Vinalines tan nát dưới thời Dương Chí Dũng

15/12/2013 14:53

Dương Chí Dũng về “chấp chính” Vinalines tháng 8-2005, đến cuối năm 2008 đầu 2009 kết quả vận tải biển của Vinalines bắt đầu giảm sâu.





Ngày 29-4-1995, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) được thành lập. Lúc này Vinalines có 22 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 2 công ty cổ phần, 9 công ty liên doanh với nước ngoài; vốn điều lệ 1.496 tỷ đồng, đội tàu có 49 chiếc, năng lực thông qua cảng biển hơn 12 triệu tấn.

Ngày 25-6-2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc chuyển công ty mẹ - Vinalines thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Từ năm 2000-2005, tổng vốn đầu tư cho đội tàu đạt 7.200 tỷ đồng. Hoàn thành đóng mới được 7 tàu, mua thêm được 71 tàu, nâng tổng số tàu biển đến hết năm 2005 là 104 tàu với tổng trọng tải gần 1,2 triệu DWT, tuổi tàu trung bình là 17,4. Tổng vốn đầu tư cho hạ tầng và trang thiết bị là 3.000 tỷ đồng. Tổng số cầu cảng đến hết năm 2009 là 9.000m. Đầu tư và xây dựng tòa nhà Ocean Park (tại Hà Nội) làm trụ sở của tổng công ty. Mức tăng trưởng bình quân sản lượng năm năm của giai đoạn này đạt bình quân 10%/năm, doanh thu khai thác cảng biển bình quân 10%/năm. Đến 31-12-2005 vốn nhà nước tại Vinalines đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 46% so với cuối năm 2000).

Dương Chí Dũng về “chấp chính” Vinalines tháng 8-2005, đến cuối năm 2008 đầu 2009 kết quả vận tải biển của Vinalines bắt đầu giảm sâu. Cuối năm 2010, tỷ lệ nợ của Vinalines bằng 4,27 lần vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh giảm dần do chi phí lãi vay, vốn đầu tư hiệu quả thấp.

Cuối năm 2011, đội tàu của Vinalines có 154 chiếc, tổng trọng tải hơn 3,4 triệu DWT. Đến 31-12-2012 đội tàu còn 143 chiếc với tổng trọng tải khoảng 3 triệu DWT phân bố tại 12 doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu của Vinalines là 9.411 tỷ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỷ đồng, nợ phải trả 43.135 tỷ đồng. Để giảm lỗ, năm 2012 các doanh nghiệp thuộc Vinalines phải bán đi 10 tàu.

Ngày 4-2-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinalines. Theo Bộ GTVT, kết quả bước đầu thực hiện đề án tái cơ cấu là Vinalines đã giảm đầu mối từ 73 doanh nghiệp xuống còn 36 doanh nghiệp. Đồng thời tái cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển VN (VDB), cơ cấu nợ được 20.412 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013-2014; hoàn thành thủ tục bổ sung vốn điều lệ. Với đội tàu, Vinalines dự kiến thanh lý 59 tàu nhiều tuổi, khai thác không hiệu quả (đã bán được 9 tàu). Vinalines cũng rút khỏi liên doanh dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dừng triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Ngày 15-11-2013, Chính phủ ban hành nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinalines. Theo đó vốn điều lệ của Vinalines được tăng từ 8.087 tỷ đồng lên 10.693 tỷ đồng. Vinalines sẽ tiếp tục thoái vốn đối với những ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính.

T.PHÙNG(Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinalines tan nát dưới thời Dương Chí Dũng