Gần đây, chị Thanh thấy người khang khác, hễ nhìn đồ ăn bày đầy bàn và mở nồi cơm điện ra là chị nôn nao cả người.
Chị nghĩ có lẽ tại mình hay ăn hoa quả nên bụng không có cảm giác đói. Hơn nữa thời tiết mùa hè nóng nực nên chị mệt mỏi, sợ cơm cũng là chuyện bình thường. Ngồi vào bàn ăn là chị gảy gót, uể oải khiến chồng chị cằn nhằn, đổ tại chị ăn vặt suốt ngày nên mới thế. Không ngờ sau những ngày ăn uống thất thường, chị Thanh bị hạ đường huyết, phải vào viện cấp cứu. Lúc thăm khám, bác sĩ phát hiện chị đã có thai hai tháng. Chị hoảng hồn vì đây là lần mang thai thứ ba, không có trong kế hoạch của vợ chồng chị.
Vợ chồng chị Thanh đã "có nếp có tẻ". Thằng Quân năm nay học lớp 10, còn cái Vy học lớp 6. Lo cho hai đứa con ăn học, chị đã thấy rất vất vả. Vợ chồng công nhân phải chi tiêu tằn tiện thì mới lo cho các con đủ đầy, bằng chúng bằng bạn. Bây giờ chị “vỡ kế hoạch” thế này, bao nhiêu băn khoăn và áp lực ập đến. Chị tự trách mình chủ quan, vô tâm với chính cơ thể của mình nên để xảy ra tình huống khó xử như thế. Điều chị Thanh sợ hãi nhất là chị đã cao tuổi, ngoài bốn mươi rồi, không thuận lợi cho việc sinh nở. Các cụ có câu “chửa cửa mả” khiến chị càng lo lắng. Bác sĩ siêu âm cho chị xong, kết luận: “Giữ hay bỏ là tùy chị. Chị nên về bàn bạc kỹ với gia đình”.
Chị Thanh lấy hết can đảm để nói cho gia đình biết chuyện chị bị “vỡ kế hoạch” và bàn việc giải quyết hậu quả. Mẹ chồng chị vừa động viên vừa cảnh báo: “Con cái là của để dành con ạ. Giàu con giàu của. Bỏ là phải tội đấy. Một con sa bằng ba con đẻ”. Chồng chị hồ hởi như vớ được vàng: “Cố đi em. Con cái là của trời cho. Khối người muốn mà còn không được”. Chị Thanh nhăn nhó, phân trần “Nhưng đẻ mười đứa thì sau này cũng chẳng đứa nào nuôi bố mẹ đâu. Anh nhìn làng xóm mà xem. Nhiều nhà đông con toàn thấy mất đoàn kết, tranh giành thừa kế, làm khổ cha mẹ. Hay là mình dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt?". Chồng chị kiên quyết: “Không bàn đi tính lại nữa. Có là đẻ”. Chị Thanh thở dài, ngao ngán: “Nhưng anh có phải đẻ đâu, có phải cho con bú mớm đâu mà biết được nỗi khổ của đàn bà”. Anh biết tính chị, tốt nhất là không lời qua tiếng lại nữa thì chị sẽ lặng im. Thằng Quân và cái Vy thì ngỡ ngàng trước tin chúng sắp có em. Sau giây phút bất ngờ, hai đứa tỏ ra háo hức vì gia đình sắp có thành viên mới. Chỉ riêng chị Thanh không vui vì chuyện này nằm ngoài dự liệu của chị. Đã hết thời kỳ bầu bí, con mọn, giờ trở lại với tã lót, bỉm sữa thì chị thấy ngại vô cùng.
Suốt thời gian thai kỳ, chị Thanh được cả nhà quan tâm, chăm sóc nhưng chị vẫn không hết lo lắng. Nỗi ám ảnh vì lớn tuổi và hơn chục năm rồi không sinh nở khiến chị phập phồng, hồi hộp chờ ngày đứa con ra đời. Chị cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút hẳn so với hai lần mang thai trước nên phải nghỉ làm không lương. Thu nhập của gia đình giảm đi một nửa khiến chồng chị phải nai lưng ra làm thêm. Cuối tuần, ngày nghỉ anh cũng tìm việc để làm thuê làm mướn, mặt mày đen sạm, hốc hác. Quanh quẩn ở nhà với cơm nước, dọn dẹp làm chị bó buộc đến phát phiền, nhưng thấy chồng vất vả nên chị không dám kêu ca phàn nàn.
Gần đến ngày sinh nở, chị Thanh phải vào nằm viện để bác sĩ theo dõi. Nguy cơ chị phải mổ đẻ rất cao, chả bù cho hai lần trước, chị không sang bệnh viện nhanh thì đẻ rơi. Cả nhà thay phiên nhau túc trực và mang cơm cho chị. Sinh hoạt gia đình gần như bị đảo lộn. Nhìn thằng Quân và cái Vy tất bật, chị thương con muốn trào nước mắt. Bây giờ chị không dám hình dung ra chặng đường dài phía trước, chỉ mong sao mẹ tròn con vuông là hạnh phúc lắm rồi.
TRẦN THỊ LÀNH