Những người liên quan vụ giảm án cho 'trùm' cờ bạc Phan Sào Nam đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả của 'tình huống pháp lý hiếm khi xảy ra trong lịch sử tố tụng'.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa thống nhất đưa vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù với Phan Sào Nam vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Hai vụ việc khác cũng bị đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi gồm: việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực liên quan đến vụ án buôn lậu, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới và vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang; việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong vụ án thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên.
9 tập thể và 29 cá nhân liên quan
Phan Sào Nam - nhân vật số 2 trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua game bài Rikvip/Tip.Club từng gây xôn xao dư luận - bị kết án 5 năm tù về các tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Ngoài ra ông Nam còn bị buộc nộp lại số tiền hơn 929 tỷ đồng, tịch thu, sung công quỹ số tiền hơn 548 tỷ đồng, theo bản án của tòa phúc thẩm xét xử năm 2019.
Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau khi bản án có hiệu lực, ngày 29.4.2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho ông Nam. Gần 1 năm sau, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho ông Nam. Phạm nhân Nam ra trại ngày 6.2.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan tố tụng Quảng Ninh đã liên tiếp có các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam, tạo điều kiện cho ông trùm này ra tù trước hạn đến 22 tháng.
Ngay sau đó, Viện Kiểm sát cấp cao 1 đã ra kháng nghị cho rằng hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật. Viện Kiểm sát cấp cao đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam.
Theo thông tin sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo ngày 18.11, liên quan việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam có đến 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực bị xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật với Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, một số ủy viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và cán bộ Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
Phan Sào Nam có phải trở lại tù?
Một số cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ việc này đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả pháp lý do các quyết định giảm án gây ra vẫn chưa được giải quyết triệt để. Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đã ra kháng nghị từ tháng 4 nhưng đến nay Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội chưa đưa ra xử giám đốc thẩm. Một trong những nguyên nhân kháng nghị chưa được xem xét là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hoạt động của tòa án bị ảnh hưởng.
Luật sư Trương Anh Tú đánh giá những sai phạm của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thuộc Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh là tình huống pháp lý hy hữu, hiếm khi xảy ra và bị xử lý trong lịch sử tố tụng. "Việc cơ quan kiểm sát ra kháng nghị với một bản án là bình thường nhưng kháng nghị với quyết định giảm án là điều chưa từng thấy", ông Tú nói.
Theo phân tích của luật sư Tú, Hội đồng giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao sẽ ban hành quyết định chấp nhận hoặc bác kháng nghị liên quan tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam. Nếu Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị, thấy có căn cứ để hủy quyết định giảm án tha tù thì ông Nam buộc phải ngồi tù lại.
"Quyết định tha tù nếu bị hủy, đương nhiên quyết định cũ tồn tại nên Phan Sào Nam buộc phải thi hành nốt bản án còn lại", luật sư Tú nói, đồng thời cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng địa phương và trung ương sẽ yêu cầu cán bộ giải trình. Nếu xác định do lỗi chủ quan duy ý chí sẽ bị xử lý hành chính. Nhưng nếu có sự bất minh, sai phạm nghiêm trọng sẽ xử lý nặng tùy mức độ theo quy định pháp luật.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, cũng cho rằng các cán bộ tòa án Quảng Ninh liên quan việc tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam đã vi phạm rất nghiêm trọng và bị xử lý kỷ luật. Hội đồng giám đốc thẩm sẽ xem xét kháng nghị và nếu việc giảm án là sai, ông Nam sẽ phải thi hành nốt bản án.
Đã xử lý kỷ luật về mặt chính quyền
Về việc kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể về mặt chính quyền với các cán bộ vi phạm liên quan quyết định tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam, ông Hoàng Văn Tiền, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết đã có hình thức xử lý kỷ luật với các cán bộ vi phạm nhưng không thông tin cụ thể hình thức xử lý.
Ông Tiền cũng không trả lời câu hỏi về việc có hủy bỏ các quyết định giảm án cho phạm nhân Phan Sào Nam hay không, sau khi các quyết định này được xác định là không đúng quy định.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo thi hành kỷ luật cảnh cáo những người liên quan gồm: Hoàng Văn Tiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Phạm Thị Hương Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh; Nguyễn Trí Chinh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh; Nguyễn Thúy Hằng, Bí thư Chi bộ, Chánh tòa dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Theo Tuổi trẻ