Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài có thể đề xuất việc sử dụng lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ gặp gỡ đại diện các nhà khoa học để nghe đề xuất về các hướng nghiên cứu phòng chống bệnh dịch do nCoV. Ảnh: T.HÀ
Nhằm xây dựng phác đồ điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp nhà nước "Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới".
Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS.
Theo đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Cảnh giác dược và các đơn vị khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện.
Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh. Từ đó sẽ báo cáo đánh giá hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học cũng như tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ điều trị nền của Bộ Y tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài có thể đề xuất việc sử dụng lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Mục tiêu của đề tài này là trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đồng thời đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Theo Tuổi trẻ