Với cách đánh táo bạo, trận địa tên lửa Chèm của Trung tá Nguyễn Văn Đức và đồng đội của ông bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52 nhất.
Kíp chiến đấu đầu tiên bắn B52 bằng phương pháp vượt nửa góc. Trong ảnh (từ phải sang): Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh tư liệu do Trung tá Nguyễn Văn Đức cung cấp
Phải 2 lần tìm, chiều 19.12, tôi mới gặp và trò chuyện với trung tá Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1947 ở thôn Quán Đào, xã Tân Tiến, Gia Lộc), nguyên sĩ quan điều khiển kíp chiến đấu đánh B52 của Tiểu đoàn Tên lửa 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Hôm nay, ông Đức cùng vợ đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa sau gần 1 tuần trở lại chiến trường xưa gặp những người đồng chí, đồng đội đã làm nên chiến thắng vang dội "Điện Biên Phủ trên không" chấn động địa cầu cuối năm 1972. Thấy phóng viên đến hỏi chuyện cuộc đời quân ngũ, chuyện bắn máy bay B52 ngày trước, người lính già có gương mặt cương nghị, dáng người gầy cao bỗng sôi nổi hẳn lên. Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ cấp 4 ấm cúng, ông Đức bắt đầu câu chuyện cách nay 45 năm.
Là con một trong gia đình có cha là liệt sĩ, ông được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng tháng 6.1965, người thanh niên Nguyễn Văn Đức năm đó tròn 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được chuyển về Tiểu đoàn Tên lửa 77 đóng ở làng Chèm, xã Thụy Phương, Nam Từ Liêm (Hà Nội) với nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Đức cho biết ngày đó, mặc dù đã được tập huấn rất kỹ cách đánh B52 nhưng mới chỉ trên lý thuyết, còn thực tế thì hoàn toàn khác. Ông còn nhớ rất rõ thời khắc đầu tiên ông và đồng đội đối mặt với B52 của không quân Mỹ tiến vào đánh phá Hà Nội lúc 19 giờ 30 ngày 18.12.1972. Kíp chiến đấu hôm đó có 5 người gồm: Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (quê Hà Nội), trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà (quê Thái Bình), trắc thủ phương vị Đỗ Đình Tân (quê Hà Nội), trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc (quê Nam Định), ông đảm nhận trách nhiệm sĩ quan điều khiển.
Theo ông Đức, phương pháp bắn máy bay B52 lúc bấy giờ thường sử dụng hai cách là vượt nửa góc và đánh 3 điểm. Tuy nhiên, phương pháp vượt nửa góc không phải đơn vị nào cũng áp dụng vì phải bật ra đa để xác định mục tiêu máy bay địch nên thao tác không nhanh, dễ bị lộ trận địa và trở thành mục tiêu để tên lửa từ máy bay địch tấn công lại. Thấy tôi chưa hiểu, ông Đức lấy bút vẽ lên tờ giấy rồi giải thích: "Cách đánh vượt nửa góc nghĩa là khi máy bay địch còn cách tọa độ phòng không của ta khoảng 35 km, tạo góc 35 độ so với mặt đất (gọi là góc tà). Với tốc độ và độ cao của máy bay B52, tên lửa của ta được phóng lên với góc 70 độ thì sẽ gặp máy bay địch và kích nổ. Để tìm được mục tiêu B52, các trắc thủ phải bật ra đa thật nhanh nhằm xác định tọa độ rồi tắt ra đa đồng thời hạ cao thế. Các động tác chỉ được thực hiện trong hơn 10 giây. Cả quá trình từ khi xác định đến ấn nút tên lửa tiêu diệt mục tiêu diễn ra trong 60 giây. Nếu không thực hiện đúng quy trình, các máy bay tiêm kích F4 hộ tống B52 của địch sẽ phóng tên lửa tiêu diệt trận địa của ta dưới mặt đất". Theo ông Đức, để tránh tên lửa của ta dọc đường đi gặp nhiễu tiêu cực bị nổ, đơn vị đã đánh bằng ngòi nổ chậm 11,5 giây. Tức là, khi cách mục tiêu 2 - 3 km thì mới bật ngòi nổ. Bởi đội hình máy bay hộ tống bay trước B52 sẽ thả nhiễu tiêu cực chống ra đa và tên lửa của ta. Nếu tên lửa bật ngòi nổ ngay khi rời bệ phóng gặp đám nhiễu tiêu cực sẽ phát nổ trước khi bắn vào B52. Với cách đánh này, tỷ lệ bắn cháy B52 lên tới 93%.
Để bảo đảm an toàn, trận đánh đầu tiên, ông Đức cùng đồng đội áp dụng phương pháp đánh 3 điểm. Sau khi bắt được dải nhiễu máy bay B52 cách trận địa tên lửa khoảng 35 km, cùng lúc đó các máy bay hộ tống giãn ra để B52 hạ độ cao tiến vào ném bom. Được lệnh, các trắc thủ xác định tọa độ qua phương vị, cự ly và góc tà, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức ấn nút phóng liền 2 quả tên lửa nhưng trượt. "Phương pháp đánh 3 điểm là khi đài ra đa, tên lửa và mục tiêu nằm trên một đường thẳng sẽ ấn nút hạ mục tiêu. Phương pháp này không phát sóng ra đa để tìm mục tiêu mà chỉ đánh dựa trên dải nhiễu thu được trên màn hình ra đa nên tránh được tên lửa của địch đánh trả nhưng không phát huy được cách bắn tự động và một lúc thường phải bắn nhiều tên lửa, hiệu quả không cao", trung tá Đức giải thích.
Trung tá Nguyễn Văn Đức
Rút kinh nghiệm, ở trận đánh thứ2, ông Đức và các đồng đội sử dụng phương pháp vượt nửa góc. 4giờ 39 ngày 19.12.1972, một tốp máy bay địch khoảng 30 chiếc hộ tống bảo vệ máy bay B52 tiến vào đánh phá Hà Nội. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức nhấn nút phóng liền 2 quả tên lửa, trong đó quả 1 cự ly 26 km, quả 2 cự ly 25 km, phương vị 200, góc tà 6 giây. Tên lửa bắn trúng mục tiêu và hạ gục ngay siêu pháo đài bay B52. Chiếc B52 rơi xuống xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).
“Trước khi sử dụng phương pháp vượt nửa góc, các thành viên trong kíp chiến đấu phân tích rất kỹ. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cho rằng, phương pháp đánh 3 điểm vừa tốn tên lửa, hiệu quả lại không cao trong khi giá một quả tên lửa rất đắt. Chúng tôi nghĩ đến chuyện tắt, bật ra đa mà không phát sóng liên tục để địch khó phát hiện. Các thành viên trong kíp phối hợp ăn ý để thao tác sao cho trong vòng 60 giây phải hoàn thành một trận đánh B52 bằng phương pháp vượt nửa góc. Kết quả ngoài mong đợi khi tên lửa bắn trúng mục tiêu, toàn trận địa hò reo vui sướng”, Trung tá Đức nhớ lại.
Với cách đánh táo bạo, trận địa tên lửa Chèm của Trung tá Nguyễn Văn Đức và đồng đội của ông bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52 nhất. Ngoài chiếc B52 bắn rơi rạng sáng19.12.1972, hai chiếc B52 khác cũng bị bắn rơi trong đêm 20 và rạng sáng 21.12.1972 (một chiếc rơi tại Ba Vì, Hà Nội và một chiếc rơi tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ngày 27.12, kíp chiến đấu còn bắn trúng một máy bay B52 và rơi cách trận địa khoảng 200 km.
Sau khi kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Tiểu đoàn Tên lửa 77 được phong danh hiệu anh hùng.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng 741 lượt B52 để trút xuống Hải Phòng và Hà Nội hơn 20.000 tấn bom hủy diệt các mục tiêu dân sự: bệnh viện, khu dân cư, trường học... Lực lượng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 "pháo đài bay" B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E... 43 phi công Mỹ bị bắt sống. |