Sau khi nghe Tổng đốc Hải An tâu báo về việc được mùa, làng xóm hết nghèo khổ, hết trộm cắp, vua Minh Mạng đã vui mừng làm một bài thơ để ghi lại sự việc trên.
Bài thơ của vua Minh Mạng về nông nghiệp Hải Dương
Sinh thời vua Minh Mạng (hay Minh Mệnh), là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn (sinh năm 1791, trị vì từ năm 1820 đến khi mất năm 1841) rất coi trọng nông nghiệp. Ông xem nông nghiệp là gốc của việc an dân trị nước. Vì vậy, sách "Minh Mệnh chính yếu" đã có hẳn một phần trọng nông, ghi lại việc nông nghiệp của nhà nước. Hơn thế nữa, vua Minh Mạng lại làm rất nhiều bài thơ về cây lúa cũng như quan tâm đến việc nông của nhân dân.
Tại Hải Dương, khi nghe quan địa phương tâu báo về việc được mùa, làng xóm hết nghèo khổ, hết trộm cắp, ông đã vui mừng làm một bài thơ để ghi lại sự việc trên. Bài thơ có tiêu đề là "Hựu Hải Dương" được in trong Ngự Chế thi tứ tập quyển 8 bằng chữ Hán. Bài thơ có 4 câu, thể thất ngôn tứ tuyệt. Tuy vậy phần chú thích của tác giả lại đến 124 chữ Hán.
Nội dung của bài thơ nói về niềm vui của vua Minh Mạng khi nghe tin tổng đốc Hải Dương báo cáo tình hình nông nghiệp của địa phương. Bài thơ nói rằng Hải Dương là mảnh đất ở phía đông, người nhiều đất cũng nhiều, đó là nơi vựa thóc hàng ngàn hàng vạn, là niềm vui của dân chúng. Lúc được mùa xóm làng vui vẻ không có trộm cắp. Cuối cùng, nhà vua cho rằng ông vẫn tin vào mệnh trời, nhờ trời phù hộ nên khí hậu thuận hòa khiến cho muôn dân có được vụ mùa bội thu.
Đây là một tài liệu quý về khuyến nông của triều đình phong kiến, cũng thấy rõ trách nhiệm của việc nông tang quan trọng với quốc gia thế nào.
Chúng tôi xin phiên âm bài thơ như sau: "Đông tỉnh nhân đa địa diệc đa, thương sương thiên vạn hiệp nông ca. Niên phong đạo nhĩ lư diêm lạc, giai lại càn khôn khí hậu hòa. Dịch nghĩa: Là tỉnh nằm ở phía đông người nhiều đất cũng nhiều, kho lẫm chứa thóc hàng ngàn hàng vạn để mừng cho nhà nông. Năm được mùa hết trộm cắp, làng xóm yên vui, đều dựa vào trời đất ban cho khí hậu điều hòa".
Ở phần chú thích, bằng 124 chữ Hán viết rất nhỏ: theo Tổng đốc Hải An (Hải Dương, Hưng Yên) Nguyễn Công Trứ tấu báo, toàn tỉnh Hải Dương trừ vụ lúa thu, không phải vụ hè, các huyện có vụ hè như Vĩnh Lại, Chí Linh, Tiên Minh, Giáp Sơn, An Lão, Nghi Dương, Đông Triều, An Dương, Thủy Đường đều thu hoạch xong cả rất bội thu. Lại có ruộng vụ thu mà canh tác lúa cho vụ hè, cho đến các loại khoai lúa mạch đều được tươi tốt. Tuy Hải Dương không sánh được với Nam Định mà đất đai cũng màu mỡ, nay được mùa thì dân cư càng thêm no đủ, gần đây trộm cướp không có, dân cư yên ổn thật là đã kiểm nghiệm rõ điều đó. Tất cả đều do trời xanh nhân ái, gió mưa thuận hòa nên mới được như vậy.
Vua Minh Mạng đã làm rất nhiều bài thơ về nông nghiệp và liên quan đến thời tiết, như nói về mưa, về nắng, việc được mùa ở các địa phương. Thơ của Minh Mạng về thiên nhiên, về nông nghiệp, về nỗi vui buồn của người dân trong việc được mùa và mất mùa đã cho thấy người đứng đầu đất nước ưu tư rất nhiều về nông nghiệp, nông dân.
Minh Mạng là ông vua luôn chăm lo đời sống nhân dân, chú trọng phát triển kinh tế, khao khát cho dân giàu, nước mạnh. Ông đã áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển như khuyến khích khai hoang lấn biển, đẩy mạnh thuỷ lợi đào sông thoát lũ, hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc bộ, tiếp tục đo đạc, hoàn thiện sổ ruộng đất (địa bạ) trong toàn quốc, quy định lại chế độ thu thuế đinh, điền, thuế muối, thuế khai thác mỏ, thuế sản vật, thuế buôn bán tại các cửa quan, bến chợ, thuế cảng cho các thuyền buôn nước ngoài, khai mở nhiều ngành sản xuất mới…
NGUYỄN HUY KHUYẾN