Cách đây 56 năm, ngày 1.12.1961, báo Hải Dương mới ra số đầu.
Từ đầu năm 2017, Báo Hải Dương mở chuyên mục nghị luận"Thời sự và suy ngẫm" để tăng tính chiến đấu của tờ báo
Đúng như tên gọi thuở ban đầu ấy, tờ báo không ngừng làm mới mình qua từng ngày, trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn được bạn đọc đón đợi.
Tấm gương phản chiếu mọi mặt đời sống
Một hôm, đọc báo Hải Dương thấy tin vui: Sáng 10.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã ký quyết định công nhận thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt của thị xã miền núi này đã thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người trong 6 năm qua tăng từ 21,5 triệu đồng lên gần 39 triệu đồng/năm. Cũng thông qua báo Hải Dương, tôi còn đọc được nhiều tin khác về Chí Linh như anh Lục Văn Nhàn (xã Bắc An) trở thành tỷ phú gà đồi, rừng keo; anh Phan Duy Thanh (xã Nhân Huệ) trồng măng tây thu lãi mỗi ha gần 100 triệu đồng/năm; hai học sinh của thị xã giành giải nhất Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật tỉnh...
Tôi mừng cho Chí Linh là bởi ngay sau thời gian xuất bản tờ Hải Dương mới số đầu, tôi đã được phân công đi viết bài cho số Xuân Nhâm Dần 1962. Bài báo đó viết về một xã miền núi Chí Linh là Hoàng Tiến. Còn rất nhiều khó khăn nhưng Hoàng Tiến đang tự tháo gỡ để đến với mùa xuân mới. Bí thư Đảng ủy xã đưa tôi vượt qua những lởm chởm sắt thép của các bốt địch cũ. Hàng trăm thanh niên đang vỡ đồi hoang mở rộng đất trồng rau màu, cây công nghiệp. Nước từ các đập suối Chảy, suối Găng được bà con điều tiết về làm ruộng cấy chiêm xuân. Rồi làng xóm đang xây dựng, nhiều mái ngói đẹp tươi giữa rừng xanh. Hai bên đường 18, nhân dân đi lại sắm Tết rộn ràng. Anh Song, người đứng đầu Đảng bộ xã cũng là Chủ nhiệm HTX xã chia vui với nhà báo: "Hoàng Tiến hôm nay đang ở vào thời kỳ sung sức của tuổi thanh xuân. Vì xã viên Hoàng Tiến đang quyết chí tiến lên giành những mùa xuân mới, những mùa xuân ấm no, mạnh khỏe, vui tươi". Câu này đã được tôi đưa vào đoạn kết bài "Hoàng Tiến đang độ thanh xuân" năm đó. Thời gian đã chứng minh lời nói của anh là đúng. Không chỉ có Hoàng Tiến, mà cả Chí Linh đã chuyển mình suốt mấy chục năm qua. Cùng với huyện Kinh Môn, Chí Linh dẫn đầu các địa phương khác trong tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Dĩ nhiên, không chỉ có Chí Linh, trong thời gian công tác tại Báo Hải Dương, tôi đã đi viết bài về nhiều vùng miền trong tỉnh. Và trong quá trình phát triển của mình, các ấn phẩm của báo Hải Dương như một tấm gương phản chiếu trung thực mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của toàn tỉnh. Những ngòi bút sắc sảo của đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và các cộng tác viên luôn luôn hấp dẫn bạn đọc gần xa. Điều này đã được khẳng định tại các cuộc họp cộng tác viên của báo hằng năm và đó cũng là một nét đẹp truyền thống của báo Hải Dương.
Nói đến báo chí là nói đến vai trò định hướng dư luận, có biểu dương, đồng thời có phản ánh các mặt tiêu cực, hạn chế. Ngay từ khi mới xuất bản, báo Hải Dương mới đã không né tránh, mà thẳng thắn phê bình các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Xin đơn cử, báo Hải Dương mới số ra ngày thứ sáu 10.11.1962, trong mục "Nói mà nghe", tác giả Xung Kích có bài "Dối trên, lừa dưới" phê bình một số cán bộ HTX An Lạc, xã Lê Bình (Thanh Miện). Bấy giờ, miền Bắc là hậu phương của cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, hạt thóc gặt về phải chia sẻ với Nhà nước bằng cách đóng thuế và bán nghĩa vụ lương thực. Bài báo chỉ rõ: Có mấy người trong Ban quản trị nghĩ kế gian ngoan. Họ bàn nhau "bịt mắt" cấp trên về số thu nhập thực tế của xã viên. Có thế họ mới dễ kêu ca để trốn trách nhiệm làm đầy đủ nghĩa vụ lương thực. Mỗi khi cân thóc cho xã viên thì quả cân được đèo thêm hai cái răng bừa vào. Cho nên danh nghĩa 1 tạ thóc nhưng thực tế là 130 kg. Số thóc ăn gian này cũng chỉ khoanh lại theo số nhân khẩu, còn người lao động có nhiều công cho HTX thì lại cân thật, phải chịu thiệt thòi. Bài báo kết luận: "Xin khuyên những người còn mắc căn bệnh "dối trên, lừa dưới" hãy mau đoạn tuyệt với bệnh này để lấy lại lòng tín nhiệm của nhân dân và vì sự tin cẩn của cấp trên".
Không ngừng cải tiến
Theo dõi đều đặn báo Hải Dương, Hải Dương cuối tuần, Hải Dương điện tử hiện nay, tôi vui mừng thấy tính chiến đấu của báo chí vẫn luôn luôn được coi trọng qua các bài điều tra, các chuyên mục chính luận "Thời sự và suy ngẫm", "Cùng bàn luận", "Sinh hoạt tư tưởng"... được công chúng rất đồng tình.
Cầm trên tay tờ Hải Dương, một thầy giáo bạn tôi từng cộng tác với báo nhiều năm, vừa đi thăm con dâu ở Hàn Quốc về, bảo: “Với đời người mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi, còn tờ báo thì thêm tuổi càng ngày càng xuân”. Sự so sánh của ông có phần khập khiễng, nhưng dù sao cũng là cách nhận xét rất có cảm tình với tờ báo. Tôi cũng đồng tình với lời khen đó. Nhìn lại 1 năm qua càng thấy sự chuyển động thật mạnh của tờ báo, nhất là tờ Hải Dương thời sự. Trong thời buổi thông tin truyền thông bùng nổ, đa phương tiện, người tiếp cận đứng trước bao nhiêu sự lựa chọn. Nhưng người ta vẫn thấy cái gì cần thiết nhất, gần gũi nhất, gắn với cuộc sống hằng ngày nhất, dễ phổ cập nhất... ở trên báo Hải Dương. Tờ Hải Dương đã cố gắng “bắt mạch” được nhu cầu ấy sát với tôn chỉ mục đích của mình.
Trong tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, báo Hải Dương bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua các loạt bài điều tra công phu, sâu sắc, bạn đọc thấy nổi lên những vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với tăng cường và củng cố tổ chức bộ máy, thực hiện Quy chế dân chủ, chống tham nhũng, lãng phí, lấy lại niềm tin cho nhân dân. Qua các trang báo, bạn đọc cũng nắm được những vấn đề kinh tế như phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, tăng trưởng bền vững, khởi nghiệp mạnh mẽ; bước đầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao…
Báo đã đưa tin nhanh các sự kiện trong tỉnh cũng như trong nước. Cách đưa tin không còn theo công thức, trình tự diễn biến của sự kiện mà cố gắng rút ra cái gì là “hồn cốt” bạn đọc mong đợi. Cũng không chỉ đưa tin “trần trụi” mà sâu hơn là những nhận định, gợi mở cho người đọc tư duy, định hướng trước sự kiện mới.
Năm qua, báo tăng cường thể loại chính luận bằng việc mở chuyên mục “Thời sự và suy ngẫm” trên trang 1 báo thời sự từ 2 kỳ/tuần, sau tăng lên 3 kỳ/tuần. Nhiều vấn đề thời sự trong nước và trong tỉnh đã được bình luận, phân tích, gợi mở hướng xử lý, giải quyết như: "Suy thoái chẳng ở đâu xa", "Cải cách bộ máy-vấn đề cấp thiết", "Cảnh giác các loại hình đầu tư ảo"... Gần đây báo đã khôi phục lại chuyên mục "Phỏng vấn nhanh", bình quân mỗi tuần đăng 1 bài, đi vào giải đáp một số vấn đề “nóng” được bạn đọc quan tâm như: "Xử lý việc cán bộ xác nhận sai quy định vào sơ yếu lý lịch của công dân", "Bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hợp đồng", "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con"...
Ngoài những điểm nhấn của tờ Hải Dương, Hải Dương cuối tuần tiếp tục là kênh thông tin đa sắc về mảng văn hóa-văn nghệ-xã hội, đủ sức bù vào “khoảng trống” việc dừng xuất bản Hải Dương hằng tháng, đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích văn nghệ. Trong khi đó, Hải Dương điện tử vừa mở ra giao diện mới hiện đại, phù hợp với nhiều loại thiết bị của người dùng như máy tính, tablet, smartphone, tốc độ truy cập nhanh, tăng các tin tức qua video clip, làm trang báo ngày càng sinh động, hấp dẫn.
Đối với một tờ báo 56 năm là một khoảng thời gian không dài. Nhưng những thành tựu, kết quả mà báo Hải Dương đã đạt được đang trở thành động lực để bước tiếp. Chúng ta có quyền nghĩ đến các mốc son mới tờ báo đang vươn tới.
NGUYỄN HỮU PHÁCH
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG
Nhân rộng những điển hình ở nông thôn |