Giới phân tích nhận định, vụ ông Jang Song-thaek vừa bị thanh trừng đã gửi một thông điệp xấu cho giới lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Jang Song-thaek (trái) và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hồi tháng 8-2012 - Ảnh: Reuters.
Ngày 9-12, Triều Tiên chính thức thông báo ông Jang, vốn từng là nhân vật quyền lực số 2 của Triều Tiên, bị tước mọi chức vụ, với cáo buộc phạm nhiều “tội ác” như chống đảng, chống phá cách mạng, tham nhũng, theo hãng thông tấn KCNA.
“Ông Jang là nhân vật mang tính biểu tượng ở Triều Tiên, đặc biệt về cải cách kinh tế và cách tân. Ông ấy là người mà Trung Quốc muốn dựa vào để chuyển động nền kinh tế Triều Tiên”, Giáo sư Chu Phong tại Đại học Bắc Kinh, nhận định với báo The New York Times.
Ông Jang đã nhiều lần đến thăm nước láng giềng và được xem là người ủng hộ lớn nhất cho cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc mà Bắc Kinh đang yêu cầu Bình Nhưỡng áp dụng.
Do đó, vụ phế truất ông Jang có thể gây tác động không chỉ đến tình hình bán đảo Triều Tiên mà còn một số nước bên ngoài, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, một đồng minh lớn của Triều Tiên.
Cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh?
Trong số “tội ác” mà ông Jang bị cáo buộc phạm phải có việc bán nguồn tài nguyên với giá rẻ. Cáo buộc này cũng bị cho là nhằm trực tiếp vào Bắc Kinh vì Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua khoáng sản và quặng sắt của Triều Tiên, theo The New York Times.
Ngay sau khi lên nắm quyền, lãnh đạo Kim Jong-un than phiền nguồn tài nguyên của Triều Tiên bị bán với giá quá rẻ. Do đó, ông đã yêu cầu tăng giá bán của các loại khoáng sản, như đất hiếm, than đá vốn được xuất khẩu bởi các công ty liên doanh giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Than phiền của ông Kim bị loan báo ở Trung Quốc, khiến các công ty khai thác mỏ nước này nổi giận, và nhiều công ty đã bỏ kế hoạch khai thác ở Triều Tiên.
Ngoài ra, nhà phân tích Cho Bong-hyun tại Viện Nghiên cứu Kinh tế IBK (Hàn Quốc) cho rằng, hiện có một số dự án mà Trung Quốc đã xúc tiến vì họ tin tưởng ông Jang.
Do đó, một số nhà quan sát dự đoán sau vụ thanh trừng ông Jang, tình hình đầu tư của Trung Quốc ở Triều Tiên, vốn đã có dấu hiệu không tốt, có thể trở nên tồi tệ hơn.
|
“Không cần Trung Quốc hỗ trợ”
Trong khi có quan hệ tốt với ông Jang, giới lãnh đạo Bắc Kinh được cho là thờ ơ với lãnh đạo Kim Jong-un. Báo The Korea Times chỉ ra kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim chưa có cuộc gặp nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một số nhà quan sát còn cho rằng, ông Tập đã từ chối gặp lãnh đạo Kim dù Bình Nhưỡng đã chuyển đề nghị này trong những lần điều các đặc phái viên sang Trung Quốc.
“Nhìn chung, Trung Quốc không có quan hệ nồng ấm với Kim (Jong-un) từ khi ông này lên nắm quyền cách nay hai năm và mọi việc trở nên tồi tệ hơn sau khi miền Bắc thử hạt nhân lần 3 hồi đầu năm nay. Bằng cách hạ bệ ông Jang, người đã xây dựng và duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh trong thời gian dài, Kim dường như muốn khẳng định rằng chính quyền của ông có thể tồn tại mà không cần sự hỗ trợ của Trung Quốc”, Giáo sư Son Tae-gyu tại Đại học Dankook nhận định với The Korea Times hôm 11.12.
Nhận định của ông Son trái ngược với giả thuyết rằng Triều Tiên không thể tổn tại nếu không có sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc.
Mỗi năm, Bắc Kinh được cho là viện trợ cho Bình Nhưỡng lượng lớn về thực phẩm và dầu, dù số lượng cụ thể không được công bố. Giới chức Trung Quốc cũng đã giúp ngăn chặn giới buôn lậu ra vào Triều Tiên.
Nhiều người Triều Tiên làm việc ở vùng đông bắc Trung Quốc và gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Du khách Trung Quốc chiếm nhiều nhất trong tổng số du khách đến nước láng giềng. Đây là những nguồn tiền ổn định đối với Triều Tiên, vốn gặp khó khăn về kinh tế.
Đồng tình với nhận định của Giáo sư Son, chuyên gia Jang Yong-seok tại Viện Nghiên cứu Thống nhất và Hòa bình (Hàn Quốc) phân tích: “Có giả thuyết Bắc Kinh đã cố ngăn chặn Bình Nhưỡng thử hạt nhân thông qua ông Jang, người đóng vài trò quan trọng trong con đường đến với quyền lực nhanh chóng của ông Kim. Nếu giả thuyết đó đúng, vụ thanh trừng ông Jang chẳng khác nào là sự từ chối thẳng thừng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng ông Jang đã đóng vai trò trung tâm trong hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Trung Quốc”.
Lo ngại liên Triều thống nhất?
Phản ứng về vụ ông Jang bị thanh trừng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nhấn mạnh, đó là chuyện nội bộ của Triều Tiên và tuyên bố Bắc Kinh sẽ duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng vụ ông Jang có thể làm tăng nguy cơ bất ổn ở Triều Tiên trong bối cảnh Trung Quốc đang căng thẳng với Nhật Bản và Hàn Quốc.
|
Lâu nay, Trung Quốc xem Triều Tiên là lá bài ngoại giao để cản trở Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Hàn Quốc. Do đó, Bắc Kinh lo ngại nguy cơ Chính phủ Triều Tiên sụp đổ có thể dẫn tới sự tái thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của một chính phủ ở Hàn Quốc liên minh với Mỹ, theo The New York Times.
Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc) cho rằng, Trung Quốc đang lo ngại về nguy cơ bất ổn mà có thể xuất phát từ những hành động như vụ thanh trừng ông Jang.
Ngoài ra, Trung Quốc còn quan ngại về khả năng lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cho tiến hành thử hạt nhân mới, theo chuyên gia Mỹ Roger Cavazos. “Những người Trung Quốc mà tôi đã gặp đều cho biết họ lo ngại ông Kim Jong-un sẽ sớm thử hạt nhân”, ông Cavazos nói với The New York Times.
Ông Cavazos cho biết thêm giới học giả Trung Quốc còn quan ngại ông Kim có dấu hiệu “ngày càng mất kiểm soát” và nhận định “bất kỳ cuộc thử hạt nhân nào của Triều Tiên cũng đẩy Trung Quốc vào thế kẹt”.
Hồi tháng 2, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã gián tiếp cáo buộc nước láng giềng gây bất ổn khu vực cho “những mục tiêu ích kỷ”.
Văn Khoa (Thanh niên)