Người dân Liban đang rất bất bình trước việc một lượng khổng lồ hóa chất ammonium nitrate bị lưu giữ trong nhiều năm trời tại một nhà kho ở cảng bất chấp những cảnh báo an ninh liên tiếp.
Nhà cửa bị phá hủy sau vụ nổ ở Beirut, Liban ngày 4.8.2020
Giới chức Liban đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng. Một quan chức tư pháp cho biết sẽ thẩm vấn một số bộ trưởng và cựu bộ trưởng.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế cũng như người dân Liban đã kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế, tuy nhiên Tổng thống Liban Michel Aoun cho rằng một cuộc điều tra như vậy chỉ "tốn thời gian."
Mặc dù vậy, Công tố viên Paris (Pháp) Remy Heitz hồi tuần trước cho biết có công dân Pháp trong số những người bị thương và cơ quan công tố đã mở một cuộc điều tra cáo buộc "bất cẩn gây thương tích," sử dụng quyền tài phán của mình để điều tra các hành động xảy ra ở nước ngoài đối với công dân Pháp.
Người dân Liban đang rất bất bình trước việc một lượng khổng lồ hóa chất ammonium nitrate bị lưu giữ trong nhiều năm trời tại một nhà kho ở cảng bất chấp những cảnh báo an ninh liên tiếp.
Cuộc biểu tình phản đối của người dân đã khiến chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức. Ngày 13/8, Quốc hội Liban đã thông qua tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần, tạo điều kiện pháp lý cho việc ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho ở cảng Beirut tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5, đã khiến 172 người thiệt mạng, trong khi ít nhất 6.500 người bị thương và hiện còn khoảng 30-40 người mất tích.
Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, nhà chức trách ước tính thiệt hại khổng lồ vào khoảng 15 tỷ USD, trong khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại đang bị đình trệ.
Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là những nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Aoun ngày 13.8 kêu gọi Brazil hỗ trợ Liban tái thiết đất nước sau vụ nổ.
Phát biểu tại cuộc hội đàm với cựu Tổng thống Brazil Michel Tamer đang ở thăm Liban, ông Aoun bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng Brazil không hạn chế sự hỗ trợ dành cho Liban ở việc viện trợ nhân đạo, vì Liban cũng cần các vật liệu xây dựng như nhôm, thủy tinh, gỗ và bê tông."
Ông Aoun cho biết Liban đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, cộng với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và một lượng lớn người tị nạn Syria đang ở Liban.
Tại cuộc hội đàm, ông Tamer thông báo Brazil sẽ tài trợ 16.000 tấn thuốc men cho Liban, và 4.000 tấn gạo, sẽ được chuyển đến bằng đường biển. Ông cũng cho biết có 10 triệu người Brazil gốc Liban đã cam kết gửi thêm hàng viện trợ
Theo Vietnam+