Vinh dự đi liền với trách nhiệm

20/11/2018 08:29

Các hoạt động chào mừng, tôn vinh, tri ân các thầy, cô giáo đang được triển khai rộng khắp để kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Vinh dự của nghề giáo, nhà giáo xuất phát từ sứ mệnh cao cả là vì lợi ích “trồng người” như Bác Hồ từng dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Từ xưa tới nay, dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, hiếu học, coi trọng nhà giáo tới mức ví von là dạy cho học sinh “nửa chữ” cũng là thầy. Những tấm gương nhà giáo mẫu mực cả về năng lực, phẩm chất từ bao đời nay góp phần bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của nghề giáo.

Nhưng vinh dự nào cũng đi liền với trách nhiệm. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề. Lịch sử ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam chứng minh điều này. Năm 1946, Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) được thành lập ở Pháp. Bản Hiến chương các nhà giáo do FISE ban hành không chỉ có nội dung bảo vệ quyền lợi mà còn đề cập tới trách nhiệm của nhà giáo. Hội nghị FISE họp tại Vacsava (Ba Lan) tháng 8.1957 quyết định lấy ngày 20.11 làm Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1958, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Ngày 28.9.1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20.11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều 2 của quyết định nêu: “Để ngày 20.11 có ý nghĩa thiết thực, hằng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình”. Điều 3 của quyết định nói về các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, khen thưởng đối với giáo viên.

Như vậy, lịch sử ngày 20.11 nhấn mạnh đến trách nhiệm, sự rèn luyện của nhà giáo để xứng đáng với nhiệm vụ cao cả, bên cạnh sự tôn vinh, đãi ngộ dành cho đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, hiện nay không ít người, trong đó có cả các giáo viên hiểu chưa đầy đủ rằng ngày 20.11 đơn giản là dịp để xã hội chăm lo, tri ân cho các nhà giáo. Ở một số nơi, các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam quá chú trọng đến các hoạt động tặng quà cho các thầy, cô giáo mà coi nhẹ việc động viên các thầy, cô giáo làm tốt chức trách của mình, còn có những hoạt động phô trương, hình thức, gây phiền hà cho phụ huynh, học sinh. Có những giáo viên coi dịp 20.11 hằng năm là cơ hội để kiếm món hời lớn từ quà tặng của phụ huynh, học sinh. Họ tìm nhiều cách nhằm gợi ý rất kín đáo để được nhận quà tặng. Với những giáo viên ấy, những phụ huynh, học sinh nào tặng quà sẽ được quan tâm hơn những em không tặng quà.

So với trước đây, thế hệ nhà giáo hôm nay có nhiều thuận lợi hơn song cũng đối diện với không ít thách thức, áp lực. Áp lực từ căn bệnh thành tích nghiêm trọng, từ đồng lương của nghề giáo còn thấp và cũng chính từ những nhà giáo bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những nhà giáo bị “thương mại hóa”, chạy theo đồng tiền mà bất chấp đạo đức, lương tâm không còn là cá biệt. Để có thu nhập, họ sẵn sàng dùng các thủ đoạn tinh vi để lạm thu, để học sinh phải học thêm trái quy định; họ không ngại chạy chức, chạy thành tích, chạy bằng cấp, chứng chỉ. Đội ngũ giáo viên ngày càng tăng song dường như những nhà giáo tận tâm, trách nhiệm, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, thực sự là tấm gương sáng thì không tăng lên tương xứng.

Đấu tranh để vượt qua những áp lực, tiêu cực đó, trước hết phải bắt đầu từ bản thân mỗi nhà giáo. Và dịp 20.11 hằng năm chính là thời gian để mỗi nhà giáo tự xét soi lại mình, thấy mình cần làm gì để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội dành cho nghề này.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinh dự đi liền với trách nhiệm