Vợ anh thợ rèn

27/05/2014 08:01



Minh họa: Văn Hà


Mỗi khi tiếng cười khanh khách giòn tan của vợ anh thợ rèn chân đơn từ quán đá vọng sang mái đình làng Xung là mỗi lúc mang niềm vui truyền đến mọi người.

- Này nhé, năm trước tỉnh trao..."Bàn tay vàng" cho chồng tôi, năm nay lại được là đại biểu khách mời dự Đại hội nông dân huyện đấy. Quả cấp trên đánh giá cao giá trị nông cụ cầm tay phục vụ nông dân, coi lò rèn của vợ chồng chúng tôi như một dịch vụ quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Máy cày, máy bừa, máy gặt... có cả đấy mà vẫn cần có cái cuốc, cái cào, con dao, cái liềm, phải không nào? Hiện đại vẫn chưa bỏ được thủ công. Tự nhiên cái thương hiệu "Phó rèn chợ Xung" lại vang đi khắp vùng mới chết chứ. Thế mới biết nông dân sành lắm, vật nhỏ như móng tay cũng phải tìm mua loại xịn. Mãi Hà Bắc, Hà Nam, Thái Bình cũng đáp xe đến...

- Nhu cầu lớn vậy mà hai bác không mở rộng lò, nâng cấp lên  thành xưởng rèn để con cháu chúng tôi vào học việc - một khách hàng hỏi.

- Không phải ai cũng làm được đâu, ối người đến học nhưng vẫn không làm nổi, ăn nhau ở "nước tôi thép" đấy. Mở rộng thì được nhưng chỉ một mình nhà tôi làm không xuể, mà để cho học trò làm, sản phẩm kém ngay, mất uy tín. Thực tình chúng tôi cũng có ý định khi thằng con trai học xong đại học về, không xin được việc cũng phải tính đến nước ấy.

Mà cái lò rèn gia truyền này từ đời cụ kị chồng tôi đến giờ cũng chỉ cậm cạch có thế. Cụ đẻ ra bố chồng tôi hy sinh cũng vì cái nghề này. Chẳng là thời thằng Pháp xâm lược, ông cụ chuyên  nghề rèn giáo mác, bàn chông cho cả vùng. Giặc càn vào làng thằng lồi ruột, thằng cụt chân, kêu như bò, khiếp vía... Mãi đến khi chúng phải dùng đến cả trung đoàn với đại bác xe tăng đàn áp mới đóng bốt lập tề. Do chỉ điểm, nó bắt ông cụ tra khảo, cho đi Lai Khê rồi bắn chết ở cầu Lai Vu, mãi đến sau mới tìm được hài cốt và công nhận là liệt sĩ. Ngày trước liềm cuốc các cụ rèn ra cũng tầm tầm như các lò rèn khác. Đến khi ông bố chồng tôi vào bộ đội  đóng ở Cao Bằng mới học được nước tôi thép của người anh em dân tộc "rèn dao bằng mắt" truyền lại cho chồng tôi mới được như ngày nay. Thế đấy, lò bễ nhọc nhằn là vậy. Cái nghề củi lửa rát mặt, bốp chát nhức tai này cho cháu học làm gì!

*

Lại một người khách tìm đến đặt hàng. Người ấy bước vào sân nhìn quanh thấy một bà đứng tuổi và một người trẻ như thanh niên, bụng bảo dạ, có thể là mẹ con họ, nên chào:

- Xin chào bác, chào anh.

Người đàn bà tóc hoa râm đang vục nước giếng khơi ngửng gương mặt trắng trẻo tròn trịa với bộ răng tăm tắp, cười lên khanh khách:

- Không đâu, vợ chồng chúng tôi đấy - Bà chủ không ngại ngần để khách phải thắc mắc lâu mà giải thích luôn như bao lần bà đã giải thích với những khách hàng xa lạ đến - Chả là tôi hơn anh ấy đến gần hai mươi tuổi. Mà ngày xưa chúng tôi đến với nhau chẳng thèm tính đến tuổi. Tình yêu không có tuổi tác nào quy định, phải không bác? Anh ấy nhà tôi chỉ bị chứng bệnh: đôi chân đơn từ thuở nhỏ, chậm cái mồm cái miệng chứ tính nết hiền thảo, tay nghề tôi, rèn của anh ấy cứ là miễn chê. Thế vợ chồng nhà bác hơn kém nhau xa không?

Người khách thấy chủ nhà xởi lởi, vui tính nên cũng cởi mở:

- Xin lỗi anh chị, mong anh chị tha thứ cho, thực lòng tôi không biết, chứ không có ý tứ gì đâu, còn vợ chồng tôi thì ngược lại, bà ấy kém tôi những mười hai tuổi cơ, đúng một giáp.

Bà chủ lại khanh khách cười: Đấy nhá! Nếu có người xa lạ trông thấy hai bác đi với nhau chẳng sẽ chào ông và chào chị đi chơi ư. Ở Việt Nam ta có cô giáo bốn mươi lấy anh học trò hai mươi đấy thôi, trên thế giới còn có cụ bà tám mươi lấy chồng ba mươi nữa là, "Bà già đã tám mươi tư/Ngồi trong cửa sổ viết thư...". Miễn là yêu nhau phải không bác? Tiếng cười lại nổi lên khanh khách từ đôi môi còn phơn phớt hồng của bà chủ.

- Thì ra tình yêu không tính bằng tuổi tác anh chị nhỉ? Khi trẻ chắc là chị nhà ta được ông anh mê lắm!

- Hồng nhan bạc phận bác ạ, may mà có anh phó rèn để bám, tôi mới được như  bây giờ.

*

Chị tên là Nhung, thuở đi học là hoa khôi của trường cấp ba huyện, nhưng số phận đưa đẩy vào nơi ngõ cụt. Bọn côn đồ đã hại đời cô gái trẻ, hãm hiếp chán chê rồi bán sang Trung Quốc. Mấy năm làm tôi đòi cho bố con một lão già trong hang núi. May mà có người mách cho lối thoát. Khi hồi phục, Nhung lấy một ông giám đốc. Cuộc đời tưởng thế đã được bù đắp nhưng lão giám đốc đã đuổi Nhung rồi lấy viên thư ký trẻ đẹp, con một ông quan trong tỉnh, Nhung bỏ đi lang thang rồi làm nghề thu gom buôn bán sắt vụn. Tình cờ chị gánh đồng nát ngồi nghỉ quán chợ Xung, bên cạnh lò rèn đang đỏ lửa. Nhìn thấy mấy thanh nhíp ô-tô ngon nghẻ, cậu chủ đang phì phò kéo bễ bèn dừng lại chậm chạp văng đôi chân đến gần vồn vã: "Chị để lại cho bố con em mấy thanh nhíp này, em không mua rẻ, chị nói một lần em cũng trả một lần, không mặc cả, tính em vẫn thế. Từ nay chị kiếm được thứ này cứ dành cho em, chị nhé. Nếu chị có điều kiện chuyển liềm cuốc, dao búa đi bán giúp em, chị không sợ thiệt".

Từ đó, Nhung có thêm thu nhập, buổi sáng gánh đồ rèn đi các phiên chợ trong vùng, chiều đi mua đồng nát. Nhiều khi về tối, Nhung ăn nghỉ tại quán chợ với anh con trai chủ lò. Ông bố đêm về trông nhà trong làng. Những đêm đầu tiên, anh thợ rèn trẻ tuổi nằm bên người phụ nữ có nước da trắng và mái tóc mát mềm buông tỏa thấy rạo rực, còn Nhung đã lâu không màng nghĩ đến chuyện gối chăn.

- Em cứ nằm sát vào ôm lấy chị cho ấm.

- Tại sao da thịt chị thơm thế?

- Chị không biết nữa.

- Cho em hôn chị được không?

- Tùy ý em.

- Cho em...

- Tùy ý em, tùy ý em...

Trong thâm tâm Nhung nghĩ chẳng còn gì để mất, nếu có được đứa con, sau đỡ khổ. Nếu có chỗ để gửi thân xác vào cũng được, đỡ nay đây mai đó, nhiều kẻ trêu ghẹo. Thế rồi họ nên vợ nên chồng từ bao giờ không biết.

Chuyện ấy xảy ra vào lúc cụ thân sinh đã truyền hết nghề cho con trai. Trên giường bệnh, cụ chỉ mong có ai thương đến để có người giúp... Nghĩ đến nó mà xót xa, cha già con cọc, đã thế lại tàn tật, đôi chân to như  đôi ống bễ lúc nào cũng chỉ giấu mình trong góc nhà.

Bấy giờ thằng Quý, tên anh thợ rèn, đang học cấp 2 thì cậu ta bỏ, tìm hiểu ra mới biết bạn bè thường khinh bỉ đôi chân của cậu. Đến nỗi đi học thui thủi một mình, đi thật sớm, về thật muộn, ngồi học góc cuối lớp, ra chơi cũng cứ gục mặt trên bàn, chán rồi bỏ học. Quý bảo: "Bố ơi, cho con theo nghề rèn của bố, con không học được chữ ở trường, con sẽ học nghề thật tốt, nghề rèn cũng sẽ tự nuôi mình được suốt đời".

Khi Quý đã mười bảy, mười tám, ông bố cũng chẳng dám tính đến chuyện lấy vợ cho con, mà ai lấy nó. Ngồi quán cả ngày chẳng có người con gái nào qua bắt chuyện với con mình. Bản thân cậu ta cũng mặc cảm không mấy khi chuyện trò đối diện với ai, chỉ khi đôi chân đã khuất sau đôi ống bễ mới nói vài câu cần nói. Bây giờ gặp người phụ nữ giảo hoạt, ông cũng không hề nghĩ đến việc người ta lấy con trai mình. Mãi đến khi người làng đồn đại và con trai ông trình bày ý định lấy người phụ nữ mua bán đồng nát..., ông rất mừng nhưng vẫn nghi ngờ: "Con ơi, người ta đẹp thế, sắc sảo thế, sao có thể lấy con làm chồng?". "Không đâu, chị ấy thực thà lắm, kể hết chuyện đời đáng thương cho con nghe. Con thấy thương chị ấy và nhất định lấy chị ấy. Chị ấy hơn con nhiều tuổi nhưng còn có người thay bố lo toan việc nhà"... Ông thân sinh gật đầu vui vẻ: "Thế là phúc đức cho gia đình họ hàng nhà ta rồi..."

Chị đồng nát đã sinh cho anh phó rèn góc chợ Xung đứa con trai bụ bẫm. Đang từ cuộc sống lang thang, nay có gia đình yên ấm, lại sinh con trai, "gái một con trông mòn con mắt" chị Nhung càng trẻ đẹp hẳn lên. Mỗi khi xong công việc bên lò, Nhung buông suối tóc dài chải chuốt khiến bao kẻ si tình qua quán chợ ước muốn... Lão râu sồm chủ quán bia đối diện với lò rèn đã dụng ý muốn chiếm đoạt chị từ bao giờ, nay ngắm thấy chị rực rỡ càng sôi máu thèm thuồng. Nhung đã biết thừa thói dâm bạo của tên chủ quán bia, với đôi mắt lấm lét nhiều lần đã tán tỉnh chị... lại được nhiều chị em khu chợ bị hại báo cho chị phải cảnh giác tên này. Cho nên mỗi lần sang mua bia cho chồng, chị đã chuẩn bị sẵn sàng cho hắn bài học nếu hắn giở thói dê, chó với chị. Quả vậy, chiều nay khi chị sang quán lão râu sồm mua bia, vừa bước chân vào quán, lão đã dang tay bê thốc chị chạy vào đặt lên giường. Chị Nhung bình tĩnh rút chiếc trâm trên đầu cắm thẳng vào... Lão râu sồm bật ngửa, hai tay ôm lấy bộ hạ, giãy giụa, mặt tái mét như kẻ sắp chết nhưng không dám kêu. Chị Nhung nhanh bước về quán rèn với người chồng đang mải tôi nước thép, chậu nước tôi sôi lên sùng sục, loang loáng sắc cầu vồng, thanh thép đỏ tươi. Hẳn là nước thép rất chuẩn.

Chủ quán bia nằm viện không hé lời than vãn. Những kẻ si tình khác mong manh tin đồn thật hư về đòn trời giáng của vợ ông thợ rèn, từ đấy chẳng dám sàm sỡ với chị. Còn chị em quanh chợ càng yêu mến và khâm  phục vợ ông thợ rèn. Tiếng cười vợ ông thợ rèn lại khanh khách vang sang mái đình: "Người ta đã có chồng con phải để cho người ta yên ấm. Chồng tôi hiền lành đừng có bắt nạt". Câu nói của vợ người thợ rèn như lời cảnh báo của giới phụ nữ  làng Xung.
Bây giờ thì chẳng những có đứa con đang học đại học mà chị còn là người làm chủ cơ nghiệp nhà chồng.

Mỗi lúc được lời động viên của khách hàng, bà chủ càng phấn chấn có thời cơ để diễn đạt sự hiểu biết xã hội rộng rãi và tay nghề thợ rèn của chồng mình:

- Bác cứ ngẫm mà xem, Việt Nam mình còn cây lúa, cây khoai thì còn cái liềm cái hái, còn bếp ăn gia đình còn dao thớt. Rồi trong đời sống của con người hằng ngày vẫn cần có cái búa, cái rìu, cái kìm, cái kéo... Chẳng bao giờ hết được nhu cầu ấy, cho nên nghề rèn còn mãi bác nhỉ. Nhưng cũng như bác đã biết, không phải thợ rèn nào cũng có được nước tôi thép như nước tôi của ông chồng tôi. Đấy, có biết bao nhiêu người cơm nắm quả mướp đến học hàng năm thậm chí mười năm về  mở lò mở xưởng rồi cũng đóng cửa vì cái liềm, con dao, cái kìm, cái búa ba bữa đã quẳng đi... Đằng này, mọi thứ sắc lẹm, ngọt bén như nước...

- Có vậy anh nhà mới được cấp bằng "bàn tay vàng" chứ!

Tiếng cười lại khanh khách vang lên từ đôi môi và hàm răng tăm tắp của vợ anh thợ rèn truyền niềm vui sang mọi người, mọi nhà...

Truyện ngắn của NGUYỄN LONG NHIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vợ anh thợ rèn