Vợ chồng lương y già "say" làm việc thiện

06/08/2013 08:01

Đó là vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức và Nguyễn Thị Nga ở thôn Trung Sơn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ)...



Khắc ghi lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu", nhiều năm qua, dù cuộc sống chỉ ở mức trung bình, vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức và Nguyễn Thị Nga ở thôn Trung Sơn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) luôn tích cực làm từ thiện giúp người.

Nhiều năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15-7), Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7) hoặc dịp lễ, Tết trong năm là tôi lại gặp vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức (76 tuổi) và Nguyễn Thị Nga (72 tuổi) ở thôn Trung Sơn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) cùng các con, cháu trong gia đình đi làm từ thiện. Họ thường tặng quà, bốc thuốc chữa bệnh cho đồng đội cũ, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam...

Nhiều người không biết thường nghĩ chắc gia đình ông bà phải giàu có lắm mới thường xuyên làm việc thiện và giúp đỡ mọi người như vậy. Nhưng thực tế, điều kiện kinh tế của vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức chỉ ở mức trung bình với một cuộc sống hết sức bình dị. Tổ ấm của đôi vợ chồng già này là căn nhà xây đã cũ, lợp ngói chỉ rộng chừng 40m2 nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở thôn Trung Sơn. Mảnh vườn nhỏ phía trước nhà được ông bà sử dụng trồng rau xanh, nuôi vài chục con gà lấy trứng và gà thịt để cải thiện cuộc sống. Trong nhà, ngoài bộ bàn uống nước, chiếc giường và vài vật dụng đơn sơ, còn lại phần lớn diện tích được sử dụng làm nơi khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và có nghề đông y gia truyền, năm mới 13 tuổi, ông Đức đã được cha truyền nghề. Năm 1954, ông hăng hái gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), phục vụ chiến đấu tại tỉnh Hòa Bình. Năm 1961, sau lần về nghỉ phép, ông đã bén duyên và xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Nga, người xã bên. Ông bà sinh được 4 người con. Năm 1969, ông nhập ngũ vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đất nước hòa bình, ông trở lại quê hương tiếp tục làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và "truyền nghề" cho vợ.

Để nâng cao trình độ, ông Đức đã tham gia khóa học 2 năm tại Hội Y học cổ truyền Việt Nam, đồng thời sưu tầm nhiều bài thuốc quý chữa các bệnh như: sỏi thận, xương khớp, u nang, u xơ, gan, tiền liệt tuyến, phong tê thấp, trĩ... Năm 2000, ông cho vợ lên chợ Chanh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) mở cửa hàng bán thuốc đông y, phần vì muốn mở mang thương hiệu, phần vì ở đó có nhiều đồng đội cũ của ông bị bệnh tật, cuộc sống khó khăn cần được giúp đỡ. Còn ông ở nhà tiếp tục phát triển nghề gia truyền. Trong công việc, vợ chồng ông Đức luôn giữ được cái tâm trong sáng của người thầy thuốc, được người dân quý mến. Khi người bệnh yêu cầu, ông bà không quản ngại đường xa, thời tiết, đến tận nhà bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Với những bệnh nhân nghèo hoặc đồng đội cũ, người nhiễm chất độc da cam, ông bà đều miễn phí hoàn toàn tiền khám bệnh và tiền thuốc.

Ông Nguyễn Tiến Đức ở thôn Thiết Tái, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) là đồng đội cũ của ông Đức. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Vợ ông bị bệnh thần kinh. Bản thân ông bị nhiều bệnh: suy đường huyết, sỏi thận. Hơn 1 năm nay, vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức thường xuyên tới tận nhà thăm khám và cấp thuốc miễn phí, đến nay sức khỏe của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Đức đã được cải thiện rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Lợi, 77 tuổi ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) bị viêm cầu thận, sơ gan, điều trị ở nhiều nơi mất mấy chục triệu đồng nhưng không khỏi, bệnh viện đã trả về. Vợ chồng ông Đức nghe tin lên thăm khám, bốc thuốc cho bà Lợi uống thử. Được mấy ngày, bụng bà Lợi xẹp hẳn, sức khỏe dần cải thiện. Hiện giờ bà Lợi đã có thể đi lại, bế cháu và làm những việc nhẹ. Còn bà Nguyễn Thị Ải, 74 tuổi, người cùng thôn với vợ chồng ông Đức bị sỏi thận, xương khớp, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc điều trị chỉ cầm chừng, dẫn tới người thường xuyên ốm yếu. Vợ chồng ông Đức đã khám, kê hàng chục thang thuốc miễn phí cho bà Ải. Bà Ải xúc động kể: "May mà có vợ chồng ông Đức giúp đỡ nên bệnh tình của tôi mới được cải thiện. Hằng tuần, ông hoặc bà đều qua nhà thăm hỏi, động viên giúp đỡ tôi. Ông bà ấy chu đáo và tốt tính lắm".

Bà Nga, vợ ông Đức chia sẻ: "Tôi về với chồng và các con đã được mấy năm nay. Hơn chục năm hành nghề ở Thái Nguyên và một số tỉnh vùng cao có rất nhiều kỷ niệm. Niềm vui sướng nhất của tôi là đã giúp đỡ, bốc thuốc chữa khỏi bệnh cho người nghèo và đồng đội cũ của chồng. Nhiều người trên đó thi thoảng vẫn gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình tôi..."

Từ nhiều năm nay, vợ chồng lương y Đỗ Hồng Đức luôn tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Hội Cựu TNXP phát động, đặc biệt là các hoạt động tình nghĩa. Ông Đức bảo: "Tôi tâm đắc nhất lời căn dặn của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu". Tôi đã có dịp đến nhiều nơi, thấy nhiều gia đình và đồng đội cũ còn quá khó khăn, bệnh nặng mà không có tiền chữa trị. Bởi thế tôi muốn đem hết khả năng mình có để phần nào giúp đỡ họ. Vợ chồng tôi làm việc thiện chẳng màng danh vọng bởi chúng tôi cũng già rồi. Với vợ chồng tôi, được chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn là một niềm vui, niềm hạnh phúc". Bác Nguyễn Ngọc Biên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Tứ Kỳ nhận xét: "Đồng chí Đức là một người có lòng tốt, luôn tích cực tham gia vào các phong trào của hội, nhất là hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tôi mong trong xã hội này sẽ có nhiều người như đồng chí Đức để những người có hoàn cảnh khó khăn được chia sẻ, giúp đỡ kịp thời".

Từ năm 2007 đến 2012, ông bà Đức đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo và đồng đội cũ với giá trị bình quân từ 32 - 37 triệu đồng/năm. Từ tháng 6-2013, mỗi tháng vợ chồng ông Đức nhận trực tiếp khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho 5 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn huyện và tương lai gần sẽ mở rộng ra huyện Thanh Hà và huyện Kim Thành. Đồng thời, duy trì việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng đội cũ có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng đang vận động người con trai cả và một số lương y trong huyện thành lập Ban Đông y cựu TNXP huyện Tứ Kỳ để chuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, khám, tư vấn chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hội viên của Hội Cựu TNXP, hội Nạn nhân chất độc da cam và người nghèo trên địa bàn huyện. Anh Đỗ Tuấn Anh, con trai cả của ông Đức bộc bạch: "Tôi rất khâm phục và luôn đồng tình quan điểm, lối sống của bố mẹ tôi".

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Vợ chồng lương y già "say" làm việc thiện