Bảo đảm sự hòa nhập và bình đẳng

02/12/2019 20:54

Người khuyết tật là một trong những nhóm người thiệt thòi vì sức khỏe kém hơn và ít có điều kiện tham gia hoạt động bên ngoài hơn.

Người khuyết tật tích cực làm việc để tự lập trong cuộc sống

Tại Việt Nam, việc thực hiện quyền cơ bản của người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến, chuyển từ trợ giúp nhân đạo sang trợ giúp phát triển. Tuy nhiên, với khoảng 8 triệu người, chiếm 7,8% dân số, đa phần cộng đồng người khuyết tật vẫn chưa được bảo đảm đầy đủ các quyền của mình.

Thực hiện và bảo đảm quyền của người khuyết tật

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 15% dân số toàn cầu. Đặc biệt, 80% số người khuyết tật sống ở các nước đang phát triển và chiếm 20% trong nhóm người nghèo nhất thế giới. Một nửa trong số những người này không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ, trong khi nhiều người phải đối mặt với các rào cản trong việc hòa nhập vào các lĩnh vực đời sống, xã hội.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (từ năm tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em. Trong tổng số người khuyết tật của cả nước có 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Tính đến cuối năm 2018, đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Đặc biệt, ước tính khoảng 10% người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Việc thực hiện các quyền cơ bản của người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến, chuyển từ trợ giúp nhân đạo sang trợ giúp phát triển. Nhiều người khuyết tật đã được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, y tế, giáo dục và hỗ trợ việc làm. Hằng năm, có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng được mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.

Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học; số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố, như Hội Người mù, Hội Người điếc, Hội Bảo trợ người khuyết và trẻ mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật… .

Việt Nam cũng đã cam kết tham gia đầy đủ và tích cực các chương trình quốc tế và khu vực như Thập kỷ châu Á-Thái Bình Dương vì người khuyết tật. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hơp quốc về quyền của người khuyết tật từ năm 2014.

Với những nỗ lực không ngừng của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều người khuyết tật đã vươn lên, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Bảo đảm sự hòa nhập và bình đẳng

Cũng như những người khuyết tật trên toàn thế giới, người khuyết tật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

Phần lớn người khuyết ở nước ta thường sống ở khu vực nông thôn, vì vậy việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm còn khó khăn. Cùng với đó, do nguồn lực còn hạn chế, tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay chưa rộng dẫn tới sự thiếu hụt cơ sở vật chất của ngành y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa… ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người khuyết tật.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp. Số người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu thốn, ký túc xá cho người khuyết tật chưa được đầu tư ở các cơ sở đào tạo, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Việc triển khai hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật còn manh mún, chưa đồng đều, mô hình sinh kế được hình thành còn ít, hiệu quả thấp.

Ngoài ra, rào cản đối với người khuyết tật chính là sự nhận thức chưa đầy đủ từ cộng đồng. Ở một số nơi, người khuyết tật không nhận được sự tôn trọng, ghi nhận tương xứng đối với những đóng góp của họ.

Nhằm giúp người khuyết tật tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, ổn định cuộc sống, trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức, sự tôn trọng của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với người khuyết tật. Ðây chính là điều kiện thuận lợi để người khuyết tật ở Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng và tự quyết định cuộc sống, tương lai của chính mình

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác người khuyết tật, vừa qua, ngày 1.11, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật; tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật.

Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật và công tác trợ giúp người khuyết tật; khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, chú trọng xây dựng chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật. Tăng cường thực hiện trợ giúp pháp lý, chú trọng tư vấn chính sách đặc thù cho người khuyết tật và thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm sự hòa nhập và bình đẳng