Vực Con Gái

08/07/2014 08:04


Minh họa:VĂN HÀ


-Nào, uống tí rượu cho ấm!

Hòa vừa nói vừa nghiêng chai rót rượu ra ly, nó chuyền qua cho thằng Quảng. Sóng biển từng đợt nơi thềm trải vẫn không thôi đập vào tung bọt trắng nhờ. Hơi nước tỏa đến nghe lành lạnh trong màn sương đêm cùng ánh trăng nhô cao tỏa xuống các gộp đá, các bụi dây leo trông bàng bạc cả một vùng Nhất Tự Sơn.

Hôm nay, nhóm của Thạch từ thành phố kéo nhau đi thăm Hòa. Thằng bạn học từ thời phổ thông lao đao, lận đận nhất. Nó học giỏi, đậu ưu bên Thủy sản, tuyển về Trung tâm Nghiên cứu và khai thác hải sản của phố thị. Không biết Hòa làm ăn thế nào, nghe bảo đã từng lập luận chứng kinh tế về rong tảo gì đấy và cái mớ bòng bong kia bị kẻ khác chen vào. Lại nghe nó lần mò nghiên cứu chất đạm từ bã cá muối mắm cho gia súc cũng bị hoạnh họe lên xuống đến xếp xó đề tài. Chán hay mệt mà cu cậu nghỉ ngang hông về hẳn vùng biển heo hút này mở trại nuôi tôm hùm lồng.

Cả ngày hôm đó, Hòa dẫn cả bọn lang thang quanh Nhất Tự Sơn, nơi có ngôi chùa Hang nằm sâu trong núi, một thời từng có vị tu già bây giờ đi đâu chẳng rõ và bên kia các gộp đá là con đường độc đạo đến núi với tên gọi Sóng Giao Đầu. Hòa bảo, mỗi năm nơi này đều có người bị nước nhấn chìm, bởi chỉ cần muộn giờ quay về, cho dù có hối hả mấy cũng đến nửa đường bị chặn lại bởi lực hút của những đợt sóng lưỡi búa khi giao đầu đập chết. Dân nuôi tôm hùm chỉ nhìn và không dại gì đưa lồng về nơi này, cho dù thềm cát sạch bong, rêu tảo đầy rẫy.Nhưng dù có gì chăng nữa, thì đúng là Nhất Tự Sơn đẹp tuyệt, đi dưới những tán cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá cùng dây leo phủ tràn, tiếng chim hót véo von, nước chảy róc rách, chùa Hang lối đi sâu hút lành lạnh đến nổi da gà bên các bức tượng thạch nhũ giống hình người nằm, ngồi, cười khóc. Ra phía ngoài chùa, nơi các gộp đá trải sát thềm biển, bọn tôi gặp rất nhiều  người đang hí húi cạy ốc, những con ốc vú nàng to bằng năm ngón tay chụm lại vỏ xanh rêu, đỏ hồng khóe miệng, Hòa còn bảo “ốc vú nàng nơi này nhiều nhất, ngon nhất có lẽ từ một… Nhưng không, phải nói ở đây có môi trường tốt thì đúng hơn, tôi chỉ bọn ông cạy ốc nhé”. Hòa mang theo sẵn cả bó dao nhíp để chia đều cho mọi người và khi dùng mũi nhọn lách nhẹ miệng ốc giữa mặt đá là tách dễ dàng. Tiếng Vinh cười khúc khích trong tiếng sóng xô ghềnh: “Giống gì mày, Quảng?”. Quảng chổng mông tránh ướt quần bởi sóng, quay lại đáp tỉnh bơ: “Đẹp như vú con gái ấy…”.

Và bây giờ, cả bọn ngồi cạnh lối ra vào chùa Hang trên mặt đá nhẵn thín làm bàn để uống rượu và nhâm nhi ốc vú nàng nướng khi trời tối hẳn, khi mà không còn lối về bởi con đường độc đạo đã bị sóng giao đầu bủa vây…Bất chợt, từ phía xa nơi gộp đá chồng khuất dưới tán dây leo cách chỗ ngồi khá xa, có tiếng người theo gió dội đến nghe rờn rợn, rồi lại trầm trầm câu hát “Nhân gian ở trọ cùng nhau… Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…”.

Quái, lại còn nhân vật nữa chưa vượt qua sóng giao đầu để về làng? Thạch nhìn Hòa, nó vẫn thản nhiên nghiêng chai rót rượu và cũng bình thản nói “Gã điên đấy, điên nhưng cực hiền. Tới tua mày nghe Thạch”. Cả nhóm quay nhìn phía tiếng hát vẳng đến và trong bóng trăng soi  chênh chếch trên đầu, có bóng một người đang đi đến. Không, đúng hơn là nhảy, bám loi choi trên từng phiến đá và tiếng hát lại văng vẳng dội đến “Mong cho ở trọ cùng nhau… Mai kia dù có xa xôi… cũng đành” nghe da diết, buồn buồn và cũng thật trong trẻo, đến lạ.

Gã điên như lời Hòa nói đã đến gần, cứ loi choi băng qua từng gộp đá không hề sơ sẩy như loại thằn lằn biển. Cả bọn như nín thở chờ đợi và kìa, sau cú nhảy vượt gộp, gã đã đứng sờ sờ trước mặt. Đám mây sà thấp vừa kéo qua hé lộ một khoảng sáng bừng soi tỏ khuôn mặt gã. Một khuôn mặt già nua nhưng tiếng hát trong trẻo đến lạ, gã ngơ ngác nhìn mọi người và nhẹ cười lại thấy khuôn mặt trẻ ra có phần đẹp trai hơn cả nhóm đang ngồi trố mắt nhìn thân hình gầy gòm kia. Hòa lẳng lặng chọn con ốc vú nàng to nhất đưa gã lúc Vinh nhanh tay rót rượu để mời. Gã lại mỉm cười cầm lấy con ốc nhưng khoát tay từ chối ly rượu đưa tới và tung tẩy vung tay, loi choi nhảy sang gộp đá khác, miệng lại hát vang trong gió lồng lộng, trong từng ánh lân tinh hắt trên mặt biển “Mong cho ở trọ cùng nhau, mai kia dù có xa xôi cũng đành…” mãi đến lúc khuất hẳn.

Hòa nhìn mọi người, bảo:

- Lão điên ấy được sư trụ trì chùa Hang này nhận làm con nuôi. Ngày sư đột nhiên ra đi bỏ chùa, bỏ gã nên gã mới tưng tửng như thế.

Hòa điềm nhiên uống rượu và lẳng lặng rót ly khác, thoáng nhăn mặt:

- Nhưng có chuyện này thì ở đây ai cũng biết, kể nghe vui thôi. Thằng Vinh kia ngồi nhích vào, định tháo tua hả? Sau lưng mày là cửa xuống chùa Hang đấy, phía trong có cặp rắn thần mồng đỏ lâu lâu bò lên tìm mồi, không khéo nó tưởng mày là con khỉ già, nó tợp thì toi đời!

Cả bọn bật cười, Vinh nhấp nhổm nhích vào khi Hòa trầm giọng kể.

-… Mặt đầm vòng cung này dài hơn hai mươi cây số và nước thủy triều tạo nên nhiều vực xoáy, kể cả con đường độc đạo có sóng giao đầu. Vào mùa xuân lúc dân làng chài sắm sửa đón Tết thì nghe bọn nhỏ đang vui đùa trên sóng nước chợt la ré, chạy dạt hết lên bờ trong nắng sớm mai. Khi người lớn đến đã thấy dưới làn nước trong xanh  kia vật vờ xác một cô gái. Lúc đưa cô ấy vào bờ cát, mọi người đều ngẩn ngơ nhìn bởi cô gái đẹp, đẹp rực mà không rõ tung tích, không mảnh vải che thân, lồ lộ làn da trắng ngần, suối tóc chảy dài che lấp khuôn ngực đầy đặn nở căng, trải xuống tận gót chân son…

Vinh chen ngang:

- Ê Hòa, sao biết rành vậy mày, lúc mày ở bên chắc?

- Khép miệng lại, đang hồi hấp dẫn mà. Thằng Thạch kia, mày nhét vú nàng vào miệng thằng Vinh cho tao cái- Quảng nói.

Hòa im lặng, ánh mắt nó dõi ra xa, nó cầm chai rượu trên tay nhưng không rót.

- Ừ, không ai biết là người ở đâu nên dân làng đem chôn đỉnh đồi cát gần chỗ sóng giao đầu, dưới chân gộp đá có vực xoáy để mang tên mới là vực Con Gái. Năm ấy, trời yên biển lặng, dân làng chài ra khơi trúng cá đầy khoang thuyền và lặc lè dưới lưới cũng đầy ắp cá để về bến. Trúng mùa nên vào đợt hát lăng cầu ngư cuối năm họ tổ chức rình rang cả tuần liền với hát Bộ, hò bả Trạo, đánh bài Chòi và cả ăn uống thâu đêm suốt sáng trên đình thờ cá Ông. Nhưng mới sang ngày thứ ba thì chuyện bất ngờ ập đến. Làng đầm An Hải vừa neo thuyền sau ngày ra khơi. Trưởng lạch bên ấy có người con trai định bắt mối với cô gái là con trưởng lạch bên này, nghe bảo họ đẹp đôi vì anh chàng cao to lực lưỡng, giọng nói vang vang trên sóng nước sẵn sàng nối dõi gia đình qua ba đời trưởng lạch. Còn cô gái thì đương nhiên cũng khỏi chê, gái biển da bánh mật, lưng ong, mắt rợp mi cong vút, gánh cá vượt cồn cát băng băng, chiều chồng số một nhất là những ngày biển động cũng dữ dội chẳng vừa. Anh con trai vừa xổ hết cá lên bờ đã vội tháo dây, quát gọi trai bạn chụp lấy quai chèo băng băng rời lạch về hướng lễ hội, văng vẳng tiếng trống thúc nhịp cho đội bả Trạo chuẩn bị lễ vật cúng biển. Khi ngang qua vực Con Gái, thuyền chòng chành và sóng ngầm cuộn đến, sôi réo sùng sục. Cả đám trai bạn cuống cuồng giữ be thuyền khỏi lật nhưng con trai trưởng lạch thì không, cứ đứng ngang nhiên trên mũi thuyền, mắt ngơ ngẩn dõi theo làn sóng cuộn rồi đột nhiên lao mình xuống vực Con Gái.

Chiều ấy, hai trưởng lạch cho tất cả các đội thuyền giăng đủ các loại lưới rà tận đáy tìm xác nhưng không có. Ba ngày sau, dưới vực Con Gái nổi lên xác anh chàng này. Cũng vẫn tươi nguyên như lúc ban đầu, trên môi còn phảng phất nụ cười thỏa mãn. Và cũng đương nhiên, kẻ nào chết nước nhất là nơi sông dài biển rộng thì không thể đem về nhà, họ chôn người xấu số trên đỉnh đồi sát mộ cô gái. Mỗi năm, lại thêm từng chàng trai lao mình xuống vực hoặc chết thảm nơi con đường độc đạo Sóng Giao Đầu. Khổ nỗi, toàn là trai tân đẹp rực, đâu như thằng Quảng trố xấu đui, xấu điếc kia! Nhưng thêm điều này nữa, là biển có lắm huyền thoại, dân biển phải tin vào mọi điều vì họ luôn đối mặt với sự dữ dội do sóng nước mênh mông.

Mọi người im lặng, trăng chênh chếch trên cao vẫn tỏa sáng dìu dịu, vẫn nghe tiếng sóng biển bao quanh rì rào. Tiếng Hòa lại cất lên, nhỏ thôi nhưng rõ mồn một:

- Cho đến một lần, có chiếc thuyền chở đội bả Trạo xuống Tiên Châu chuẩn bị buổi hát lăng hằng năm. Do thuyền lớn, nên trưởng lạch cho phép quá giang thêm vài hành khách, trong ấy có một vị áo lam kiểu tu hành. Thuyền đi ngang vực Con Gái thì anh chàng trưởng mũi bả Trạo bật dậy định lao xuống vực lúc mọi người chưa kịp nắm giữ. Vị tu hành kia nhanh hơn rút ngay thanh kiếm sắc trong bọc chém vội xuống nước. Có tiếng vẫy mạnh, sùng sục từng vệt máu tuôn trào và loang rộng giữa vùng nước xoáy lúc chàng trưởng mũi ngã vật ra lòng thuyền bất tỉnh. Một con cá vược nổi lên mặt nước lớn bằng người con gái năm nào đang phơi bụng trắng hếu. Các ông biết không? Cá vược là loài cá hữu nhũ nên có đầy đủ các bộ phận giống người, dĩ nhiên là đẹp, nở căng, trắng mịn… Dân làng lại đưa con cá vược lên bờ, chôn gần mộ cô gái và cũng từ đấy vị chân tu ở lại lập nên chùa Hang này, cũng từ đấy vực Con Gái bình yên trở lại.

Tất cả mọi người đều trầm ngâm, không còn tiếng cười đùa và ngước mắt nhìn phía ngôi chùa Hang, nơi có con đường dẫn xuống sâu hun hút, tiếng gió luồn vào tận âm thanh réo rắt, giờ cả nhóm mới thấy cảm giác lạnh của khí  đá lan tỏa và cũng chẳng ai bảo ai đều ngồi sát vào nhau. Hòa lại nói:

- Ừ, còn chuyện anh chàng trưởng mũi của đội hòa bả Trạo, ngày sau khi tỉnh dậy, hắn kể… Khi thuyền đến sát vực, hắn nghe trong gió tiếng hát đầy du dương từ đáy nước vọng lên... và khi hắn nhìn xuống vực thấy cô gái cực kỳ xinh đẹp mỉm cười vẫy hắn và thúc giục hắn nhảy xuống. Lúc chớm bước thì làn sáng quét ngang đẩy hắn ngã trở lại và một màu đỏ bao trùm khắp người. Còn vị chân tu kia lại kể, cô gái ở vực xoáy là linh hồn vất vưởng năm xưa chết nhằm giờ thiêng dạt vào vùng này. Cô ấy là một kỹ nữ, một kiếp làm vợ thiên hạ, nên lâu lâu lại đi kiếm người. Ông ấy đã ở lại khá lâu để siêu độ cho các linh hồn và chăm sóc chàng trai. Năm tháng qua đi, vực Con Gái được thuyền bè qua lại thả từng viên đá dần lấp đầy, thời gian gió cát bão bay, các ngôi mộ trên đồi đều bị vùi lấp chỉ còn tồn tại ngôi chùa Hang rêu phong này. Mà không, còn một con người nửa tỉnh nửa mê vất vưởng tháng ngày, đó là gã điên ban nãy, là gã trai ngày ấy. Cái gã không tuổi cũng chẳng tên, cứ tồn tại qua bao thăng trầm và câu hát “Mong cho ở trọ cùng nhau, mai sau dù có…” ấy nghe cũng buồn buồn. Và thêm chuyện nữa, năm sau vùng này tự dưng xuất hiện một loài ốc lạ có rất nhiều trên những gộp đá, bãi ghềnh, đó là ốc vú nàng. Mà thôi, cắt ngang câu chuyện, ta uống và nói chuyện khác sẽ vui hơn nhiều, còn đợi thủy triều xuống mới vượt đoạn đường có sóng giao đầu. Thạch này…

Sáng hôm sau, trời còn mờ sương cả nhóm đã rời Nhất Tự Sơn băng qua con đường độc đạo Sóng Giao Đầu. Lúc đặt chân lên bờ bên kia, Thạch ngước nhìn vào màn sương đang giăng đầy phía Nhất Tự Sơn mong thấy bóng gã điên và câu hát văng vẳng buồn buồn lần cuối “Mong cho ở trọ cùng nhau, mai kia dù có xa xôi cũng đành…” nhưng vẫn là sự tĩnh lặng, tĩnh lặng an bình như không hề có những câu chuyện huyền thoại từng xảy ra ở vùng đất này.

Truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực Con Gái