Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi hướng tới vắc xin COVID-19 mới có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm.
Ngày 11.1, theo hãng tin AFP, WHO cảnh báo liều tăng cường từ các vắc xin COVID-19 ban đầu có thể không phải là chiến lược tốt chống lại các biến thể mới nổi. Cơ quan y tế này kêu gọi các hãng dược điều chỉnh và cập nhật vắc xin COVID-19 mới hướng tới ngăn ngừa sự lây nhiễm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm 2022 do Omicron có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Châu Âu: Tâm điểm đợt bùng dịch mới nhất
Trong khi đó, châu Âu hiện là tâm điểm của đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến biến thể Omicron. Với gần 8 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới trong 7 ngày qua, châu Âu đang chiếm số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trên toàn cầu. WHO cảnh báo tới tháng 3, nửa dân số châu Âu có thể sẽ mắc biến thể này.
Ngày 11.1, Anh ghi nhận hơn 120.000 ca mắc mới trong 24 giờ, giảm hơn 22.000 ca bệnh so với ngày trước đó. Trong khi đó, Pháp tiếp tục lập kỷ lục khi có hơn 368.000 ca mắc mới trong 24 giờ. Nga cũng cảnh báo sẽ đối mặt với làn sóng tăng ca bệnh nhiễm Omicron trong vài tuần tới.
Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky (bìa trái) và chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci (thứ hai từ trái sang) trong một cuộc điều trần về phản ứng chống dịch của liên bang tại Đồi Capitol, Mỹ ngày 11.1 - Ảnh: AFP
Omicron chiếm hơn 98% ca mắc mới ở Mỹ
Tại Mỹ, theo ước tính công bố ngày 11.1 của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, tuần qua, biến thể Omicron chiếm 98,3% số ca mắc mới tại Mỹ, cao hơn tuần trước đó 6%.
Một ngày trước đó, Mỹ ghi nhận 1,35 triệu ca mắc mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới từ đầu dịch. Đồng thời, số ca nhập viện tại Mỹ cũng đang ở mức cao. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho biết hiện có hơn 150.000 bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện.
Theo Đài CNN, Chính phủ Mỹ cho biết những bộ xét nghiệm COVID-19 đầu tiên trong số 500 triệu bộ mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch phát miễn phí cho người Mỹ sẽ sẵn có vào cuối tháng 1. Phần còn lại sẽ đến trong 60 ngày nữa.
Trong khi đó, Omicron tiếp tục ảnh hưởng đến các hãng hàng không Mỹ, buộc các hãng phải hủy hàng nghìn chuyến bay để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên do COVID-19. Giám đốc điều hành United Airlines - ông Scott Kirby - thông báo hãng "đang giảm lịch trình bay ngắn hạn để đảm bảo có đủ nhân viên và nguồn lực chăm sóc khách hàng".
Phát bộ xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại Anh - Ảnh: AFP
"Sóng thần" ca COVID-19 tại Israel
Bất chấp cơn "sóng thần" của các ca mắc mới theo ngày, ngày 11.1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố sẽ không phong tỏa đất nước nữa vì "điều này không hiệu quả với biến thể Omicron".
Một ngày trước đó, Israel đã ghi nhận hơn 38.500 ca mắc mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Dù vậy, các chuyên gia y tế Israel ước tính con số thực tế có thể cao hơn 100.000 ca/ngày, và sắp tới sẽ có đến 30% lực lượng lao động bị cách ly.
Ông Bennett nói Chính phủ đang cố gắng giữ nền kinh tế mở cửa trong lúc bảo vệ những người dễ bị tổn thương bằng liều vắc xin thứ tư. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Israel cũng quyết định rút ngắn thời gian cách ly với F0 từ 10 ngày xuống còn 7 ngày nếu có 3 ngày không triệu chứng.
Cho tới nay, toàn cầu đã có hơn 313,3 triệu ca COVID-19, trong đó có hơn 5,5 triệu ca tử vong và hơn 261,4 triệu ca bình phục. Mỹ vẫn là nước có nhiều ca bệnh nhất từ đầu dịch (hơn 62 triệu ca), kế đến là Ấn Độ (hơn 36 triệu ca) và Brazil (hơn 22,6 triệu ca).
Theo Tuổi trẻ