Vì nhiều lý do nên không ít doanh nghiệp chưa quan tâm chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động.
Doanh nghiệp chú ý chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động sẽ giúp họ
làm việc tốt hơn, qua đó nâng cao năng suất lao động
Doanh nghiệp không quan tâmCông ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Toàn Tiến (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) chuyên gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại, hiện có khoảng 40 công nhân, lao động (CNLĐ). Đây là lĩnh vực sản xuất dễ gây tai nạn, đòi hỏi phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ và các phương tiện y tế thiết yếu để hỗ trợ cho CNLĐ. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, anh N.V.H. vừa giơ cánh tay có vết xước dài vừa bức xúc: “Tôi vào làm ở công ty cũng khá lâu rồi nhưng chưa bao giờ được cấp phát bất kỳ phương tiện bảo hộ lao động nào. Ở vị trí cắt kính như tôi lẽ ra phải có đầy đủ quần áo, găng tay, mũ bảo hiểm, giày… vì các tai nạn nghề nghiệp như trầy xước chân tay, chảy máu là chuyện thường ngày. Thậm chí có người còn bị mảnh kính vỡ găm vào phải đến bệnh viện mổ gắp ra. Mỗi khi xảy ra tai nạn, chúng tôi chỉ được phát bông, gạc để băng bó tạm thời. Những trường hợp nặng công ty chỉ hỗ trợ chút ít kinh phí để người lao động tự đi chữa trị. Công ty cũng chưa bao giờ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho chúng tôi. Ai không đủ sức khỏe làm việc thì công ty sẽ cho nghỉ để tuyển dụng người mới”.
Chị H.T.H. làm việc tại Công ty TNHH Samil Hà Nội Vina (TP Hải Dương) đã được hơn 5 năm. Chị lập gia đình hơn 2 năm nay nhưng niềm mong mỏi có một đứa con đối với vợ chồng chị vẫn chưa thành hiện thực. Chỉ đến gần đây sau khi đi thăm khám chị H. mới biết nguyên nhân. Do nhà vệ sinh và khu giặt rửa của công ty không bảo đảm vệ sinh nên chị gần như bất đắc dĩ lắm mới đặt chân vào. Thói quen "nhịn" đi vệ sinh và không vệ sinh sạch sẽ vào những ngày "đèn đỏ" cộng với việc phải ngồi làm việc nhiều giờ liền, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng, bụi đã khiến chị bị mắc bệnh phụ khoa. Nhưng do thời gian không cho phép, không hiểu biết nhiều về kiến thức sức khỏe sinh sản nên chị H. cũng chủ quan không đi khám. "Điều kiện của công ty không bảo đảm đã đành nhưng giá mà công ty và công đoàn thường xuyên tổ chức những chương trình tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản thì có lẽ tôi đã không rơi vào hoàn cảnh này", chị H. buồn rầu chia sẻ.
Khám sức khỏe mang tính... đối phóÔng Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết nếu không được quan tâm chăm sóc tốt, người lao động trong từng lĩnh vực sản xuất cụ thể có thể gặp phải những loại bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, bụi bông, sạm da, điếc, một số bệnh phụ khoa… Chăm sóc sức khoẻ cho CNLĐ bao gồm rất nhiều vấn đề như trang bị kiến thức, phương tiện bảo hộ, phòng tránh tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm đúng việc khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên; trang bị các kỹ năng sống khỏe như kiến thức về sức khỏe sinh sản, bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn hợp lý… Bộ luật Lao động cũng như nhiều quy định khác của pháp luật đã đề cập rất rõ đến việc chủ sử dụng lao động phải bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chủ động phòng tránh tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nên chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ. Cụ thể như họ không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động; khám sức khoẻ định kỳ sơ sài, mang tính chất đối phó; CNLĐ ít được khám bệnh nghề nghiệp bởi doanh nghiệp không tổ chức và chỉ được các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện khi có vấn đề xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động… Đặc biệt, việc khám sức khỏe định kỳ chưa được nhiều doanh nghiệp thực hiện đúng. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh mới chỉ có khoảng 60% số CNLĐ được hỏi cho biết công ty nơi họ làm việc có tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hằng năm. Hiện nay, số lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp may mặc, giày da, điện tử... lên đến hàng chục vạn người nhưng việc trang bị các kiến thức về sức khỏe sinh sản còn rất hạn chế. Điều này về lâu dài dễ ảnh hưởng đến chất lượng sống, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho nữ công nhân.
Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ có nhiều nguyên nhân. Đối với những doanh nghiệp lớn, việc cắt giảm bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, tuyên truyền kiến thức... sẽ giúp họ bớt một khoản chi phí không nhỏ. Nguồn lao động phổ thông trong xã hội hiện nay khá dồi dào nên doanh nghiệp sẵn sàng cho nghỉ việc những người sức khỏe giảm sút, không đáp ứng được công việc được giao để tuyển dụng người mới.
Để doanh nghiệp quan tâm đúng, đủ đến việc bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ cần có sự vào cuộc từ nhiều phía. Công đoàn các cấp cần phối hợp tham gia tổ chức tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy rõ lợi ích lâu dài, thiết thực mang tính nhân văn trong việc bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ bởi như thế sẽ giúp họ có được sự tin yêu, gắn bó của người lao động, duy trì được nguồn lao động có tay nghề cao giúp sản xuất phát triển. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp có vi phạm, các công đoàn cơ sở cần kịp thời có ý kiến tham mưu, báo với cấp trên tìm biện pháp xử lý; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động trong việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm.
THANH NGA