Việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi không chỉ giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi theo mô hình VietGAP giúp các trang trại phòng tránh được dịch bệnh, cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường
Từ cuối năm 2013 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi không chỉ giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Xã Vĩnh Hòa có 100 hộ chăn nuôi ở 2 thôn Ngọc Hòa và Vĩnh Xuyên tham gia Dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm" của Ban Quản lý dự án nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tham gia dự án, các hộ chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín từ cung ứng con giống, quy trình chăn nuôi, kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc kháng sinh, hooc - môn tăng trưởng để cung ứng thịt lợn sạch đến người tiêu dùng. Mỗi hộ được hỗ trợ gần 4 triệu đồng để mua dụng cụ chăn nuôi an toàn sinh học như xe rùa vận chuyển thức ăn, máy bơm nước, bình phun khử trùng, ủng cao su, máng ăn tự động, bóng điện sưởi, vòi uống nước tự động cho lợn. Hằng năm, Ban quản lý dự án tổ chức lấy mẫu cám ở các hộ chăn nuôi và các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi trong vùng để kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng, chất cấm và hàm lượng chất tồn dư trong sản phẩm…
Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình và phải bảo đảm sản phẩm an toàn theo 29 tiêu chí của VietGAP đề ra như không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách, không bán lợn mới được tiêm thuốc kháng sinh, chưa đủ thời gian cách ly ra thị trường… Bên cạnh đó, các hộ cần phải tiêm phòng vaccine theo quy định, vệ sinh chuồng trại hằng ngày cũng như phun thuốc sát trùng định kỳ để phòng chống dịch bệnh.
Anh Hà Văn Vụ ở thôn Ngọc Hòa là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, trang trại của gia đình anh xây dựng không khoa học nên lợn thường xuyên bị bệnh, hiệu quả chăn nuôi không cao. Từ khi tham gia dự án, gia đình anh được hỗ trợ các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để phục vụ chăn nuôi. Anh thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng và phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh chuồng nuôi bảo đảm luôn sạch sẽ, thoáng mát. Nhờ đó, đàn vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh cho nguồn thịt sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn, là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái. Hiện nay, trang trại rộng hơn 400 m2 của gia đình anh nuôi 100 con lợn thịt siêu nạc và 20 con lợn nái. Anh chia sẻ: “Trước đây, vào mỗi đợt giao mùa, dịch bệnh bùng phát, có năm đàn lợn nhà tôi bị chết do dịch bệnh. Tham gia vào nhóm chăn nuôi theo quy trình VietGAP, được học và tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, 3 năm nay, lứa lợn nào của gia đình tôi cũng khỏe mạnh, nhanh lớn".
Không chỉ riêng gia đình anh Vụ, nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và đều mang lại hiệu quả cao. Ông Phạm Gia Liên ở thôn Vĩnh Xuyên nuôi lợn theo quy trình VietGAP cho biết: “Chăn nuôi theo quy trình VietGAP nên lợn vừa xuất chuồng là thương lái đăng ký mua hết. Trước đây, nhiều hộ chăn nuôi còn xả nước thải ra môi trường nhưng đến nay, tất cả các hộ đều xử lý bằng hầm biogas, phân cũng được ủ theo quy trình VietGAP để làm phân bón cho cây trồng".
Theo ông Nguyễn Khắc Thưởng ở thôn Ngọc Hòa, nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tăng trọng nhanh hơn so với nuôi theo cách thường, giúp các hộ tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Nguyên nhân do lợn nuôi theo tiêu chuẩn Việt GAP có sức đề kháng tốt, ít bệnh nên nhanh lớn, xuất chuồng sớm hơn từ 7-10 ngày so với lợn nuôi thường. Từ đó, các hộ tiết kiệm được chi phí trong chăn nuôi. Hiện tại, trang trại của ông nuôi 30 con lợn siêu nạc, giá bán trung bình từ 44.000-45.000 đồng/kg. Với giá bán này ông thu lãi từ 1,1-1,2 triệu đồng/con lợn, trung bình mỗi lứa lợn ông thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Khắc Mãn, Trưởng Ban Thú y xã Vĩnh Hòa, lợi ích lớn nhất khi người dân tham gia dự án là thay đổi được nhận thức về chăn nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi khoa học, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, cho năng suất, hiệu quả cao. Toàn bộ số lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đều được bấm thẻ tai để nhận biết thực phẩm sạch khi xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Tuy vậy, các hộ vẫn phải tự tiêu thụ. Giá bán lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP không khác biệt so với lợn nuôi thường. Do đó, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ giúp người chăn nuôi tìm thị trường ổn định tiêu thụ cho thực phẩm sạch. Có như vậy, các hộ dân mới yên tâm chăn nuôi, cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường.
PV