Anh Trần Đức Nghĩa, thôn Xạ Sơn, xã Quang Trung được người dân trong xã tin yêu không chỉ vì anh là người làm kinh tế giỏi mà còn nhận giúp đỡ một hộ nông dân nghèo trong thôn sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Đó là câu chuyện của nông dân Trần Đức Nghĩa, thôn Xạ Sơn, xã Quang Trung (Kinh Môn).
Sinh ra ở vùng quê thuần nông, anh Nghĩa cùng vợ chăm chỉ làm ăn, vun vén cho mái ấm gia đình. Bản thân là người lam làm, ngoài chăm cấy mấy sào ruộng, anh còn làm thêm nghề mộc để tăng thêm thu nhập. Ở nông thôn, thấu hiểu giá trị của đất với người làm nông nghiệp nên khi chứng kiến việc nhiều gia đình bỏ hoang ruộng đi làm ăn xa, anh thấy tiếc vô cùng.
Năm 2000, Đảng, Nhà nước có chủ trương chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả, anh Nghĩa đã mạnh dạn nhận thầu một số diện tích bãi trũng cấy lúa bấp bênh lập trang trại đào ao nuôi cá và chăn nuôi. Với khát vọng vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, vợ chồng anh không tiếc công sức để quy hoạch, cải tạo đất, phát triển kinh tế.
Qua không ít lần thất bại, với ý chí quyết tâm, giờ một khu trang trại trên 2 mẫu được quy hoạch gọn gàng, hợp lý đã hình thành. Anh Nghĩa còn mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà... Hiện trang trại gia đình anh lúc nào cũng có 7 con lợn nái, gần 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục tấn lợn thịt. Ngoài nuôi lợn anh còn nuôi trên 300 gà thịt, gà đẻ cùng khoảng 7.000 chim cút, đem lại nguồn thu đáng kể. Với diện tích ao khoảng 15 sào, anh Nghĩa thả các loại cá cho giá trị kinh tế cao, như: trắm, chép, mè, trôi, rô phi, cá chim...
Bằng kinh nghiệm tích lũy lại chịu khó tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, cá của anh nuôi ít bị bệnh, mau lớn. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 4 tấn cá thịt. Trên bờ ao, anh tận dụng trồng các loại cây ăn quả đặc sản, như: nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương chi... Trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nghĩa còn nhận giúp đỡ một hộ nông dân nghèo trong thôn về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Anh Nghĩa tâm sự: Là người nông dân muốn vươn lên làm giàu trước tiên phải biết quý đất, có kế hoạch cải tạo để khai thác triệt để tiềm năng đất. Bên cạnh đó, người nông dân còn phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật và nắm vững nhu cầu, quy luật thị trường.
Tấm gương vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của vợ chồng anh Trần Đức Nghĩa thật đáng trân trọng, biểu dương. Mô hình kinh tế đa dạng cây con của anh cũng được huyện Kinh Môn đánh giá cao và chọn nhân rộng trong huyện.
NGỌC HÙNG