Sáng 25.11, nhà báo Nguyễn Kỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương đã từ trần do tuổi cao, bệnh nặng.
Báo điện tử Hải Dương trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương như một nén nhang kính viếng nhà báo Nguyễn Kỳ.
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương Nguyễn Kỳ
Ngày tôi về Báo Hải Hưng thì anh Nguyễn Kỳ đã là một trong những cây bút chủ lực của tòa soạn. Anh là phóng viên tổ nông nghiệp. Tôi phụ việc cho Thư ký tòa soạn. Thời ấy, nông nghiệp là "Mặt trận hàng đầu" nên phóng viên của tổ nông nghiệp thường là những cây bút "cứng" và số lượng phóng viên cũng nhiều hơn hẳn những tổ khác. Phóng viên nông nghiệp cũng "bám đội lội đồng" không kém cán bộ cơ sở. Có thế mới bám sát phong trào, mới có thông tin.
Những năm 70 của thế kỷ trước, việc đi công tác cơ sở của cán bộ, phóng viên cũng là một kỳ công. Mỗi chuyến đi thường ba bốn ngày, có khi cả tuần, thậm chí nửa tháng. Phóng viên đi công tác phải chuẩn bị đủ quần áo, tư trang, tiền ăn và tem gạo. Phương tiện là xe đạp. Sau ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975) hầu như mỗi người trong cơ quan đều đã sắm được xe đạp. Chiếc xe đạp là tài sản quan trọng của mỗi gia đình ngày ấy, dù là cọc cạch. Anh Nguyễn Kỳ cũng có chiếc xe đạp nữ Sài Gòn, khung lượn, màu huyết dụ. Mỗi lần dắt xe đi công tác là thấy anh gọn gàng, tươm tất một dáng vẻ nho nhã. Mùa hè, sơ mi trắng, chân dép nhựa. Mùa đông, áo đại cán lót mềm bông, mũ cát. Sau xe là chiếc cặp da nâu căng phồng những tư trang, kèm theo chiếc bơm, phòng khi xe bị xịt lốp dọc đường. Từ trung tâm thị xã Hải Dương đi các huyện hợp nhất xa tới 40-50 cây số, chưa kể đến huyện lại xuống các xã cũng hàng chục cây. Trời nắng đã vậy, trời mưa thật khổ vì đường lầy lội. Xe đạp đi không được, dắt cũng khó vì đất bám đầy, phải dùng que gạt đất khỏi lốp, có khi phải vác xe trên vai mà đi. Xuống cơ sở tuy vất vả nhưng vui vì được đón tiếp chân tình và thường ăn ngủ cùng cán bộ cơ sở. Khi về, do quý nhà báo nên phóng viên không phải thanh toán tiền ăn, anh em cơ sở thường chỉ xin chiếc tem gạo, loại 225 gam để có dịp mua chiếc bánh mỳ cho con khi được họp huyện.
Mỗi chuyến công tác như thế, tư liệu thường được phóng viên ghi đầy trong sổ tay cùng các văn bản, báo cáo của cơ sở. Về tòa soạn chỉ việc ngồi mà "thái" ra. Đâu là tin, là bài, đâu là gương "Người tốt việc tốt"... Những vấn đề tổng hợp thì biến thành "Xã luận". Thế là thành số báo trọng tâm. Ban ngày làm chưa xong, viết chưa hết, phóng viên lại cặm cụi làm việc tới khuya. Mỗi người một góc, bàn không có thì kê lên chiếc hòm gỗ hoặc hòm tôn đựng quần áo tư trang ở cuối giường cá nhân làm bàn viết. Ai viết quá khuya lặng lẽ lấy tờ báo che bớt bóng đèn để không ảnh hưởng tới người khác. Anh Nguyễn Kỳ cũng vậy. Anh thường lấy tư liệu kỹ nên viết nhanh và viết xã luận khá sắc, nhạy bén trong phát hiện vấn đề. Bản thảo viết tay của anh thường sạch, nét chữ rắn rỏi và đều, tin bài qua Thư ký tòa soạn và Tổng Biên tập ít phải sửa.
Cứ như thế, bao nhiêu năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, dường như bước chân anh đã tới khắp các vùng trong tỉnh, Lúc về Mỹ Văn, Châu Giang xa xôi, khi ngược vùng đồi núi Chí Linh, Kim Môn đò giang cách trở... Cán bộ cơ sở và các ngành với anh thật thân thiết. Những nơi anh từng đến, từng đi, khi trở lại cứ như trở về nhà. Cũng chừng ấy thời gian, không biết anh đã có bao nhiêu trang bản thảo, bao nhiêu tin bài gắn bó với đời sống cùng những nỗi niềm trăn trở với nông nghiệp, nông thôn.
Đầu năm 80, anh Nguyễn Kỳ được phân công làm Tổ trưởng Tổ phóng viên nông nghiệp. Ngày ấy, chức tổ trưởng các tổ (là trưởng phòng, ban sau này) chỉ phân công miệng, không có quyết định, không có phụ cấp, nhưng công việc vẫn đâu vào đấy. Cũng dịp này, duyên cớ thế nào tôi được chuyển sang làm phóng viên nông nghiệp. Từ đấy, tôi làm quân của anh. Những chuyến đi công tác xa gần, chủ động hay đột xuất đề nhỏ nhẹ nhắc nhau và tự giác thực hiện rất nghiêm cẩn. Nhớ lần làm số báo trọng tâm về huy động lương thực. Lương thực ngày ấy vẫn cực kỳ quan trọng với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Tin bài cho số báo tôi đã làm xong, cả xã luận, lại làm cả ca dao, nhưng khi đọc anh nhỏ nhẹ bảo tôi: "Phù Tiên là huyện lớn, huy động lương thực nhiều, chú nên về đó viết thêm một bài". Tôi lặng lẽ về ngay Phù Tiên xa hơn 40 cây số và hai ngày sau đã có bài nộp. Quả nhiên, số báo trọng tâm về lương thực ấy chững chạc hẳn.
Công việc biên tập, tổ chức mặt báo anh làm miệt mài. Trong giờ làm việc thường thấy anh nghiêm túc "ôm" bàn với dáng vẻ thật tập trung. Đôi tròng kính trắng trễ xuống mũi, đầu hơi cúi, vai nhô cao, trông anh cặm cụi như người thợ kim hoàn. Anh chăm chú gạch xóa, thêm bớt vào bản thảo từng chữ, có khi cả một đoạn dài. Tin bài của phóng viên, cộng tác viên qua tay anh biên tập đều trở nên gọn gàng, chặt chẽ. Nhiều tin bài được rút lại tít, hoặc chỉ thêm bớt một vài từ bỗng thành hấp dẫn. Nhiều người có tin bài được anh biên tập là yên tâm và học được nhiều điều bổ ích về nghề.
Ngoài công việc chung, anh còn quan tâm đời sống mọi người, nhất là lúc khó khăn, đau yếu. Có trường hợp chuẩn bị làm nhà nhưng tiền còn thiếu, vừa lúc anh bán nhà ở quê, anh liền bảo: "Bí thì cứ cầm tiền của tớ mà dùng" trong lúc anh và vợ con anh vẫn đang phải ở nhà tập thể. Sau, tuy không phải mượn tiền anh nhưng lòng tốt ấy thì người này nhớ mãi.
Ở cơ quan, anh Nguyễn Kỳ cũng là người có nhiều năm làm công tác Đảng, hết Chi ủy rồi đến Bí thư chi bộ. Công tác Đảng trong cơ quan ngày ấy không phải không có lúc phức tạp. Trong các cuộc họp, có những ý kiến vòng vo, né tránh hoặc lấy lòng, nhưng ý kiến của anh thường ngắn gọn, thẳng thắn và trách nhiệm. Anh ghét thói tham lam, giấu mình, cơ hội. Có người không thích anh nhưng vẫn phải thừa nhận anh là người đúng mực. Khi đã chững tuổi, anh được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban Biên tập. Đến tuổi ngoài 50, anh dược bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương. Lúc này, tỉnh Hải Hưng được chia tách, trở lại tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.
Thời gian qua đi thật nhanh và cũng thật nhiều thay đổi. Tôi vừa là người đi sau anh, vừa là đồng nghiệp của anh và rồi trở thành người cộng đồng trách nhiệm trong quản lý điều hành. Anh cùng tôi lo toan mọi việc, từ xây dựng đội ngũ làm báo, đổi mới, phát triển tờ báo, đến xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cán bộ, phóng viên... anh đều tận tình, trách nhiệm. Công việc nhiều, sau những lúc miệt mài, tôi thường ngồi cùng anh trà nước. Anh có lối pha trà rất cẩn trọng, tráng ấm chén thật kỹ, hãm chè chín đúng độ mới rót đều các chén và cũng là tôn trọng người đối ẩm. Nhấp ngụm trà nóng hổi, với tay lấy chiếc điếu cày, bẻ mẩu thuốc lá du lịch cho vào nõ điếu rồi bật diêm, anh rít một hơi dài, tàn thuốc cháy trắng mới phả khói ra nghi ngút. Đôi mắt anh lim dim, trông thật sảng khoái. Anh nghiện thuốc lào vào dạng "thâm niên" và "có hạng" nhưng phải bỏ vì mấy trận ốm, đành chuyển sang thuốc lá cho nhẹ, nhưng vẫn kiên trì giữ đúng "phong cách" thuốc lào. Nhớ lần được sang nước ngoài, anh đem theo cả điếu cày lên máy bay. Điếu được bọc kỹ trong giấy báo, hải quan kiểm tra tưởng "vũ khí" gì, phải "tả tình tả cảnh" mãi mới được đem theo. Những lúc giải lao hay cuối ngày ngồi xả hơi, lại chuyện xa chuyện gần, rồi chuyện "nhân tình thế thái"... Lúc vui, biết tôi làm thơ, anh tiết lộ "bí mật" ngày trẻ, thời còn là nhà giáo, anh đã từng viết tiểu thuyết nhưng không thành công. Như hồi tưởng thời đã qua, thoáng một niềm nuối tiếc, anh tự bảo "Văn chương đích thực, thật không đơn giản!". Lúc ưu tư, thấy chuyện không hay, anh thường có những nhận xét sắc sảo, hóm và nêu đúng bản chất vấn đề rồi buông tiếng thở dài, kèm một câu "Đúng là đồ bốc ruốc!". "Bốc ruốc " theo hàm nghĩa của riêng anh là loại bỏ đi, là thứ không ra gì. Khuôn mặt anh lúc ấy bỗng dâng đầy nỗi chán chường, thất vọng.
Nhà báo Nguyễn Kỳ (thứ ba từ phải sang) tại Đại hội Chi bộ Báo Hải Dương tháng 10.2000
TIN BUỒN
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: chồng, cha, ông, cụ chúng tôi là cụ Nguyễn Kỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; sinh ngày 3.12.1942, hưởng thọ 76 tuổi; quê quán xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương; trú quán 26B Cầu Cốn, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 5 giờ 40 ngày 25.11.2017 (tức 8.10 năm Đinh Dậu).
Lễ nhập quan lúc 13 giờ 30. Lễ viếng từ 14 giờ ngày 25.11 (tức 8.10 năm Đinh Dậu) tại 26B Cầu Cốn, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Lễ truy điệu vào hồi 13 giờ 10 ngày 26.11.2017 (tức ngày 9.10 năm Đinh Dậu). An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Cầu Cương, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
TM. BAN TANG LỄ VÀ GIA ĐÌNH
Bà quả phụ: Nguyễn Ngọc Giao
Trưởng nam: Nguyễn Trung Dũng
Thứ nam: Nguyễn Hùng Chương