Tờ The Atlantic vừa chia sẻ kết quả khảo sát nhân viên của một công ty công nghệ ở Châu Á và hơn 30.000 người lao động ở Mỹ về trải nghiệm làm việc từ xa và một số ý kiến về sự ảnh hưởng.
WFH là một phần trọng tâm kinh doanh
Từ khi Covid-19 bùng phát, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, công ty đóng cửa, hình thức làm việc từ xa (Work from home - WFH) được áp dụng rộng rãi.
The Atlantic nhận định: "Trong năm qua, không có nhóm nào hài lòng với WFH hơn những người đàn ông có thu nhập cao ở độ tuổi 30 - 40. Việc ai đó có thể hưởng lợi từ WFH chưa có cơ sở để khẳng định".
"Tuy nhiên, ví dụ của một kỹ sư phần mềm làm việc tại Manhattan, New York là một tín hiệu đáng mừng. Cùng một công việc, cùng một mức lương nhưng người này có thể làm việc tại nhà, không tốn thời gian di chuyển đến văn phòng" - Nicholas Bloom - Giáo sư Đại học Stanford, đồng tác giả của cuộc khảo sát nói
Hơn 30.000 người Mỹ trong nhóm khảo sát thể hiện mức độ hài lòng với hình thức WFH, hiệu quả công việc đang tốt hơn sự kỳ vọng của họ. Các tác giả của nhóm khảo sát dự đoán: Sau đại dịch, sự sắp xếp công việc ở các công ty sẽ được tối ưu hơn, đặc biệt là các công ty lớn. Vì vậy, nhân viên WFH sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.
Mặt khác, kế hoạch của các công ty có lợi nhuận cao như Google, Apple và Facebook trong tương lai gần là biến WFH thành một phần trọng tâm trong hoạt động kinh doanh.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, với những người hướng nội, WFH sẽ giúp họ giảm bớt lo lắng, hiệu quả công việc cao hơn. Các kênh làm việc trực tuyến như Zoom, Google Meet hay tin nhắn không hẳn là "vô cảm" như mọi người thường nghĩ. Mỗi nơi được ví như một "căn phòng" để người quản lý có thể đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên.
Dù là người hướng nội hay hướng ngoại, khi WFH cũng phải thích ứng dần với các tính năng của công nghệ ảo. Đây có thể là cơ hội cho những ai ngại thể hiện trước đám đông, không giỏi trong giao tiếp thể hiện bản thân và chinh phục những thách thức mới.
WFH chỉ mới bắt đầu phát triển, các công nghệ phục vụ hình thức này vẫn chưa đáp ứng kịp. Vì vậy, đây thời điểm tốt để các nghiên cứu cải thiện hiệu quả công việc mới được ra mắt.
Theo thống kê của Nicholas Bloom, từ đầu tháng 9/2020 đến nay, tỷ lệ các đơn xin cấp bằng sáng chế mới của Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ WFH tăng hơn gấp đôi. Trong đó, chủ yếu là những tiến bộ mới trong việc giao tiếp qua video hay các công nghệ đánh giá hiệu suất, quản lý công việc.
Thị trường cho các nhà tư vấn, giải quyết các vấn đề phát sinh khi làm việc từ xa cũng rộng mở. Dự đoán, WHF sẽ mở đường cho nhiều lĩnh vực và nhóm ngành khác phát triển.
Những kẻ thua cuộc
Kết quả khảo sát các nhân viên tại công ty công nghệ ở châu Á chỉ ra rằng giờ làm việc luôn tăng lên nhưng hiệu suất lại giảm đi. Các công ty nhỏ, với cách quản lý chưa chặt chẽ đã vô tình biến WFH thành rào cản của sự phát triển. Đồng thời, các nhân viên mới vào nghề, tay nghề kém khi làm việc với mô hình WFH thì thiếu môi trường phát triển, không được hỗ trợ.
Theo khảo sát, những người có bằng đại học luôn làm tốt công việc dù đến văn phòng hay làm tại nhà, còn những người học đến cấp 3, ít kinh nghiệm sẽ lúng túng với hình thức mới này. Vì vậy, WFH có thể được xem là một cuộc cách mạng mà lợi thế sẽ nghiêng về những người đủ kiến thức và đã làm việc lâu năm.
Nhóm nghiên cứu ước tính, sau đại dịch, mức chi tiêu của người dùng dành cho các dịch vụ như nhà hàng, rạp chiếu phim và các dịch vụ bán lẻ khác sẽ giảm ít nhất 10% so với trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành dịch vụ sẽ gặp khó nhiều hơn.
Nicholas Bloom nói: "Việc di chuyển đối với người lao động thì dễ dàng nhưng với các doanh nghiệp và bất động sản là điều không thể". Tương lai, làm việc từ xa sẽ là xu hướng, các tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố đứng trước thách thức không có người thuê.
Làm việc từ xa có thể làm giảm năng xuất nhưng cũng có thể bùng nổ năng suất, có nhiều hạn chế nhưng cũng có thể coi là một hình thức có ích trong nhiều lĩnh vực. "Kẻ thắng người thua" trong "cuộc chiến" này phụ thuộc nhiều vào cách chúng ta đối diện và giải quyết vấn đề.
Theo Dân trí