nhỉ? Theo tôi, việc nào ra việc ấy. Chuyện dựng vợ cho con, cả đời mới có một lần, không thể tổ chức giấm giúi, úi xùi được. Còn các ông muốn họp đồng ngũ, ăn mừng ngày chiến thắng thì các ông cứ ăn, cứ họp. Ai lại gộp hai việc vào làm một”.

Ông bà bàn đi tính lại nhưng chưa đi đến thống nhất. Bà Liễu muốn tổ chức báo hỷ cho con trai thật linh đình, phải làm năm, bảy chục mâm cỗ thật hoành tráng. Chẳng gì con bà cũng làm tới chức phó khoa ở bệnh viện huyện, con dâu là dược sĩ nên có nhiều mối quan hệ. Đợt dịch Covid-19 bùng phát, ngày cưới của đôi trẻ đã định nhưng không thể tổ chức đông người, chỉ có hai bên gia đình nói chuyện, đôi trẻ dẫn nhau ra ủy ban đăng ký kết hôn rồi thành vợ chồng. Ông Hiệu, bà Liễu cũng chỉ làm mâm cơm báo cáo tổ tiên về việc đại sự của con. Càng nghĩ bà càng thương con, thương dâu vì đám cưới thời Covid không được bằng bạn bằng bè. Giai đoạn cao điểm huyện nhà bùng phát dịch bệnh, con trai ông bà đã xung phong vào tâm dịch để cùng đồng nghiệp “chiến đấu” với Covid-19, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên cho nhân dân. 

Bây giờ cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, bà muốn tiệc báo hỷ phải thật to, mời thật đông khách. Đúng dịp nghỉ lễ, mọi người sẽ đến dự đông đủ. Ông bà sẽ nở mày nở mặt, các con sẽ có tương lai tươi sáng, gia đình ăn nên làm ra. Nhưng ông Hiệu lại có quan điểm khác. Ông đã từng vào sinh ra tử, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt nên ông cho rằng “chống dịch như chống giặc”, không thể chủ quan. Bây giờ tổ chức cỗ bàn mấy chục mâm thì cũng phức tạp. Bọn trẻ đã về chung một nhà được mấy tháng rồi, giờ mời rộng, ai không hiểu lại nghĩ mình tính toán vì người ta đi ăn cỗ có đi người không bao giờ. “Nếp sống văn hóa mới càng giản tiện càng tốt, tránh lãng phí, bà ạ! Điều quan trọng là các con sống với nhau hạnh phúc, yêu thương nhau, có trách nhiệm với gia đình và xã hội là tôi và bà có phúc rồi”. Nghe ông Hiệu giãi bày, bà Liễu lặng im nhưng vẫn có vẻ không vui. Ông muốn bà làm công tác tư tưởng với con dâu để con không cảm thấy tủi thân, còn ông sẽ nói chuyện với con trai xem ý con thế nào.

Bà Liễu vừa nói kế hoạch báo hỷ vào dịp 30.4 thì cô con dâu bèn nắm tay bà, thỏ thẻ: “Mẹ ơi! Con có tin vui rồi! Con nghĩ gia đình mình nên tổ chức giản tiện thôi! Con không nghĩ ngợi gì đâu vì con đã về nhà mình được mấy tháng nay. Thời buổi này, dịch bệnh không biết sẽ thế nào nên phòng bệnh vẫn là tốt nhất, không nên tập trung quá đông người mẹ ạ!”. Bà Liễu ngập ngừng: “Nhưng bố con muốn gộp cả việc liên hoan kỷ niệm ngày lễ chiến thắng. Hội đồng ngũ của ông ấy cũng khoảng 2-3 mâm. Đáng lẽ việc nào ra việc ấy...”. Cô con dâu hồ hởi bảo: “Như thế càng vui mẹ ạ! Con với mẹ sẽ cùng lên thực đơn nhé”. Nghe con dâu nói vậy, bà Liễu cảm thấy nhẹ cả người. Bà vui mừng vì sắp có cháu nội. Bà nghĩ nếu phải đứa con dâu không hiểu chuyện lại sinh ra giận dỗi, trách móc, làm mình làm mẩy thì bà cũng không thoải mái.

Buổi tối, ông Hiệu họp gia đình để bàn chuyện báo hỷ sao cho gọn nhẹ, đầm ấm và an toàn. Nghe xong, con trai của ông bà nhất trí với kế hoạch của bố: “Bố tính thế là hợp tình hợp lý, con rất tán thành. Một công đôi việc, gia đình mình kỷ niệm ngày chiến thắng luôn. Bây giờ không phải ai cũng thích đi đến chỗ đông người, thậm chí họ còn e ngại. Nếu nhà mình mở rộng quá, ế cỗ thì chẳng biết phải làm thế nào”. Ông Hiệu mừng lắm vì thấy các con đã trưởng thành, biết suy nghĩ chín chắn. Nghĩ đi nghĩ lại, ông thấy mình may mắn hơn những đồng đội một thời cùng vào sinh ra tử.

TRẦN THỊ LÀNH 

(0) Bình luận
Báo hỷ