Xã có 2 làng nghề mộc

20/07/2014 05:16

Các sản phẩm đồ gỗ do người dân xã Hưng Thịnh (Bình Giang) sản xuất ngày càng đa dạng về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.



Mỗi năm xã Hưng Thịnh lại có thêm 2-3 cơ sở sản xuất đồ gỗ mới


Sản phẩm đa dạng

Xã Hưng Thịnh được xem là cái nôi của nghề mộc ở huyện Bình Giang. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề mộc ở đây nở rộ nhưng các sản phẩm rất đơn giản, thô sơ với nguyên liệu chính là gỗ xà cừ. Loại gỗ này có độ cong vênh cao, mềm và dễ bị mọt nên hiện nay chủ yếu được dùng để làm các sản phẩm thông dụng. Yêu cầu của người tiêu dùng cao hơn và nguồn gỗ phục vụ sản xuất đồ nội thất, dân dụng cũng không ngừng đổi mới theo hướng cao cấp hơn. Anh Phạm Văn Lân, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng ở thôn Ngọc Mai cho biết: “Nguyên liệu gỗ hiện nay chủ yếu được nhập từ các nước Lào, Cam-pu-chia, Nam Phi với nhiều chủng loại khác nhau như: lim, nghiến, gụ, giáng hương, cẩm lai, pơ mu, trắc… Người thợ có thể thỏa sức sáng tạo và làm nên những sản phẩm có màu sắc, đường nét, giá trị nghệ thuật khác nhau tùy thuộc vào đặc tính mỗi loại gỗ”.

Những năm đầu phát triển, đồ gỗ của xã Hưng Thịnh chủ yếu là sản phẩm dân dụng như: bàn, ghế, giường, tủ... Ngày nay, các sản phẩm này không chỉ có mục đích sử dụng mà còn góp phần trang trí không gian của ngôi nhà, cửa hàng. Do đó, hàng loạt các sản phẩm gỗ mỹ nghệ đã ra đời với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Nhiều vật dụng và đồ trang trí đều được làm bằng nguyên liệu gỗ như đồng hồ, cây cảnh, tượng phật, lọ hoa… Mỗi sản phẩm lại được chạm khắc theo khuynh hướng cổ điển hoặc hiện đại. Kiểu dáng cổ điển có nhiều chi tiết, hoa văn phức tạp, còn kiểu hiện đại thì có màu sắc và bố cục đơn giản hơn. Tùy theo yêu cầu của người dùng mà chiếc đồng hồ hoặc cây cảnh được chạm khắc hình hoa đào, hoa mai, con rồng, mái nhà...

Kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm gỗ mỹ nghệ được người thợ Hưng Thịnh tự sáng tạo hoặc tìm tòi, tham khảo trên mạng in-tơ-nét, sau đó thêm bớt các chi tiết cho phù hợp. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn xã còn nhận gia công, tái chế các sản phẩm từ các huyện, tỉnh khác bằng cách chà nhám, chỉnh sửa và đánh dầu rồi cung cấp ra thị trường. Hình dáng của chiếc bàn ghế truyền thống vốn thô sơ và ít có họa tiết nhưng nay được chạm khắc kỳ công. Từ kết cấu cũ, người thợ đã sáng tạo thêm các đường nét uốn lượn cho chiếc ghế và đặt tên gọi cụ thể như: ghế móc mỏ, minh quốc đào, tay hộp đầu voi…

Hướng tới xuất khẩu

Xã Hưng Thịnh có 2 thôn được công nhận làng nghề mộc là Phương Độ và Ngọc Mai. Các làng nghề của xã không những được duy trì, phát triển mà còn mở rộng sản xuất ở cả 4 thôn. Toàn xã hiện có hơn 200 gia đình với gần 900 người làm nghề mộc, chiếm khoảng 50% số dân. Ngoài đa dạng hóa sản phẩm mộc, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã còn tích cực tìm kiếm thị trường mới và đầu tư cơ sở vật chất.

Quá trình hoàn thiện sản phẩm gỗ mỹ nghệ đòi hỏi nhiều công đoạn và cần có đầy đủ các thiết bị kỹ thuật. Do đó, các cơ sở đã liên kết với nhau, phân chia làm theo từng công đoạn để nâng cao hiệu quả sản xuất. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất cùng tìm kiếm, chọn lọc thị trường tiêu thụ mới ở nước ngoài. Sản phẩm hoàn thành được phân phối tới các đại lý kinh doanh, sau đó xuất khẩu thông qua các công ty trung gian. Những năm qua, sản phẩm mộc của xã không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… với tỷ lệ khoảng 5% số đồ dân dụng và 70-80% số sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Trước sự ra đời của nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ với các họa tiết đòi hỏi độ chính xác cao, các cơ sở sản xuất đã đầu tư vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mua máy móc hiện đại. Trước đây, hầu hết các cơ sở đều phải làm thủ công thì nay có tới 90% công đoạn được thực hiện bằng máy cưa vành, máy cuốn, chà nhám, bào, khoan, định hình... Chỉ có khoảng 10% làm thủ công là những chi tiết tỉa, chạm khắc nhỏ hoặc làm nhẵn sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, năng suất lao động tăng gấp nhiều lần so với trước đây, từ 1-2 bộ bàn ghế/tháng lên 10-12 bộ/tháng.

Sản xuất, kinh doanh đồ gỗ đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã phát triển. Bình quân, mỗi cơ sở sản xuất đỗ gỗ quy mô lớn của xã thu lợi nhuận 150-200 triệu đồng/năm; thu nhập người lao động đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng, những thợ có tay nghề cao thì thu nhập lên tới 12-14 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, xã Hưng Thịnh lại có thêm 2-3 cơ sở sản xuất đồ gỗ mới.

Hiện nay, do giá nguyên liệu đầu vào cao, vốn đầu tư cơ sở vật chất và chi phí sản xuất lớn nên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về vốn. Thị trường tiêu thụ do các hộ tự tìm kiếm. Để phát triển nghề mộc, các hộ sản xuất cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc vay vốn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

LÊ XUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã có 2 làng nghề mộc