Vợ chồng anh Đô và chị Huệ ở thị tứ Đoàn Tùng (Thanh Miện) đang sở hữu 3 cơ sở sản xuất áo mưa có doanh thu hằng năm lên tới cả trăm tỷ đồng.
Cơ sở sản xuất áo mưa Thành Đô đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng
Cùng sinh năm 1982, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đô và chị Trần Thị Huệ ở thị tứ Đoàn Tùng (Thanh Miện) đang sở hữu 3 cơ sở sản xuất áo mưa với thương hiệu Thành Đô có doanh thu hằng năm lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhìn cơ ngơi đáng nể của vợ chồng trẻ này ít ai biết họ từng gặp phải muôn vàn khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp.
Cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Đô đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Huệ cho biết, năm 2006, do vốn ít, nguyên liệu phải nhập tận Sài Gòn nên họ chỉ xây dựng được 1 cơ sở với diện tích khoảng 200 m2, chuyên sản xuất một loại áo mưa. Sau đó, việc sản xuất của gia đình phải tạm ngưng do sử dụng máy cao tần - một loại máy may có nhược điểm là tác động tới sóng truyền hình khiến ti-vi bị nhiễu, nhân dân phản ứng. Và vợ chồng chị quyết định dựng xưởng sản xuất ngoài cánh đồng. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tháng, xưởng bị sét đánh gây thiệt hại không ít về tài sản. Không nhụt chí, họ vẫn kiên trì khắc phục khó khăn bằng cách về sản xuất tại nhà nhưng chuyển từ làm ngày sang đêm. Mặc dù sẽ phải trả lương cho công nhân cao hơn mức bình thường, song để duy trì hoạt động, anh chị vẫn chấp nhận. 3 năm sau, bà con trong khu vực sử dụng nhiều đầu thu kỹ thuật số, thấy máy cao tần không còn ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân, anh chị hùn vốn mở tiếp 2 xưởng, mỗi xưởng sản xuất một công đoạn, sản phẩm áo mưa khác nhau. Lúc này trên địa bàn xã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất áo mưa vừa và nhỏ khiến anh chị phải tính toán kỹ để có thể đứng vững trên thương trường. Những yếu tố quyết định tới hiệu quả kinh doanh, theo chị Huệ chính là chất lượng sản phẩm, giá thành rẻ và làm sao để tạo dựng được việc làm ổn định giúp công nhân yên tâm gắn bó lâu dài với cơ sở sản xuất. Do không phải thuê mặt bằng, công nhân lao động sẵn có trong thôn, xã, cùng với nguồn kinh nghiệm được tích luỹ sau nhiều năm hoạt động nên cơ sở của anh chị hoạt động khá ổn định. Trung bình mỗi ngày, 3 cơ sở sản xuất ra 20 nghìn sản phẩm. Nhờ mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp nên sản phẩm áo mưa được tiêu thụ tốt tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Từ chỗ chỉ sản xuất và tiêu thụ 1 loại sản phẩm, đến nay cơ sở chuyển sang sản xuất nhiều loại như: áo mưa 1 lớp, áo mưa 2 lớp, áo mưa đôi…Sự phát triển của doanh nghiệp không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình, xã hội mà còn giúp địa phương giải quyết được nhiều lao động có việc làm ổn định.
HOÀNG NẾT