Chị Lan cảm thấy tự hào về chiếc áo blouse màu trắng mà anh chị khoác trên người, tự hào về công việc mà vợ chồng chị đang âm thầm cống hiến cho xã hội. Dù cuộc chiến này có cam go và dài lâu thì nhất định sẽ thắng lợi.
Cả xóm chỉ có vợ chồng anh Thành, chị Lan làm bác sĩ khiến mọi người ghen tị, mỗi khi gặp chị ở đầu ngõ thường buông lời nửa đùa nửa thật: “Xóm này, nhất nhà chị nhé, thu nhập thì ổn định, ốm đau đỡ phải lo lắng, nhà có hẳn hai bác sĩ cơ mà. Đúng là nước chảy chỗ trũng”. Chị Lan chỉ cười trừ. Có ai biết rằng từ hôm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị Lan như đứng trên đống lửa. Chồng chị là bác sĩ tai - mũi - họng nên đã xung phong ghi tên vào danh sách các y, bác sĩ tình nguyện làm việc trong khu cách ly những người thuộc diện F1 để theo dõi sức khỏe cho nhân dân. Chị làm ở khoa nhi, thỉnh thoảng vẫn phải trực đêm trong bệnh viện. Hai đứa con nhỏ phải nhờ bà nội chăm sóc. Đùng một cái, mẹ chồng chị bị ngã khi leo cầu thang. Bà bị gẫy chân nên phải vào viện bó bột. Chị Lan đau đầu tìm cách xoay xở. Chị không biết phải làm thế nào bây giờ...
Anh Thành biết tin mẹ ngã gẫy chân cũng chỉ hỏi thăm và động viên mẹ qua điện thoại. Anh vẫn tất bật với công việc ở khu cách ly từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối khuya: lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám cho từng người… Ngoài trời vẫn phảng phất hơi lạnh của thời tiết đầu xuân nhưng anh luôn vã mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang đeo lằn cả vết trên mặt. Nhiều hôm, bữa ăn của anh cũng không đúng giờ vì mải làm cố để kịp gửi mẫu đi xét nghiệm. Nghe vợ mếu máo qua điện thoại: “Anh ơi! Em phải làm thế nào bây giờ? Thằng lớn thì tự lo được nhưng con Bông mới hai tuổi, nói còn chưa sõi, nhà mình bí người quá”. Nghĩ ngợi giây lát, anh Thành quyết định: “Em gọi điện sang hàng xóm hay họ hàng xung quanh xem có ai giúp nhà mình được không? Mình sẽ thuê người em ạ! Nếu bí quá thì em đăng Facebook tìm người giúp việc nhé. Bao giờ hết dịch anh mới về được. Em lo toan nhà cửa giúp anh, thế nhé!”. Anh Thành cúp máy, chị Lan tủi thân, nước mắt cứ trào ra. Mẹ ốm mà hai cô em chồng ở huyện bên cũng chẳng thể về chăm sóc mẹ vì cả tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Công việc của chị ở bệnh viện đợt này cũng tăng lên vì nhiều anh chị em đồng nghiệp tăng cường chi viện cho các khu cách ly, các chốt phong tỏa, bệnh viện dã chiến… Cứ ngơi việc là chị lại chạy sang phòng bệnh của mẹ chồng để giúp bà vệ sinh, thay đồ, ăn uống…
Ở nhà, thằng con lớn của chị Lan học lớp hai, cũng biết trông em nhưng chưa thể nấu nướng. Từ hôm bà nội nhập viện, chị nấu sẵn cơm sáng, cơm trưa cho hai con, dặn dò con trai giờ nào cho em ăn, giờ nào cho em ngủ rồi khóa cửa nhốt hai con trong nhà. Thương con mà chị chưa biết làm thế nào. Bệnh viện đang cần chị nên chị không thể nghỉ phép lúc này. Có hôm nhìn thấy chị về đến cửa, hai đứa đã ào ra ôm chầm lấy mẹ òa khóc. Thằng lớn kể lể rằng em hư, em quấy, em đòi mẹ, khóc mãi lăn ra ngủ. Mấy hôm nay cô giáo dạy online mà thằng bé không tham gia thường xuyên được, trừ những buổi tối chị không phải đi trực thì mới nhắc nhở, hướng dẫn con đăng nhập và sử dụng máy vi tính để kết nối với lớp học. Tình trạng này kéo dài có lẽ chị lo lắng, mất ngủ rồi bị stress mất. May sao, chị được đồng nghiệp cùng khoa đã giới thiệu một bà giúp việc nhanh nhẹn, hoạt bát, trông trẻ thuê đã nhiều năm nên có kinh nghiệm, lại ở gần nhà chị Lan nên chị thở phào nhẹ nhõm. Từ nay chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình và chăm sóc mẹ chồng trong bệnh viện.
Từ ngày có bà giúp việc, hai đứa con chị Lan đã không khóc nhè khi thấy mẹ về. Thằng lớn chỉ băn khoăn hỏi mẹ: “Sao bố lâu về thế?”. Chị phải giảng giải cho con hiểu rằng bố đang tham gia vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, để đem lại sức khỏe cho nhân dân, để các con được đến trường khỏe mạnh, an toàn. Mắt thằng bé long lanh, nó bảo sau này trở lại trường nó sẽ khoe với các bạn rằng: “Bố tớ là chiến binh áo trắng”. Nghe con nói, chị Lan cảm thấy tự hào về chiếc áo blouse màu trắng mà anh chị khoác trên người, tự hào về công việc mà vợ chồng chị đang âm thầm cống hiến cho xã hội. Dù cuộc chiến này có cam go và dài lâu thì nhất định sẽ thắng lợi. Chị luôn có niềm tin như thế.
TRẦN THỊ LÀNH