Tiêu chí bưu điện đạt được sớm nhất trong 19 tiêu chí nhưng việc duy trì và hiệu quả của tiêu chí này còn nhiều vấn đề...
Hiện nay, hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã đều vắng khách. Ảnh: Mai Anh
Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay tất cả 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 của tỉnh ta đã hoàn thành tiêu chí về bưu điện. Đây là tiêu chí đạt được sớm nhất trong 19 tiêu chí. Mặc dù về đích sớm nhưng việc duy trì và hiệu quả của tiêu chí này còn nhiều vấn đề.
Dễ đạtKhi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã được Bưu điện tỉnh đầu tư một hòm thư công cộng đặt ngay tại trụ sở UBND xã. Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: "So với những tiêu chí khác, nhất là đường giao thông, thu nhập, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... thì tiêu chí này quá dễ dàng. Để đạt chỉ tiêu "có điểm phục vụ bưu chính viễn thông" thì chỉ cần lắp đặt thêm 1 hòm thư là xong, số tiền để đầu tư hòm thư này không nhiều. Còn chỉ tiêu thứ 2 là "có in-tơ-nét đến thôn" thì xuất phát từ nhu cầu có thông tin nên nhân dân đã tự bỏ tiền ra để thuê đơn vị kinh doanh lắp đặt. Đội ngũ giáo viên và những gia đình kinh doanh, hoặc những gia đình khá giả ở địa phương đều lắp đặt in-tơ-nét để phục vụ nhu cầu của chính mình. Hiện thôn có 2 điểm truy cập in-tơ-nét của người dân mở để kinh doanh và khoảng 15% số hộ dân nằm ở các thôn đã nối mạng in-tơ-nét ".
Trước những năm 2000, Tập đoàn Bưu chính viễn thông tập trung phát triển bưu cục. Sau năm 2000, song song với phát triển các điểm bưu cục, tập đoàn nhân rộng các điểm bưu điện văn hóa xã và mở rộng các đường vòng tuyến thư. Tập đoàn đã thiết kế 4 mẫu nhà dành cho điểm bưu điện văn hóa xã. Các địa phương căn cứ vào diện tích đất và nhu cầu của địa phương để chọn mẫu thiết kế cho phù hợp, kinh phí được tập đoàn hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển hệ thống bưu điện và viễn thông, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã xây dựng "Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2010" và Đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông". Từ năm 2009-2012, được sự đồng ý của Bộ TT-TT, Sở TT-TT đã đưa in-tơ-nét về 62 điểm bưu điện văn hóa xã, tạo điều kiện cho người dân được truy cập thông tin. Ông Nguyễn Quang Hảo, Giám đốc Sở TT-TT cho biết: "Do bưu điện đã được các ngành, các cấp tập trung đầu tư xây dựng từ lâu nên khi triển khai xây dựng NTM, chúng ta đạt được nhiều kết quả ngay. Đến nay, toàn tỉnh có 186 điểm bưu điện văn hóa xã và 52 bưu cục. Trong 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 thì có 56 xã đã có điểm bưu điện văn hóa xã, 2 xã là Thanh Hải (Thanh Hà) và Tân Hồng (Bình Giang) đã được lắp đặt hòm thư công cộng. Toàn tỉnh đã có 2.000 thuê bao in-tơ-nét sử dụng cáp quang và 61 nghìn thuê bao sử dụng in-tơ-nét băng rộng. 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 đều đã có in-tơ-nét đến tất cả các thôn phục vụ nhân dân".
Khó duy trì hoạt độngViệc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bưu điện văn hóa xã đang là vấn đề đáng bàn. Ông Đào Ngọc Trai, cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) cho biết: "Điểm bưu điện văn hóa xã mở cửa từ 7-11 giờ các ngày trong tuần, còn buổi chiều đóng cửa để cán bộ văn hóa đi nhận và phát thư, công văn, giấy tờ khác. Tuy mở cửa cả buổi sáng nhưng lượng người đến rất ít. Hầu hết chỉ những phụ huynh đi đón con, trong lúc chờ các cháu tan học thì ghé vào đọc sách báo, trung bình mỗi buổi có khoảng 5 người". Theo quan sát của chúng tôi, do ít người qua lại và không được quan tâm đúng mức nên khu vực bên ngoài của điểm bưu điện cỏ dại mọc đầy, một số chỗ được người dân sử dụng để trồng cỏ cho cá, bên trong sân rác thải lâu ngày không được dọn chất đống, biển chỉ dẫn mờ...
Mỗi ngày Bưu điện văn hóa xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) thường chỉ có khoảng 5 người xem sách báo
Tình trạng của bưu điện văn hóa xã Cẩm Đoài cũng là tình trạng chung của hầu hết các bưu điện văn hóa xã hiện nay. Qua tìm hiểu thực tế, một số bưu điện hoạt động không hiệu quả, lương của cán bộ làm bưu điện không đủ duy trì cuộc sống nên ở nhiều nơi khó tìm người. Một số nơi, cán bộ bưu điện văn hóa xã chỉ làm một thời gian ngắn là nghỉ, Bưu điện tỉnh lại phối hợp với UBND xã tìm người khác thay thế. Có những nơi không có khách đến thực hiện các giao dịch, nhưng do quy định của ngành nên cán bộ bưu điện vẫn phải mở cửa và họ phải làm thêm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống. Hằng ngày, Bưu điện tỉnh vẫn bổ sung một số loại báo như báo Hải Dương, báo Nhân dân, tạp chí của ngành nhưng cũng không thu hút được nhân dân đến đọc. Thời đại bùng nổ in- tơ-nét, người dân có thể tiếp cận với thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên họ không còn thói quen đến các điểm công cộng truy cập thông tin. Bà Trần Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp (Bưu điện tỉnh) cho biết: "Hiệu quả hoạt động của hệ thống bưu điện văn hóa xã xét về mặt kinh tế không cao, hầu hết các điểm đều đang lỗ và Bưu điện tỉnh phải bù chi phí. Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống bưu điện văn hóa xã nhanh chóng bị lỗi thời. Mặc dù vậy, Bưu điện tỉnh vẫn duy trì hệ thống này và tìm nhiều biện pháp khắc phục để bưu điện văn hóa xã đạt được đúng mục đích khi xây dựng".
Để hệ thống bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả, nhiều giải pháp đang được triển khai, trong đó tập trung vào việc đa dạng hóa các dịch vụ của bưu điện. Ngoài các dịch vụ bưu điện văn hóa xã đang có, thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ thêm dịch vụ chuyển tiền và chi trả lương hưu ở một số bưu điện văn hóa xã đạt yêu cầu; tích hợp nhiều loại hình dịch vụ để nâng cao thu nhập của cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã, làm cho họ yên tâm gắn bó với nghề. Đối với những bưu điện ở vùng sâu, vùng xa, sẽ thực hiện chính sách bao cấp để duy trì hoạt động...
THANH HÀ